So sánh nho giáo hàn quốc và nho giáo việt nam

ẢNH HƯỞNG CỦA NHO GIÁO ĐỐI VỚI VĂN HÓA GIA ĐÌNH HÀN QUỐC HIỆN ĐẠI [Phần 1]

Nho giáo được sản sinh ra ở Trung Quốc vào thời Xuân thu – Chiến quốc, do Khổng Khâu [thường gọi là Khổng Tử: 551 TCN – 479TCN], người nước Lỗ sáng lập ra. Ông là người đã san định, hiệu đính, giải thích Ngũ kinh, tức Kinh thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu. Sau khi ông mất, học trò tập hợp những lời dạy của thày lại soạn ra Luận ngữ. Học trò xuất sắc của Khổng Tử là Tăng Sâm [thường gọi là Tăng Tử] dựa vào lời thày soạn sách Đại học. Một người cháu nội của Khổng Tử, đồng thời cũng là học trò giỏi của Ông là Khổng Cấp [thường gọi là Tử Tư] viết ra sách Trung dung. Sang thời Chiến quốc, nhiều học phái nổi lên, có người là Mạnh Kha [thường gọi là Mạnh Tử] đã ủng hộ, biện luận chặt chẽ, khúc triết, có tính thuyết phục cao, bảo vệ xuất sắc tư tưởng của Khổng Tử. Những lời biện luận của Mạnh Tử về sau được học trò biên soạn lại thành sách Mạnh Tử. Bốn bộ sách trên về sau hợp lại gọi là Tứ thư. Ngũ kinh và Tứ thư là những bộ sách kinh điển của Nho gia, được truyền bá cho đến tận ngày nay. Như vậy, Mạnh Tử đã khép lại một giai đoạn quan trọng hình thành nên Nho giáo, thường được gọi là Nho giáo Khổng – Mạnh.[1]

Đến đời Hán Vũ đế [140 TCN – 25TCN], ông vua này nghe theo lời khuyên của Đổng Trọng Thư, lần đầu tiên đưa Nho giáo lên địa vị quốc giáo. Từ đây, Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống của chế độ phong kiến Trung Hoa và càng ngày càng hoàn thiện hơn. Trải các triều đại đến đời Tống, hai anh em Trình Di, Trình Hạo và Chu Hy còn chú thích, giải nghĩa kỹ càng hơn, phục vụ đắc lực hơn cho khoa cử Nho giáo và thực tế đương thời nên thường được nói tới là Trình-Chu hoặc Cửa Khổng – Sân Trình.

Nho giáo không chỉ dừng lại ở khuôn viên đại lục Trung Hoa mà nó còn được truyền bá nhanh, mạnh sang các nước Đông Á. Tuy nhiên, sự truyền bá và tiếp nhận không phải là dập khuôn nguyên dạng mà đã có sự biến đổi. Nói theo GS Phan Ngọc thì nhất định phải qua “sự khúc xạ”[2]. Điều đó tức là, Nho giáo mà các nước Đông Á tiếp nhận đã có sự đậm nhạt khác nhau, tạo ra những nét riêng, bởi thế mới xuất hiện Việt Nho, Hàn Nho…

Ở Hàn Quốc, sự tiếp nhận Nho giáo diễn ra rất sớm [năm 392] và được các triều đại phong kiến áp dụng một cách triệt để, các nho sĩ không chỉ học tập Ngũ kinh, Tứ thư mà còn tranh luận sâu sắc về nghĩa lý, tạo ra những học phái tranh luận quyết liệt. Do nhà nước Chosun sùng bái Nho giáo, đến thế kỷ XV, thời vua Sejong, Nho giáo đã vượt lên trên Phật giáo, chiếm địa vị độc tôn. Sự độc tôn đó được các triều vua Chosun ngày càng đẩy lên mức cao hơn, thậm chí cực đoan. Điều đó cũng có nghĩa là Nho giáo nơi đây đậm nét hơn hẳn Nho giáo Trung Hoa.

Năm 1910, Nhật chiếm bán đảo Hàn, đánh dấu chấm hết cho Nho giáo Chosun. Triều đại Chosun, triều đại phong kiến cuối cùng ở bán đảo này đã một đi không trở lại. Tư tưởng Nho giáo cũng không còn là tư tưởng chính thống cai trị xã hội. Nhưng, các giá trị của nó vốn đã ăn sâu trong tâm thức con người Hàn Quốc suốt mấy nghìn năm không thể tan đi trong một sớm một chiều. Hơn nữa, xã hội hiện đại Hàn Quốc không có nhiều đợt phê phán, “đào tận gốc trốc tận rễ” tư tưởng Nho giáo giống như Trung Quốc và Việt Nam, cho nên, sự ảnh hưởng của những giá trị Nho giáo diễn ra khá bình thường, tới mọi mặt của đời sống xã hội. Trong sự ảnh hưởng đó, nó diễn ra theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Ở đây, chúng tôi tìm hiểu nghiên cứu cả hai hướng trên đối với văn hóa gia đình, văn hóa giáo dục, văn hóa công ty và văn hóa cộng đồng ở Hàn Quốc trong thời kỳ hiện đại.

Chúng tôi sẽ lần lượt đăng bài theo thứ tự như trên và đưa ra kết luận ở phần cuối cùng để mọi người tham khảo.

1. Đối với văn hóa gia đình

1.1. Ảnh hưởng tích cực

Khác với tư tưởng phương Tây tôn trọng tự do cá nhân, tư tưởng phương Đông nói chung và đặc biệt là Nho giáo luôn xem xét cá nhân con người trong tổng hòa của các mối quan hệ giữa cá nhân với nhau, giữa cá nhân với gia đình và xã hội. Theo Nho giáo, cá nhân con người, bất kể sang hèn, đều phải tuân thủ qui phạm của 5 mối quan hệ: vua – tôi, cha – con, chồng – vợ, anh – em, bạn – bè [tức ngũ luân, hay còn gọi là ngũ điển].

Qui phạm đó còn được coi là qui phạm đạo đức và được chế độ phong kiến coi như luật pháp và bắt buộc mọi người phải tuân theo. Hơn thế nữa, Nho giáo tôn lên như một lẽ trời định phận cho mỗi con người, vua phải ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con, chồng ra chồng, vợ ra vợ. Điều đó có nghĩa là, cách ứng xử cần phải tương ứng với thân phận. Vua phải thương dân, dân phải trung thành với vua; cha phải nuôi con, thương yêu dạy dỗ con cái nên người, làm con phải có hiếu với cha mẹ, ghi nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già; anh em cần phải thương yêu nhường nhịn lẫn nhau, làm em thì phải biết nghe lời anh chị… Cách ứng xử theo danh phận đó, Nho giáo gọi là Lễ.

Ở Hàn Quốc, vào triều đại Chosun [1392 – 1910], Nho giáo định hình vững chắc và chiếm địa vị độc tôn. Dẫu triều đại Chosun có lúc thịnh lúc suy, có những lúc xảy ra tranh luận quyết liệt về mặt luân lý Nho giáo ở thế kỷ XVII, thế kỷ XVIII[3] nhưng triều đại này vẫn vững vàng kéo dài hơn 500 năm, vẫn từng bước phát triển tư tưởng Nho gia ngày một quy chuẩn hơn, thậm chí đẩy lên tới mức cực đoan, bảo thủ. Tính cực đoan đó thể hiện rõ nét trong 5 mối quan hệ nêu trên. Cực đoan ở chỗ nhấn mạnh ở vế thứ hai, bề tôi phải tuyệt đối trung thành với nhà vua, con phải thờ cha chí hiếu, vợ phải nhất thiết phục tùng chồng, em phải nghe lời huynh trưởng. Trong 5 mối quan hệ trên, ta thấy rõ có 3 mối quan hệ liên quan chặt chẽ tới quan hệ gia đình [cha – con, chồng – vợ, anh – em].

Trước hết, hãy bàn về mối quan hệ thứ nhất là mối quan hệ mang tính chất huyết thống, rường cột và lâu dài.

Mối quan hệ cha con, mở rộng hơn tới hai ba thế hệ và hơn thế nữa.

Trong gia đình truyền thống tuân theo quy phạm Nho giáo thì người ông, người cha có quyền quyết định cao nhất. Tất cả việc lớn trong nhà đều do họ quyết định. Đồng thời, họ cũng là người có trách nhiệm và nghĩa vụ lớn nhất đối với cuộc sống gia đình. Họ phải “tu thân” tốt thì “tề gia” mới tốt. “Tu thân” ở đây không chỉ hiểu ở nghĩa trau dồi đạo đức, nhân phẩm của cá nhân mà còn phải phấn đấu đạt tới những điều tốt đẹp liên quan đến kinh tế gia đình và bản thân, mà con đường đi sáng sủa nhất là học hành thành tài, thi cử đỗ đạt, ra làm quan [đã ra làm quan thì gia đình sung túc, danh giá và cả họ được nhờ]. Đối với người con thì phải lễ phép nghe lời cha mẹ, con phải đặt đạo Hiếu lên trên hết.

Đạo Hiếu là đạo ứng xử của con cái đối với cha mẹ, hiểu theo nghĩa rộng hơn, còn là đạo ứng xử đối với thế hệ trên nữa, tức các bậc tiên tổ. Làm người có hiếu không chỉ đối xử lễ phép, chu đáo với ông bà, cha mẹ khi còn sống mà cả khi qua đời; lo ma chay chu đáo, trông nom giữ gìn cho mồ yên mả đẹp, lo cúng giỗ đầy đủ, ghi nhớ công ơn cha mẹ.

Nho giáo Chosun phát triển thịnh vượng từ thế kỷ XV còn mở rộng phạm vi đạo Hiếu. Đối với một người nêu cao đạo Hiếu, nếu chỉ dừng lại ở những điều trên thì mới đạt được Tiểu Hiếu. Hiếu phải gắn liền với Trung. Trung là trung với vua, trung với nước, dốc lòng trung quân ái quốc. Như thế mới là đại hiếu.[4] Ngoài ra, người con có hiếu phải lấy vợ, có thể lấy nhiều vợ để sinh con nối dõi tông đường. Về điểm này, Nho giáo Chosun cũng tương tự như Nho giáo ở Trung Quốc và Việt Nam thời kỳ trung đại.

Năm 1910, Nhật chiếm toàn bộ bán đảo Hàn và đặt ách cai trị cho tới năm 1945. Lịch sử Hàn Quốc gọi thời kỳ này là thời kỳ Nhật thuộc hay thời kỳ thực dân. Năm 1910 cũng là năm đánh dấu chấm hết thời kỳ phong kiến kéo dài hơn 1000 năm ở Hàn Quốc. Điều đó cũng có nghĩa là Nho giáo cũng tàn lụi theo thể chế tạo dựng và suy tôn nó. Nhưng, giá trị văn hóa, giá trị tư tưởng Nho gia không dễ dàng xóa bỏ. Chuyển sang thời hiện đại, tính từ ngày 15 – 8 – 1948, nước Đại Hàn Dân Quốc thành lập, đã có những thời kỳ mà người Hàn Quốc nhân “phong trào xây dựng làng mới” được đẩy mạnh vào những năm 1970 đã đập phá, bãi bỏ những thứ mà họ cho là tàn dư, tàn tích của chế độ phong kiến. Tất cả những gì họ cho là “cổ hủ”, cũ kỹ của truyền thống đều bị coi là lỗi thời, lạc hậu, cần phải gạt bỏ nhanh chóng để tiến lên hiện đại hóa. Thế là rất nhiều những di vật, di sản văn hóa có giá trị bị đập phá, nhiều sách vở tư liệu cổ quý giá được dùng làm giấy dán tường, làm mồi châm lửa. Thời kỳ này do Tổng thống Parkjung – hee nắm quyền, ông ta đã định dẹp bỏ tất cả những gì gọi là truyền thống để nhanh chóng đạt được cái gọi là hiện đại hóa. Nhưng, về tư tưởng, ông ta không đưa ra được một học thuyết chính trị nào phù hợp mà nhận ra rằng, không thể không sử dụng những yếu tố tích cực của Nho giáo, trong đó, Trung và Hiếu là giá trị quan xuyên suốt nhiều thế kỷ ở Hàn Quốc. Giá trị quan này được ông ra chỉ thị dạy trong nhà trường và truyền bá trong nhân dân. Có điều, ở xã hội mới, nhà vua không còn, nên chữ Trung ở đây mang đậm ý nghĩa là trung thành với quốc gia, quyết chí dốc lòng bảo vệ đất nước, bảo vệ chính quyền khi xảy ra chiến tranh hoặc biến loạn. Cần nói thêm rằng, vào thời kỳ đó, đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận nóng bỏng giữa các học giả Hàn Quốc về tính hữu dụng của truyền thống, của yếu tố tích cực trong Nho giáo mà kết quả cuối cùng là Tổng thống Park đã đi đến quyết định như vừa nêu. Từ đó cho đến tận ngày hôm nay, vấn đề chữ Hiếu vẫn được nêu cao và được coi là truyền thống tốt đẹp của người Hàn Quốc.

Vậy, truyền thống tốt đẹp đó được thể hiện thế nào?

Trước tiên, việc thờ cúng tổ tiên, chăm sóc phần mộ, xây dựng mộ trang nghiêm hơn, viết lại gia phả dòng họ, cúng giỗ theo nghi lễ Nho giáo đang là những công việc được người Hàn Quốc chú trọng.

Dưới triều đại phong kiến Chosun, việc lập bàn thờ cúng lễ tổ tiên đã được nhà nước phong kiến qui định rõ ràng, nếu nhà nào không có sẽ bị phạt. Làng xã nào có nhiều “gương điển hình” về đạo Hiếu sẽ được phong tặng danh hiệu “Làng hiếu thảo”,[5] được triều đình ban thưởng. Trong văn học có một truyện rất nổi tiếng viết về người con hiếu thảo là SimCheong jeon [Thẩm thanh truyện][6] mà hầu như người Hàn Quốc nào cũng biết.

Dẫu xã hội Hàn Quốc ngày nay đã có nhiều biến đổi nhưng việc thờ cúng tổ tiên tại nhà và ở mộ vẫn được duy trì, thậm chí còn thịnh soạn hơn thời phong kiến do đời sống kinh tế khá giả. Ở nông thôn, gian thờ tổ tiên vẫn tồn tại. Nhưng ở thành phố, bàn thờ tổ tiên không được lập nên, chỉ tới ngày giỗ mới lập ban thờ, dựng bài vị, bày đồ cúng lễ và cung thỉnh tổ tiên về chứng giám lòng thành. Đời sống càng khá giả, giàu có thì việc cúng giỗ càng theo phương thức mà các Yang ban [quí tộc] trong quá khứ đã làm. Việc cúng giỗ này tuy phức tạp, tốn kém nhưng họ vẫn thực hiện để bày tỏ lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, cầu mong tiên tổ phù hộ độ trì cho con cháu có được cuộc sống yên bình, làm ăn phát đạt.

Việc thờ cúng tổ tiên càng được chú trọng hơn vào dịp Tết trung thu và Tết Nguyên đán.

Tết Trung thu ở Hàn Quốc không phải là Tết dành cho thiếu nhi như ở Việt Nam mà là ngày lễ lớn. Người Hàn gọi Tết này là Chu seok [Thu tịch], diễn ra vào ngày 15 tháng 8 âm lịch. Ngày lễ này còn được gọi là ngày lễ tạ ơn, là dịp mọi người tạ ơn tổ tiên của mình, cầu mong cho mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ. Nguồn gốc của ngày lễ này bắt nguồn từ lễ hội mừng vụ mùa bội thu. Những sản phẩm mới thu hoạch từ vụ mùa được dâng cúng cho thần thánh trong làng và tổ tiên, tức là Chuseok bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng. Trong xã hội hiện đại, Chuseok vẫn được xem như một lễ tạ ơn vô cùng quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt đối với người Hàn Quốc. Đây là dịp đoàn tụ gia đình. Bất kể người Hàn Quốc nào dù đi làm ăn xa ở đâu cũng trở về quê hương và thể hiện lòng thờ kính tổ tiên. Nghi lễ không chỉ ở nhà mà còn được thể hiện một cách hết sức trang nghiêm ở ngoài phần mộ. Họ thường dọn sạch cây cỏ dại trên phần mộ, bày đồ cúng lễ và quì lạy hết sức kính cẩn. Tục này được gọi là Tảo mộ và cũng tương tự như ở Việt Nam, có điều, ở Việt Nam thường diễn ra vào mùa xuân chứ không thực hiện vào dịp Trung thu.

Về phía nhà nước, Chính phủ cho phép được nghỉ dài ngày và tới ngày lễ, Tổng thống Hàn Quốc đều có bài phát biểu chúc Tết Trung thu, đồng thời cũng muốn bày tỏ quan điểm lãnh đạo của mình.

TS. Lý Xuân Chung, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Tài liệu tham khảo

1. Ngô Xuân Bình – Phạm Quý Long [đồng chủ biên]: Hàn Quốc trên đường phát triển; Bài: Tìm hiểu một vài khía cạnh về văn hóa truyền thống Hàn Quốc [Lý Xuân Chung viết]; Nxb. Thống kê – Hà nội năm 2000.

2. Trần Thị Thu Lương; Đặc trưng văn hóa Hàn Quốc từ truyền thống đến hiện đại; Nxb Tổng hợp Tp HCM 2011.

3. Ngô Xuân Bình [Chủ biên]: Những vấn đề xã hội của Hàn Quốc; Nxb.LĐXH 2007.

4. Đại học Quốc gia Seoul: Xã hội Hàn Quốc hiện đại; Nxb. ĐHQG Hà nội 2008.

5. Chu Hy: Tứ thủ tập chú; Nxb Văn hóa thông tin 1999.

6. Phan Ngọc; Bản sắc văn hoá Việt Nam; Nxb Văn học, 2006.

7. Trần Ngọc Thêm; Cơ sở văn hoá Việt Nam; Nxb Giáo dục, 2000.

8. Lý Xuân Chung; Tìm hiểu vấn đề Nho giáo du nhập vào Hàn Quốc, T/c Nghiên cứu ĐBÁ, số 3 [33] tháng 6 – 2001.

9. Lê Thị Thu Giang; Ý thức gia đình Nho giáo trong cách suy nghĩ của người Hàn Quốc; T/c Nghiên cứu ĐBÁ số 6 [48], tháng 12 – 2003.

10. Nguyễn Văn Hồng; Nhận thức về giá trị văn hóa Nho giáo truyền thống Hàn Quốc với xã hội hiện đại;T/c Nghiên cứu ĐBÁ số 3 [45], tháng 6 – 2003.

11. Nguyễn Bá Thành [chủ biên]; Tương đồng văn hoá Hàn Quốc-Việt Nam, Nxb Văn hoá, 2002.

12. Choe Je-mok: Đối thoại giữa Nho giáo và hiện đại; Nxb. Hakjin, Hàn Quốc, 2004.

13. Hwang Ui-dong: Đối thoại giữa Nho giáo và hiện đại; Nxb. YeMun, Hàn Quốc, 2002.

14. Keum Jang-tae; Tìm hiểu Nho giáo Hàn Quốc, Nxb Văn hoá dân tộc; Seoul; 1989.


[1] Còn có những tên gọi khác như Nho giáo nguyên thủy hay Nho giáo tiên Tần [trước thời Tần] Nho giáo nguyên bản.

[2] Phan Ngọc; ; Bản sắc văn hoá Việt Nam; Nxb Văn học, 2006, tr.170.

[3] Cuộc tranh luận về “Tứ đoan thất tình” [4 phẩm hạnh và 7 biểu hiện tình cảm] diễn ra suốt thế kỷ XVII. Sang thế kỷ XVIII, lại nổ ra tranh luận về “Nhân vật tính đồng dị luận” [Bàn luận vấn đề đồng và dị của nhân tính và vật tính]. Các cuộc tranh luận đào sâu các khía cạnh tư tưởng Nho giáo và điều này riêng chỉ có ở Hàn Quốc, khó có thể thấy ở Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản. Tham khảo thêm Dẫn nhập lịch sử tư tưởng Hàn Quốc, tg. Kim Seong Beom, Kim Sang Ho, Đào Vũ Vũ; Nxb KHXH 2011.

[4] Không chỉ Nho giáo mới đề cập đến đạo Hiếu, mà Phật giáo cũng nêu cao đạo Hiếu. Nhưng, Phật giáo quan niệm về đại hiếu khác với Nho giáo, cho rằng chỉ có những người từ bỏ thế tục, xuất gia đi tu, dùng Phật pháp hướng cha mẹ hành thiện tích đức, tụng kinh niệm Phật để vong linh cha mẹ siêu thoát lên cõi niết bàn mới là đại hiếu.

[5] Dòng họ Lý Hoa Sơn gốc Việt có nhiều người được coi là “điển hình” về đạo Hiếu nên ngôi làng họ ở được phong là “Làng hiếu thảo”. Nguyên văn là Hiếu tử lý.

[6] Đây là câu chuyện viết về lòng hiếu thảo của con gái đối với người cha bị mù. Vì cha bị mù, Simjeong [Thẩm Thanh] từ nhỏ đã phải đi làm thuê để nuôi cha. Lớn lên, nghe thấy nói rằng cần có 300 thạch gạo dâng lên nhà chùa cúng lễ thì cha sáng mắt, cô bèn bán mình cho đám thương nhân cần một thiếu nữ làm vật tế thần biển để có đủ 300 thạch gạo dâng lên chùa.


Tin liên quan

  • TIẾNG HÀN QUỐC

  • SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NHO GIÁO KORYO [918-1392]- GIAI ĐOẠN SƠ KỲ

  • TÌM HIỂU NHO GIÁO KORYO [918-1392] - THỜI KỲ VĂN TRỊ TRONG GIAI ĐOẠN TRUNG ...

  • SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NHO GIÁO KORYO [918-1392] - THỜI KỲ VÕ TRỊ TRONG GIAI ĐOẠ ...

Mục lục

03[52]/2009

Mục lục

  • 1.Ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn hoá pháp luật truyền thống Việt Nam
  • 2.Phát huy những giá trị văn hoá của Nho giáo trong công cuộc đổi mới, xây dựng một nền văn hoá pháp luật vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc
  • 3.Tài liệu tham khảo

Nho giáo Nhật Bản và Nho giáo Việt Nam [2]

Đoàn Lê Giang
Ngày 25/03/2011
  • Tweet

[tiếp theo]

2. SO SÁNH NHO GIÁO VIỆT NAM VÀ NHO GIÁO NHẬT BẢN

2.1. Quá trình lịch sử tương cận

Quá trình du nhập và phát triển của Nho giáo ở Việt Nam và Nhật Bản có những nét gần giống nhau. Điều ấy có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là do nhu cầu trong nước và ảnh hưởng của Trung Quốc:

- Nho giáo được du nhập vào Việt Nam và Nhật Bản đều vào khoảng những thế kỷ sau công nguyên, trước hết do sự truyền bá của các học giả nước ngoài. Ở Việt Nam khoảng TK. III với vai trò của Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp; ở Nhật vào khoảng Tk. V với vai trò của 2 nhóm sử Đông Văn, Tây Văn, nhất là của học giả Vương Nhân và các “Ngũ kinh bác sĩ” sau ông.

- Nho giáo phát triển mạnh hơn vào thời kỳ xây dựng quốc gia độc lập, thống nhất. Trong giai đoạn Sơ kỳ trung đại [Tk. X-XV ở Việt Nam; Tk. VIII – XII ở Nhật Bản] Nho giáo cả hai nước đều nằm trong cấu trúc Tam giáo với vai trò ưu thắng của Phật giáo. Nho giáo được dùng vào việc tổ chức nhà nước, xây dựng lòng trung thành đối với quân vương và ý thức đạo đức cá nhân khác. Sự phổ biến của Nho giáo ở cả hai nước đều chỉ hạn hẹp xung quanh cơ quan giáo dục cao nhất là Quốc Tử Giám ở Việt Nam, Đại Học Liêu ở Nhật Bản và một vài trường tư hay chùa chiền khác. Nho giáo vẫn chưa tách ra khỏi nhà chùa, người nghiên cứu Nho giáo chủ yếu là các nhà sư. Sau đó diễn ra quá trình tách rời Nho với Phật, nói theo cách nói Nhật Bản là “Nho Phật phân ly”.

- Chu Tử học đến Việt Nam và Nhật Bản đều vào khoảng Tk. XIII sau khi nhà Nam Tống sụp đổ và nhà Nguyên lên thay. Người du nhập Chu Tử học vào VN là Chu Văn An, tác giả của bộ sách giải thích sách “Tứ thư” do Chu Hy biên soạn: Tứ thư thuyết ước. Người du nhập Chu Tử học vào Nhật Bản là nhà sư triều Nguyên Nhất Sơn Nhất Ninh, người đã chú giải sách Chu Tử học ở Nhật Bản.

- Việt Nam và Nhật Bản đều trải qua giai đoạn phát triển điển hình của chế độ phong kiến mà chúng tôi gọi là Trung kỳ trung đại. Trong giai đoạn này ở Việt Nam, Chu Tử học lên địa vị cao nhất: quốc giáo cùng với vai trò quan trọng của tầng lớp sĩ đại phu xung quanh triều đình. Ở Nhật Bản ngược lại, Chu Tử học lại chìm xuống, nhường địa vị chi phối văn hoá tư tưởng cho Phật giáo Thiền tông.

- Giai đoạn hậu kỳ trung đại là giai đoạn suy thoái của chế độ phong kiến và chứng kiến sự lên ngôi của tầng lớp thị dân ở các đô thị [ở Việt Nam từ Tk. XVIII - giữa Tk. XIX; ở Nhật Bản là thời Edo, từ đầu Tk. XVII - giữa Tk. XIX]. Trong giai đoạn này ở các hai nước, Chu Tử học ngày càng trở nên nghiêm khắc hơn để chống lại “dị học”, nhất là học thuật, tôn giáo từ phương Tây đến.

Trên đây là những điểm giống nhau chủ yếu giữa Nho giáo Việt Nam và Nho giáo Nhật Bản. Tuy nhiên Việt Nam và Nhật Bản có những điều kiện lịch sử, xã hội khác nhau nên Nho giáo ở hai nước cũng có nhiều điểm rất khác. Dưới đây chúng tôi tập trung trình bày về những điểm khác nhau đó.

2.2. “Nho học khoa cử” và “Nho học tự do”

* Nho giáo Việt Nam chủ yếu là cái học để đi thi, trong khi đó Nho giáo Nhật Bản nhất là vào thời Edo là một ngành học thuật tự do.

Nho giáo ở Việt Nam được dùng làm kiến thức căn bản để thi tuyển quan lại. Chế độ khoa cử được thực thi ở Trung Quốc từ năm 598 vào thời Tuỳ Văn Đế, để thay cho chế độ tuyển dụng thế tập quý tộc trước đó. Khoa cử được du nhập vào Triều Tiên năm 958, vào Việt Nam năm 1075. Chế độ khoa cử từ chỗ rất tích cực: thể hiện tính chất dân chủ và minh bạch trong việc tuyển dụng nhân tài, nhưng dần dần suy thoái đi đến chỗ “hư học” và bệnh “chuộng bằng cấp”. Vì là kiến thức thi cử nên học vấn Nho giáo vừa chính thống, lại vừa bị cắt xén. Sách của nho gia đã ít nếu so với kinh sách Phật giáo, đến khi đi thi giới hạn bớt, lại còn ít hơn nữa. Nguyễn Thông đã từng ca thán về tình trạng thí sinh học thi chỉ học bộ sách toát yếu của Bùi Huy Bích [13].

Lê Quý Đôn tổng kết rằng người ta chỉ cần học thuộc một ngàn bài thơ, một trăm bài phú, 50 bài văn sách là có thể đủ kiến thức để đi thi. Hệ quả là Nho giáo ở Việt Nam càng ngày càng khô cứng, trí thức thờ ơ với các học phái mới ở Trung Quốc, họ không du nhập chúng vào Việt Nam vì thấy nó không cần thiết cho con đường tiến thân. Đáng tiếc nhất là người Việt lạnh nhạt với tư tưởng Vương Dương Minh, một loại tư tưởng có tính “thực học”, tính đô thị và rất chú trọng vào kinh tế. Nhà nho muốn trở thành trí thức hữu ích thì sau khi thi đậu phải tự mình tích luỹ những kiến thức từ sách “ngoại thư”, nhất là những sách thực dụng. Người trí thức Việt bấy giờ có thể yên tâm với kiến thức của mình trong khuôn khổ một quốc gia chuyên chế phương Đông, nhưng lại hoàn toàn không đủ khi phải đối đầu với đội quân “Dương di” từ phương Tây lại. Cho đến trước khi người phương Tây hiện diện bằng đại bác ở cửa biển Đà Nẵng thì những trí thức Việt Nam có kiến thức mới cũng chỉ được vài người, trong số đó tiêu biểu nhất là Lê Quý Đôn. Ở ông chúng ta thấy ảnh hưởng khá rõ của Khảo chứng học đời Thanh, sách khoa học phương Tây của các “Tây nho” [như cách gọi của người Nhật]. Trong Vân đài loại ngữ và một vài sách khác ông cũng nói đến thuyết trái đất hình cầu, kinh tuyến vĩ tuyến…

Tuy nhiên một con người như Lê Quý Đôn có vẻ cô độc trong thời đại ông, tri thức mà ông có được chỉ là hiểu biết đơn lẻ của một cá nhân, ông không có học trò để đi tiếp con đường của mình, kể cả người học trò danh giá nhất là Bùi Huy Bích [Bùi Huy Bích sau này lại đi làm sách “luyện thi”]. Ông không có nhiều bạn bè để chia sẻ, không tạo được học phong của cả một thời đại, cho nên hơn nửa thế kỷ sau ông, khi người Việt phải đối đầu với phương Tây thì giới trí thức từ thân sĩ làng quê đến trí thức khoa bảng cung đình đều ngơ ngác không biết ứng phó cách nào …

* Tình hình Nho giáo ở Nhật Bản lại khác. Chu Tử học phái của Hayashi Razan dẫu là chính thống [quan nho phái], nhưng nó chỉ là một trong nhiều học phái Nho giáo khác nhau ở giai đoạn này: Dương Minh học phái với Nakae Tôju/ Trung Giang Đằng Thụ, Kumazawa Banzan/ Hùng Trạch Phiên Sơn; Cổ học phái với Itô Jinsai/ Y Đằng Nhân Trai, Yamaga Sokô/ Sơn Lộc Tố Hành; Công lợi chủ nghĩa phái với Ogyù Sorai/ Địch Sinh Tồ Lai …Các học phái này về phương diện tư tưởng nhiều khi đấu tranh, phê phán nhau kịch liệt, nhưng nhờ nhờ vậy mà học thuật và xã hội mới tiến bộ. Nho giáo Nhật Bản có thể nói theo rất sát, gần như cập nhật thường xuyên tình hình Nho giáo Trung Quốc. Người Nhật không áp dụng chế độ khoa cử, họ sử dụng chế độ thế tập: quý tộc cung đình, lãnh chúa địa phương, võ sĩ truyền đời…Chủ trương “Cấm thay đổi thành phần” thời Mạc phủ Tokugawa/ Đức Xuyên là sự thể hiện chặt chẽ nhất của tinh thần ấy. Ở các phiên khác nhau người ta có thể lựa chọn trí thức để phục vụ cho mình từ nhiều nguồn học vấn khác nhau: có phiên sử dụng trí thức Chu Tử học, có phiên lại dùng phái Cổ học hay Dương Minh học… Chính quyền trung ương không tham dự vào công việc này. Nhờ thế mà trí thức Nhật Bản không bị “đóng khuôn” kiến thức.

2.3. Thân sĩ - nông dân và Võ sĩ - thương nhân

Thời trung đại, ở Việt Nam nhân vật trí thức đóng vai trò chính yếu là nhà nho - các thân sĩ ở làng quê, còn ở Nhật Bản là võ sĩ ở các phiên [lãnh địa] và đô thị.

Trần Đình Hượu phân các nhà nho Việt Nam ra thành ba loại: nhà nho hành đạo, nhà nho ẩn dật và nhà nho tài tử. Ông cho rằng: hai loại đầu là nhà nho chính thống, đồng thời về cơ bản cũng là nhân vật của nông thôn: xuất thân từ làng quê, đi học đi thi, thi đậu thì làm quan, không làm quan nữa thì lại về quê ẩn dật. Loại nhà nho thứ ba - “nhà nho tài tử” là sản phẩm của nền văn hoá đô thị phong kiến, nhưng người tài tử chỉ thiên về văn chương nghệ thuật, dùng sáng tác để thể hiện cái “nhân sinh tại thế bất xứng ý” của mình.

Từ khoảng Tk. XVI trở đi, trong xã hội Việt Nam bắt đầu đã xuất hiện nền kinh tế thị trường, càng về sau càng phát triển mạnh. Thái độ chung của nhà nho chính thống Việt Nam là phản đối rất mạnh mẽ nền kinh tế ấy với biểu hiện của nó là đồng tiền, họ đối lập nó với đạo đức Nho giáo: “Đời nay nhân nghĩa tựa vàng mười/ Có của thì hơn hết mọi lời” hay “Đồng tiền hai chữ son khuyên ngược/ Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi”. Ít ai trong số họ trở thành thương nhân hay đưa đạo đức nho giáo vào kinh doanh để biến nho giáo trở thành đạo đức đô thị. Xu hướng đô thị hoá Nho giáo ở Việt Nam cũng có thể thấy ít nhiều trong một số nhà nho Tk. XVIII-XIX, nhất là nhóm nhà nho Nam Bộ [Gia Định tam gia, hay hình tượng “Ông Quán” [Lục Vân Tiên] - một loại nhà nho ẩn dật, thay vì làm ngư tiều canh mục thì lại kinh doanh ăn uống…], nhưng cũng không trở thành một xu hướng mạnh làm thay đổi cơ cấu nhà nho truyền thống hay nền tảng kinh tế xã hội sinh ra nhà nho ấy.

Kẻ sĩ Nhật Bản là võ sĩ. Tầng lớp võ sĩ lúc đầu cũng xuất thân từ nông dân, nhưng dần dần tách ra khỏi tầng lớp này trở thành quân nhân chuyên nghiệp. Đến Hậu kỳ trung đại, trước việc Mạc phủ khuyến khích phát triển Tống Nho, thì người võ sĩ chịu ảnh hưởng Nho giáo, nhất là Chu Tử học rất sâu sắc. Do võ sĩ cấm không được thờ hai chủ, nên nhiều người trong số họ sau khi chủ chết đã trở thành “rônin” [lãng nhân - võ sĩ thất nghiệp], lên các đô thị sinh sống, rồi trở thành trí thức đô thị hay thương nhân. Nho giáo Nhật Bản có tính chất đô thị là vì thế. Cho nên ta sẽ không lấy làm lạ khi thấy ở Nhật Bản, tư tưởng Vương Dương Minh được tiếp thu một cách rất rộng rãi; Lan học cùng với các học giả của nó - “Tây nho” có ảnh hưởng sâu sắc trong xã hội; phái Công lợi chủ yếu lo chuyện kinh doanh; còn I.Baigan cùng với các học trò của ông lại đưa đạo đức Nho giáo vào kinh doanh để tạo ra đạo đức của người thị dân [Đinh nhân đạo] v.v.

Điểm khác nhau nữa về học vấn, tính cách của võ sĩ Nhật Bản và nho sĩ Việt Nam đó là: Với võ sĩ, thì võ [kiếm thuật, bắn cung, nhu đạo...] là sở trường của họ; Nho giáo chỉ là chuyện đạo đức để củng cố lòng trung thành; ngoài nho học ra họ tìm đến tôn giáo chủ yếu là Thiền tông. Với nhà nho Việt Nam thì kinh sách thánh hiền mới là sở trường của họ; võ cũng có nhưng võ là một ngạch riêng và lại không được trọng bằng văn; ngoài Nho học ra, nhà nho tìm đến sự giải thoát tinh thần chủ yếu là ở tư tưởng Lão Trang chứ không phải ở Phật giáo. Điều ấy cho thấy sự khác biệt trong thơ văn của nhà nho Việt Nam và các thiền sư, võ sĩ, thị dân Nhật Bản thời trung đại. Điều ấy cũng cho thấy nhà nho Việt Nam “vu khoát”, kém tính thực tiễn, kém mạnh mẽ hơn võ sĩ Nhật Bản. Cho nên sự trói buộc tinh thần với quá khứ của trí thức Việt Nam nặng nề hơn so với trí thức Nhật Bản khi bước vào thời cận đại.

Vấn đề cuối cùng là tại sao võ sĩ Nhật Bản lại thành công trong công cuộc đối đầu với phương Tây, còn nho sĩ Việt Nam lại thất bại? Về lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm thì các nho sĩ Việt Nam cũng không hề thua kém, dẫu chỉ là một chút so với các võ sĩ Nhật Bản. Sự khác biệt về tư tưởng Nho giáo nêu trên góp một phần không nhỏ cho sự thành bại của hai bên. Tuy nhiên nguyên nhân của sự khác nhau đó phải tìm vào cơ sở kinh tế xã hội Việt Nam thời Lê, Nguyễn và Nhật Bản vào thời Edo.

Cho đến khi đối đầu với phương Tây vào giữa Tk. XIX Việt Nam thực sự ổn định chỉ khoảng hơn 50 năm [từ 1802-1858], trong khi đó Nhật Bản thời Tokugawa ổn định hơn 250 năm [từ 1604-1868], vì vậy, nền kinh tế Nhật Bản đã tích lũy được nhiều yếu tố tiền tư bản chủ nghĩa. Theo thống kê, thành Edo giữa Tk. XIX đã có đến một triệu dân, ngang với dân số Luân Đôn bấy giờ, cho thấy mức độ tập trung đô thị ở Nhật Bản rất cao. Các thành phố Osaka, Nagoya... đã có các công ty cổ phần, những công ty tài chính sơ khai. Kỹ nghệ dệt của Nhật cũng đạt đến trình độ cơ khí hóa cao. Các thuyền buôn cũng đã có một truyền thống hàng hải quốc tế lâu đời... Vì vậy, nước Nhật Bản cận đại hóa dễ dàng hơn rất nhiều so với nước Việt Nam chủ yếu là sống bằng nông nghiệp tự cấp tự túc.

Morishima Michio trong cuốn Tại sao Nhật Bản thành công? Công nghệ phương Tây và tính cách Nhật Bản [14], cho rằng ở Nhật Bản công cuộc cận đại hóa thành công, xây dựng được chủ nghĩa tư bản Nho giáo là do võ sĩ chứ không phải do thương nhân như ở phương Tây [với mô hình chủ nghĩa tư bản Tin lành], từ đó cho rằng chủ nghĩa Marx đã không đúng trong trường hợp Nhật Bản. Chúng tôi cho rằng: quả thực người tiến hành cận đại hóa Nhật Bản là võ sĩ, nhưng võ sĩ Nhật Bản thành công được là do cơ sở kinh tế xã hội Nhật Bản đã có bước phát triển tương đối cao so với các nước phương Đông khác. Đó là yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất dẫn đến sự thành công của Nhật Bản, bên cạnh một số yếu tố khác nữa. Điều này chứng minh học thuyết về cơ sở kinh tế xã hội của Karl Marx vẫn đúng đắn ngay cả trong trường hợp Nhật Bản.

2.4. “Nghĩa” và “Trung” - từ khóa về Nho giáo Việt Nam và Nhật Bản:

Nho giáo các nước về cơ bản là giống nhau, đều giáo dục Tam cương, Ngũ thường, con đường tu, tề, trị, bình cho con người. Tuy nhiên nếu đi vào chi tiết, thì do hoàn cảnh lịch sử và truyền thống văn hoá dân tộc, Nho giáo vào mỗi nước đều khúc xạ khác đi ít nhiều hoặc được nhấn mạnh ở mặt này mặt kia. Vì thế nếu bắt buộc phải chọn một từ làm “từ khoá” để thấy sự khác nhau của Nho giáo mỗi nước thì người ta sẽ chọn từ nào? Giáo sư Tsuboi Yoshiharu trong Hội nghị Quốc tế về Nho giáo tổ chức ở Yokohama [Nhật Bản] năm 1992, cho rằng: Ở Trung Quốc đó là Hiếu, ở Triều Tiên - Hàn Quốc là Lễ hoặc Thuần, ở Nhật Bản là Trung, còn Việt Nam là Nghĩa [15]. Quan niệm này có lẽ cũng đã được các học giả phương Tây nói đến ít nhiều, nhưng được GS. Tsuboi trình bày một cách có ấn tượng trước một đối tượng chọn lọc: các học giả Nho giáo quốc tế, nên rất gây chú ý. Lúc đầu quan niệm ấy gây “shock” đối với nhiều người, nhưng càng đi sâu vào xem xét các dữ kiện lịch sử, văn hoá mỗi nước, người ta càng thấy nhận định ấy không phải là không có lý.

* Ở Việt Nam “Nghĩa” là Nghĩa với nước, là tình nghĩa ở đời, và nghĩa hiệp với những người bị oan khuất, ức hiếp. Chỉ cần nhắc lại vài ví dụ là có thể thấy được ngay. Ví dụ như Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi đã theo lời khuyên của cha: hãy trở về rửa nhục cho nước, trả thù cho cha, như thế mới là Đại hiếu. Đối với đạo đức Trung Quốc, một nền đạo đức xây dựng trên cơ sở gia đình thì hiếu là lớn nhất. Câu nói của vua Thuấn được người TQ ngàn đời ca ngợi vì đã giải quyết được mâu thuẫn giữa Hiếu và sự công chính của người cầm quyền. Khi vua Thuấn mới ban hành pháp lệnh, yêu cầu xử tội rất nặng những kẻ nào vi phạm pháp luật – không chừa bất kỳ ai, thì có người cắc cớ hỏi rằng: Nếu cha của nhà vua phạm tội thì sao? Vua Thuấn trả lời: Ta sẽ bỏ ngôi, cõng cha đi trốn. Hiếu đối với người Trung Quốc bao gồm cả ước mong phúc lộc thọ, con cháu nối dòng đông đúc, giàu có và trường thọ. Và như thế Hiếu là lớn nhất.

Ở Việt Nam còn có một thứ hiếu khác lớn hơn, gọi là “Đại hiếu” – đó là hiếu với đất nước. Trong sự lựa chọn của Nguyễn Trãi cũng thấy rất rõ những tiêu chuẩn đạo đức Việt. Nguyễn Trãi đã không chọn nhà Hồ - chủ cũ, như yêu cầu của đạo đức Trung thành của nho sĩ nói chung, nhất là võ sĩ Nhật Bản; không chọn nhà Trần - họ ngoại, như chữ Hiếu của Trung Quốc; Nguyễn Trãi chọn lê Lợi, vì bằng nhãn quang sáng suốt của mình, ông hiểu rằng chỉ có Lê Lợi mới giải quyết được vấn đề của đất nước. Các nhà nho Cần vương Tk. XIX cũng là tấm gương của đạo đức “Vì nghĩa” - nghĩa đối với đất nước. Họ không nghe theo lời Hoàng đế Tự Đức giải giáp đầu hàng hàng giặc [Trương Định và các văn thân Nghệ An], họ không theo Đồng Khánh là đương kim hoàng đế, họ chiến đấu một cách anh dũng và chết một cách bình thản không phải vì vua mà vì nước, và vua Hàm Nghi chỉ là một biểu tượng phù hợp với lý tưởng kháng chiến của họ.

Quan niệm sống Vì nghĩa đối với nước có cơ sở từ lịch sử lâu dài chống ngoại xâm để bảo vệ chủ quyền đất nước của người Việt. Mặc dù người Việt hay nói “trung với nước”, nhưng Trung với ý nghĩa chặt chẽ nhất của nó chỉ là trung quân mà thôi. Tình nghĩa [cái nghĩa có được từ tình cảm, nghĩa vì tình] là linh hồn của đồi sống tình cảm của người Việt, là nội dung trữ tình chủ yếu, đặc trưng của thơ ca Việt [bên cạnh cái khảng khái kích ngang, phong cốt là đặc trưng của thơ TQ; cái bi ai nhẹ nhàng kín đáo của thơ Nhật Bản] [16]. Cơ sở xã hội của lối sống tình nghĩa là đời sống của cư dân nông nghiệp gắn bó với làng quê. Nghĩa hiệp là lý tưởng sống hàng đầu của con người Việt Nam, nhất là ở những vùng đất mới cư dân còn thưa thớt, luật pháp còn lỏng lẻo – như vùng đất Nam Bộ chẳng hạn. Phương châm hành xử cao nhất của họ là “Thấy câu kiến ngãi bất vi, làm người như thế cũng phi anh hùng” [Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu] dẫu câu này có nguồn gốc Trung Quốc.

* Ở Nhật Bản, chữ Trung lại là đức mục được đề cao nhất. Trong đạo đức của người samurai bao giờ lòng trung thành với chủ cũng được đề lên hàng đầu - ngưòi Nhật gọi nó là “Trung thành tâm” [忠誠心 chùseishin], và quan hệ bề tôi với chủ ấy gọi là “Quan hệ chủ tòng” [主従関係 shujù kankei]. Lòng trung thành ấy là trung thành với chủ chứ không phải là trung quân nói chung. Nhiều nhà xã hội học đã chỉ ra cấu trúc xã hội Nhật Bản ưu tiên quan hệ hàng dọc và đơn tuyến, dựa trên lòng trung thành với người chủ trực tiếp của mình: vũ sĩ – lãnh chúa đại danh – tướng quân – thiên hoàng. Người Nhật ai cũng biết đến câu chuyện về 47 võ sĩ trong sự kiện Akô thời Nguyên Lộc [Nguyên Lộc Xích Tuệ/ Akô sự kiện - 1748]. Đội trưởng Ôishi và các võ sĩ của mình đã sống theo lý tưởng: báo thù cho chủ là nguyên tắc đạo đức cao nhất. Lòng Trung còn cao hơn cả Hiếu [Ôishi thấy đám tang mẹ mà vẫn gạt nước mắt ra đi không về chịu tang], hơn cả Tình vợ chồng [Ôishi đuổi vợ đi để che mắt kẻ thù], hơn cả Liêm sỉ [bị võ sĩ đối phương nhổ vào mặt mà vẫn chấp nhận để ẩn mình kín đáo hơn]. Một võ sĩ khác - Hara, đồng đội của anh ta cũng coi Trung hơn cả Tình gia đình [chia tay mẹ già, vợ trẻ, con thơ để báo thù cho chủ]. Bà mẹ của anh ta cư xử như một liệt nữ Nhật Bản: bà cụ thắt cổ tự tử để cho con yên lòng thực hiện nghĩa vụ cao cả nhất của người con trai. Câu chuyện ấy được ghi trong Trung thần tàng [忠臣蔵 Chùshingura], được diễn trên sân khấu Tĩnh lưu ly, được nhiều thế hệ người Nhật từ xưa đến nay say mê.

Lòng trung thành trong một cấu trúc xã hội hàng dọc, quan hệ đơn tuyến là điều vẫn còn tiếp tục được phát huy trong xã hội Nhật Bản hiện đại. Sở dĩ lòng trung thành được đưa lên hàng đầu vì trong lịch sử Nhật Bản liên tục bị cuốn vào các cuộc nội chiến tranh giành quyền lực giữa các lãnh chúa, nạn “Hạ khắc thượng” [bề tôi giết chủ] hết sức trầm trọng, từ thế kỷ này đến thế kỷ khác. Quyền lực quốc gia nằm trong tay Mạc phủ, danh phận không rõ ràng, nên việc trung thành với người chủ trực tiếp là điều cốt tử để cho xã hội tồn tại và vận hành được.

* * *

Như trên đã trình bày, đã đến lúc nghiên cứu về Nho giáo Việt Nam không thể tách ra khỏi bối cảnh Nho giáo khu vực Đông Á. Quá trình vận động của Nho giáo từng nước đều bị chi phối không chỉ những điều kiện lịch sử cụ thể của mỗi quốc gia mà còn chịu sự tác động, ảnh hưởng của những xu thế có tính khu vực. Thậm chí đánh giá về những đóng góp của từng nhà nho cũng không thể không đặt họ trong bối cảnh khu vực.

Hơn 1500 năm Nho giáo truyền vào Việt Nam và Nhật Bản, tùy theo hoàn cảnh mà có lúc thăng lúc trầm, nhưng càng về cuối thời trung đại, dấu ấn của nó càng trở nên sâu sắc trong văn hoá, tư tưởng mỗi dân tộc. Nho giáo đã tạo ra giai tầng đặc biệt - “Sĩ”, làm trụ cột cho đời sống tinh thần của mỗi quốc gia. Do điều kiện địa lý và lịch sử riêng, mà Nho giáo Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm khác biệt, tạo ra sắc thái riêng, truyền thống riêng của Nho giáo mỗi nước. Trong các nước “Khu vực văn hoá chữ Hán”, Nhật Bản là nước đã tích luỹ được nền tảng kinh tế tiến bộ hơn cả, nhờ thế đã tác động làm thay đổi nhận thức của tầng lớp trí thức nho học, khiến cho họ có thể thích ứng nhanh chóng với thời cuộc, và thực hiện thành công được công cuộc duy tân, cận đại hoá đất nước.

-----------------------------------------------------------------

[13] “Tờ sớ xin ban cấp sách vở”, trong Thơ văn Nguyễn Thông, Lê Thước- Phạm Khắc Khoan biên soạn, NXB Văn học, HN, 1962, tr. 216-218.

[14] Xem thư mục số 9 ở trên.

[15] “Nho giáo ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam” của Tsuboi Yoshiharu, Đoàn Lê Giang dịch [từ Lịch sử và tương lai của khu vực văn hóa chữ Hán [Bản tiếng Nhật], Nhiều tác giả, Đại tu quán thư điếm xuất bản, Tokyo 1992] in trong sách Đại cương văn hoá phương Đông [Xem thư mục số 4 ở trên].

[16] Chúng tôi đã có dịp trình bày khá kỹ về chuyện này. Có thể xem thêm: So sánh quan niệm văn học trong văn học cổ điển Việt Nam và Nhật Bản, “Tạp chí văn học” số 9 năm 1997.

THƯ MỤC THAM KHẢO CHÍNH

TIẾNG NHẬT

1. Nihon shisoshi gairon日 本 思 想 史 概 論[Lịch sử tư tưởng Nhật Bản- Khái luận], Ishida Ichiro石 田 一 郎, 吉 川 弘 文 館Cát Xuyên Hoằng Văn quán, Tokyo, 1993

2. Trang web: www2.big.or.jp/yba/asia/kenpou17jou.html

TIẾNG VIỆT

1. Thích Thiên Ân, Lịch sử tư tưởng Nhật Bản, Đông Phương xuất bản, Sài Gòn, 1965

2. Ishida Ichirô [Ishida Kazuyoshi?], Nhật Bản tư tưởng sử, Châm Vũ Nguyễn Văn Tần dịch, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xb., Sài Gòn, 1972

3. Châm Vũ Nguyễn Văn Tần, Nhật Bản sử lược, [4 tập], Tự Do xb., Sài Gòn

4. Đoàn Lê Giang, "Văn hóa Nhật Bản", trong Đại cương văn hóa Phương Đông, Lương Duy Thứ chủ biên, NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, 2000

5. Edwin O.Reichauer, Nhật Bản quá khứ và hiện tại, Nguyễn Nghị, Nguyễn Thị Bích Ngọc dịch, NXB KHXH, 1994

6. George Sanson, Lịch sử Nhật Bản, 3 tập, Lê Năng An dịch, NXB KHXH, 1994

7. G.B. Sanson, Lược sử văn hóa Nhật Bản, 2 tập, NXB KHXH, 1989

8. Joseph M.Kitagawa, Nghiên cứu tôn giáo Nhật Bản, Hoàng Thị Thơ, NXB KHXH, Hà Nội 2002

9. Michio Morishima, Tại sao Nhật Bản thành công? Công nghệ phương Tây và tính cách Nhật Bản, Đào Anh Tuấn dịch, Lê Văn Sang, Lưu Trọng Trịnh hiệu đính, NXB KHXH, 1991, 249 trang.

10. Vĩnh Sính, Nhật Bản cận đại, NXB TPHCM, 1991.

  • Tweet

Có thể bạn quan tâm

Danh sách Thuyên chuyển - Bổ nhiệm Linh mục TGP. Sài Gòn - TP.HCM 2020

Kinh Rước lễ thiêng liêng

Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020

Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Hướng dẫn cử hành phụng vụ Tuần Thánh 2020

Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến

Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ

Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo tạm ngưng các sinh hoạt cộng đoàn kể từ 16g00 ngày 26.3.2020

10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ

Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Hướng dẫn mục vụ mùa dịch Covid-19 ngày 19.03.2020

Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến

Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về dịch bệnh Covid-19 ngày 06.03.2020

Lời nguyện chính thức của HĐGMVN để cầu nguyện trong cơn dịch bệnh Covid-19

Thư của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng về dịch bệnh viêm phổi do virus corona

Danh sách Thuyên chuyển - Bổ nhiệm Linh mục TGP. Sài Gòn - TP.HCM

Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn

Vấn đề “Sống thử” của giới trẻ ngày nay

bài liên quan mới nhất

  • Ngày 28/01: Thánh Thomas D'Aquin [Tôma Aquinô] - Linh mục, tiến sĩ hội thánh
  • Ngày 27/01: Thánh Angela Merici, Trinh nữ
  • Ngày 26/01: Thánh Timôthê và Titô, giám mục
  • Ngày 25/01: Thánh Phaolô, Tông đồ trở lại
  • Ngày 24/01: Thánh Phanxicô Salêsiô Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh
  • Ngày 22/01: Thánh Vinh Sơn - Phó tế, tử đạo
  • Ngày 21/01: Thánh Agnès [Inê] - Trinh nữ, tử đạo
  • Ngày 20/01: Thánh Fabianô, Giáo Hoàng và Thánh Sêbastianô, tử đạo
  • Ngày 17/01: Thánh Antôn viện phụ [251-356]
  • Ngày 13/01: Thánh Hilaire, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh

bài liên quan đọc nhiều

  • 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
  • Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo
  • Bảy sự đau đớn và vui mừng Thánh Giuse
  • Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay
  • Ngày 04/08: Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục, bổn mạng các cha sở
  • Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi
  • Ngày 03/05: Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, tông đồ
  • Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
  • Ngày 28/08: Thánh Augustinô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh
  • Ngày 27/08: Thánh nữ Monica

Việt Nam và Hàn Quốc: Những điểm gặp gỡ trong quỹ đạo lịch sử

19/03/2020 07:15 - Hồ Tài Huệ Tâm

Nhìn vào lịch sử từ thời kỳ xây dựng nhà nước độc lập tự chủ đầu tiên cho đến cận đại thì Việt Nam chia sẻ rất nhiều điểm chung về văn hóa, tư tưởng với các nước Đông Á. Phân tích của GS sử học Hồ Tài Huệ Tâm [ĐH Harvard] về đối sánh Việt Nam với Hàn Quốc dưới đây cho thấy, dù cách núi ngăn sông nhưng quỹ đạo lịch sử của hai nước có rất nhiều điểm gặp gỡ.


GS Hồ Tài Huệ Tâm. Nguồn: Báo Dân sinh.

Chữ viết

Năm 1597, khi đi sứ Trung Quốc, Phùng Khắc Khoan [1528-1613] đã có một cuộc trao đổi thơ văn với sứ thần Hàn Quốc Lý Túy Quang [Yi Su Gwang] [1563-1628]. Ông viết trong một bài thơ: “Bỉ thử tuy thù sơn hải vực. Uyên nguyên đồng nhất thánh hiền thư" [tôi - ông tuy rằng sông núi khác, nguồn chung cùng một sách thánh hiền]”. Nguồn ông nói đến là Trung Quốc và sách vở thánh hiền là Nho giáo [Tống Nho].

Vào thời điểm hai sứ thần gặp nhau ở Bắc Kinh, chữ viết bản địa đã trở nên phổ biến ở cả hai nước. Ở Hàn Quốc, đó là Hangul [Hàn tự], do vua Triều Tiên Thế Tông [Sejong] [sinh năm 1397, trị vì 1418 - 1450] xây dựng vào năm 1443. Chữ Nôm ra đời ở Đại Việt có phần phức tạp hơn, bắt đầu manh nha từ thế kỷ thứ IX [thành hình vào thế kỷ XII-XIII], nhưng hoàn thiện vào thế kỷ XV, gắn với vai trò của Nguyễn Trãi [1380-1442], một học giả và nhà ngoại giao khi ông sáng tác rất nhiều thơ Nôm và đem lại nguồn cảm hứng để Lê Thánh Tông [sinh 1442, trị vì 1460-1497] và các bề tôi sáng tác bộ “Hồng Đức Quốc âm thi tập”. Do vậy ta thấy các hệ thống chữ viết dân tộc đã nổi lên cùng lúc ở cả Hàn Quốc và Việt Nam và cùng nhận được sự ủng hộ của hai vương triều.

Tuy nhiên, chữ Hán vẫn là chữ viết phổ biến thống trị ở cả hai nước. Nếu tôi có thể nhìn từ quan điểm giới, thì những chữ Quốc ngữ này thể hiện khía cạnh ẩn ngầm về văn hóa, chiều cạnh “nữ tính” – trong khi chữ Hán là biểu hiện công khai và “nam tính”. Trên thực tế, khi Sejong ban hành chỉ dụ về chữ Hangul thì đã có ghi nhận rằng “trước đó phụ nữ và tầng lớp thấp hơn đã sử dụng Hangul để viết thư từ và tiểu thuyết”. Ở Đại Việt, việc sử dụng chữ Nôm rộng rãi nhất trong thế kỷ XVIII, khi mà tỷ lệ biết chữ của nữ giới cũng là cao nhất. Chúng ta thường nhớ đến bản Nôm của “Chinh phụ ngâm khúc” chứ không phải là bản gốc chữ Hán của Đặng Trần Côn. Mặc dù phiên bản chữ Nôm bây giờ được cho là của Phan Huy Ích, thực tế việc trong một thời gian dài nó được cho là của Đoàn Thị Điểm là một chỉ dấu cho thấy khuynh hướng chấp nhận việc nữ giới biết chữ.

Các hệ thống chữ viết dân tộc đã nổi lên cùng lúc ở cả Hàn Quốc và Việt Nam và cùng nhận được sự ủng hộ của hai vương triều. Tuy nhiên, chữ Hán vẫn là chữ viết phổ biến thống trị ở cả hai nước. Chữ Hán vẫn là ngôn ngữ viết của giới tinh hoa Hàn Quốc và Việt Nam cho đến thế kỷ XX vì đây là ngôn ngữ của hệ thống giáo dục và cụ thể hơn là các kỳ thi tuyển chọn quan lại.

Nhưng chữ Nôm, cũng như các chữ viết dân tộc vẫn bị giới hạn chỉ trong thơ và tiểu thuyết, vốn bị coi là văn chương giải trí không nghiêm túc, cho đến khi chúng được các nhà cải cách như Lương Khải Siêu cổ động vì giá trị trong xây dựng nhận thức về chủ nghĩa dân tộc [như bài viết của ông năm 1902: “Luận về quan hệ giữa tiểu thuyết với quản trị xã hội”/論小說與群治之關係]. Chữ Hán vẫn là ngôn ngữ viết của giới tinh hoa Hàn Quốc và Việt Nam cho đến thế kỷ XX vì đây là ngôn ngữ của hệ thống giáo dục và cụ thể hơn là các kỳ thi tuyển chọn quan lại. Các kỳ thi này đã tồn tại cho đến khi bị bãi bỏ vào năm 1894 tại Hàn Quốc, ở Trung Quốc gần một thập kỷ sau, trong khi duy trì ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam cho tới năm 1915.

Làm thế nào ta có thể đánh giá được vai trò của Triều Tiên Thế Tông và Lê Thánh Tông trong việc thúc đẩy việc sử dụng cả chữ viết dân tộc lẫn chữ Hán? Tôi cho rằng vì cả hai loại văn tự này đều hữu ích cho dự án vương triều nhằm củng cố mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa một bên là nhà nước với xã hội và một bên là giữa chính quyền với bộ máy quan lại. Nhiều khả năng, ở mỗi vương quốc, thông tin phải được truyền đi qua vai trò của giới tinh hoa được giáo dục hoàn toàn bằng chữ Hán – cùng tư tưởng Nho giáo, khiến cho tầng lớp này đóng vai trò như cầu nối giữa nhà nước và dân chúng trong các liên kết xã hội theo chiều dọc, thay vì là chiều ngang. Một phần nguyên nhân đến từ việc sự nổi lên của chữ viết dân tộc tại Hàn Quốc và Việt Nam đã không đi kèm với sự phát triển của xuất bản quy mô lớn.

Cũng chính giới tinh hoa đóng vai trò kết dính xã hội Hàn Quốc và Việt Nam. Là tầng lớp xã hội đạt tầm nhà nước thực sự và duy nhất, giới tinh hoa được rèn nên bởi một hệ thống giáo dục với một hệ giá trị chung. Được cắt đặt để làm việc ở xa bản quán, các vị quan kiêm học giả thay mặt cho vương quyền duy trì vương quốc, thực hiện các chính sách của nhà nước ở tầm địa phương. Những chính sách này không chỉ liên quan đến vấn đề quản trị mà còn liên quan đến văn hóa, đặc biệt là các giá trị Tống Nho nhằm chi phối hành vi của tất cả mọi người, từ người cai trị đến nông dân. Bộ luật Hồng Đức năm 1483 là sự kết hợp của các quy tắc và luật hành chính nhằm điều chỉnh hành vi hàng ngày theo nguyên tắc Nho giáo. Tại Hàn Quốc, Bộ luật Gyeongguk daejeon [Kinh Quốc Đại điển] ban hành hai năm sau đó vào năm 1485 cũng quy định về gia đình và thực hành lễ nghi tương tự.

Không chỉ mang tính cách quốc gia [hoặc tiền-quốc gia], giới tinh hoa Đông Á còn mang tính cách liên quốc gia. Dù không nói cùng ngôn ngữ, họ viết cùng một loại văn tự - một sự chia sẻ vốn dần mất đi theo sau sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc ở thời cận đại. Đó chính là điều mà Phùng Khắc Khoan và Lý Túy Quang đã cùng ca ngợi vào cuối thế kỷ XVI.

Nho giáo

Như tôi đã viết, cả Lê Thánh Tông và Sejong đều có ảnh hưởng tới sự phát triển của Tống Nho tại Triều Tiên và Đại Việt. Trước tiên, hãy cùng nhìn lại lịch sử một cách khái lược. Mặc dù tách biệt về mặt địa lý, nhưng quỹ đạo lịch sử của Hàn Quốc và Đại Việt trong lịch sử trung đại và cận hiện đại có những điểm tương đồng ấn tượng. Vương triều Goryeo [Cao Ly] được thành lập vào năm 918, sau khi triều đại nhà Đường kết thúc vào năm 907. Đây cũng là lúc người Việt Nam tìm cách thoát khỏi ách Bắc Thuộc, và mất vài thập kỷ để ổn định với sự thành lập triều đại Lý vào năm 1009. Triều đại đó đã được nhà Trần tiếp tục nắm quyền cho đến năm 1400, trong khi Vương triều Goryeo bị nhà Choson [Triều Tiên] phế truất vào năm 1392.


Trích tranh “Văn quan vinh quy đồ” [đền Độc Lôi, Nghệ An] hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Dưới thời nhà Đường, tôn giáo chủ yếu ở Hàn Quốc, Việt Nam cũng như Trung Hoa là Phật giáo. Phật giáo đến Giao Chỉ đầu tiên dưới thời cai trị của Sĩ Nhiếp. Nhà sư Khương Tăng Hội [mất năm 280 SCN] sinh ở Luy Lâu được cho là người đầu tiên truyền bá giáo lý Phật giáo vào Trung Quốc. Phật giáo sau đó đến Hàn Quốc vào năm 338 SCN, hơn một thế kỷ sau khi xuất hiện ở Giao Chỉ.

Bắt đầu từ thế kỷ thứ VIII, các nhà Nho tại Trung Quốc nỗ lực tái khẳng định uy quyền của mình – đầu tiên là với Hàn Dũ [năm 715] và sau đó là một loạt các biện pháp trấn áp Phật giáo trong thế kỷ tiếp theo. Đến thế kỷ XI, Tam giáo kết hợp các yếu tố của Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo đã chiếm ưu thế ở Trung Quốc và đã mở đường cho tư tưởng Tân Nho giáo – còn gọi là Tống Nho.

Các biện pháp trấn áp Phật giáo ở Trung Quốc đã có tác dụng đẩy nhiều nhà sư đến Việt Nam, do đó dưới triều đại Lý và Trần [1009-1400], Phật giáo duy trì vị thế quốc giáo. Nhưng cũng vào năm 1070, đền thờ Khổng Tử được xây dựng ở Thăng Long, nối tiếp bởi việc thành lập Quốc Tử Giám. Ở Hàn Quốc, dưới triều đại Cao Ly [918-1392], hệ thống khoa cử được thiết lập ra dưới thời vua Gwangong [Cao Tông] [949-975] và trường Gukjagam được thành lập dưới triều vua Seongjong [Thành Tông] [1083-1094], do đó gần như song song với sự phát triển ở Việt Nam. Nhưng từ đây, lịch sử hai vương quốc bắt đầu có những dị biệt.

Năm 1392, triều Goryeo bị thay thế bởi nhà Choson. Triều đại mới được thành lập bởi các thành phần thân Minh trong khi phái đối nghịch lại ủng hộ duy trì liên kết với nhà Nguyên. Tại Việt Nam, nhà Trần dù đánh thắng ba cuộc xâm lược của nhà Nguyên vào thế kỷ thứ XIII, sau đó đã bị suy yếu nghiêm trọng [vào cuối thế kỷ XIV]. Hồ Quý Ly đã phế truất các vua Trần vào năm 1400, tạo tiền đề khiến Đại Việt bị nhà Minh xâm lược và chiếm đóng từ năm 1407 đến 1428. Do đó, khác với nhà Triều Tiên, nhà Lê ra đời với cuộc khởi nghĩa chống quân Minh của Lê Lợi.

Tuy nhiên, nhiều điểm tương đồng thú vị có thể rút ra từ sự nghiệp của vua Triều Tiên Thế Tông [Sejong] [sinh năm 1398, trị vì 1418-1450] và của Lê Thánh Tông [sinh năm 1442, trị vì 1460-1497]. Cùng là hai nhân vật có ảnh hưởng rất lớn trong thời đại này, họ đã trị vì trong một thời gian dài: Sejong 32 năm, Lê Thánh Tông 37 năm. Sejong lên ngôi vương vào năm 1418 ở tuổi 22, khi triều đại vẫn còn non trẻ. Trong 32 năm trị vì của mình, ông đã củng cố quyền lực nhà nước bằng cách đưa Tống Nho thành hệ tư tưởng chính thống. Cụ thể, ông tiếp thu ảnh hưởng của các nguyên tắc Tống Nho về nhân nghĩa, theo đuổi tri thức và cải thiện xã hội. Lê Thánh Tông thậm chí còn trẻ hơn Sejong khi ông lên ngôi hoàng đế [17 tuổi]. Ông cũng nắm quyền trong hoàn cảnh bấp bênh hơn nhiều: khác với triều Choson, 20 năm cai trị kéo dài của nhà Minh đã phá hủy mọi tài liệu dùng làm cơ sở để một triều đại ngoại tộc mới lên như triều Lê có thể cai trị đất nước. Hệ quả ngược kéo theo là sau khi giành được sự ổn định, triều Lê Thánh Tông lại trở nên phụ thuộc hơn bao giờ hết vào mô hình Trung Hoa.

Mặt khác, Lê Thánh Tông cũng phải trung hòa giữa quyền lợi của giới quân sự muốn có quyền lợi cát cứ với một triều đình trung ương tập quyền và thống nhất. Mặt khác, sau khi tiến đánh Champa và thâu nạp thêm lãnh thổ mới vào đế chế của mình, ông cần xây dựng một bộ máy hành chính hiệu quả. Bộ luật Hồng Đức không chỉ cung cấp một kế hoạch chi tiết về cách thức quản trị, nó còn có các hướng dẫn chi tiết về ứng xử hằng ngày trong xã hội. Những chỉ dẫn này nhằm vào cả người Việt và nhóm người Champa mới bị khuất phục.


Trích tranh "Hưởng Yến đồ" mô tả tiệc mừng Quan Giám ty đạo Bình An trên sông Taedong [Bình Nhưỡng ngày nay]. Tranh Kim Hongdo [khoảng 1745-1806]. Nguồn tranh: Bảo tàng Lịch sử Hàn Quốc.

Ta thấy, cả Sejong và Lê Thánh Tông đều sử dụng các nguyên tắc chính trị của Nho giáo và dựa vào hệ thống tuyển chọn quan lại làm phương thức để đảm bảo vận hành bộ máy. Điều này củng cố tầm quan trọng của tầng lớp trí thức, được gọi là Yangban [lưỡng ban] ở Hàn Quốc và Sĩ phu ở Việt Nam.

Tân Nho giáo

Chúng ta cũng cần tránh đẩy đối sánh lịch sử đi quá xa. Lịch sử của Triều Tiên và Việt Nam cũng đi theo những quỹ đạo khác nhau vốn cũng ảnh hưởng lên sự phát triển Nho giáo của cả hai nước. Do đó tôi muốn đề cập tới một số khác biệt cơ bản giữa Nho giáo Hàn Quốc và Việt Nam.

Đến năm 1597, Tống Nho đã là hệ tư tưởng chính thống tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Đại Việt. Thế nhưng ở mỗi nước nó lại có những đặc điểm khác nhau. Keith Taylor đã lập luận rằng nửa phía Bắc của Việt Nam, được gọi là Bắc Hà hoặc Đàng Ngoài nên được coi là một phần của Đông Á, trong khi nửa phía Nam, gọi là Đàng Trong hay Nam Hà thuộc về thế giới Đông Nam Á. Vũ Đức Liêm cho rằng miền Nam Việt Nam đúng hơn là một “vùng xám” vì nơi đây không chỉ là một khu vực gặp gỡ giữa văn minh Trung Hoa với Đông Nam Á mà còn là nơi văn hóa xã hội được định hình bởi nhiều ảnh hưởng đa dạng.

Có lẽ vì vậy, việc so sánh giữa Nho giáo Việt Nam và Hàn Quốc nên được giới hạn ở miền Bắc Việt Nam.

Ngoài vấn đề giới hạn, có một số yếu tố khác biệt nữa. Hàn Quốc được hưởng nhiều thế kỷ ổn định suốt từ 1392 đến năm 1910. Điều này đã hạn chế vai trò của giới quân sự và cho phép nhà nước bổ sung quan lại thông qua khoa cử mà không bị gián đoạn. Qua đó, chúng củng cố vị trí của Yangban cũng như của tư tưởng Tống Nho. Ngược lại, giới Sĩ phu ở miền Bắc Việt Nam nhỏ hơn, lại thường bị thu hẹp ảnh hưởng do các cuộc nổi loạn và chiến tranh liên tục.

Trên thực tế, từ đầu thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII, Đại Việt luôn ở thế giằng co giữa các cuộc nổi loạn và sau đó là chiến tranh giữa các lực lượng Trịnh-Lê, Nguyễn và nhà Mạc. Dù Việt Nam sản sinh ra một số học giả lừng lẫy như Lê Quý Đôn, những dòng dõi tinh hoa truyền đời lại rất ít và thường bị cuốn vào tình trạng hỗn loạn của thời đại. Chúng ta không thấy sự xuất hiện của các trường phái Nho học khác nhau như phái Vương Dương Minh [1472-1529], phong trào Đông Lâm thời Minh hay tư tưởng Silhak [Thực học] ở Hàn Quốc cùng thời kỳ. Nếu như từ cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII, các chúa Trịnh đã có thể tự duy trì quyền lực ở Đàng Ngoài thì vào những năm 1770, đất nước lại bị tàn phá bởi nội loạn. Bắt đầu ở phía Nam, phong trào Tây Sơn lan rộng lên phía Bắc và chấm dứt chế độ chúa Trịnh. Các cuộc xung đột làm chia rẽ giới sĩ phu đồng bằng, và những ảnh hưởng còn lại tiếp tục bị suy giảm khi kinh đô chuyển từ Thăng Long vào Huế dưới triều Nguyễn.

Hàn Quốc được hưởng nhiều thế kỷ ổn định suốt từ 1392 đến năm 1910. Điều này đã hạn chế vai trò của giới quân sự và cho phép nhà nước bổ sung quan lại thông qua khoa cử mà không bị gián đoạn. Qua đó, chúng củng cố vị trí của Yangban cũng như của tư tưởng Tống Nho. Ngược lại, giới Sĩ phu ở miền Bắc Việt Nam nhỏ hơn, lại thường bị thu hẹp ảnh hưởng do các cuộc nổi loạn và chiến tranh liên tục.

Ưu tiên hàng đầu của nhà Nguyễn sau khi thống nhất đất nước là khôi phục sản xuất nông nghiệp ở phía Bắc, nơi diễn ra hầu hết các cuộc giao tranh. Ngoài ra, nhu cầu nhân viên cho một bộ máy hành chính mở rộng đã thu hút hầu hết những người có học thức. Không còn không gian xã hội cho các học giả độc lập như Cao Bá Quát hay cho các cộng đồng trí thức đa dạng phát triển.

Ngược lại, tầng lớp Yangban Hàn Quốc có không gian phát triển lớn hơn, không chỉ nhờ ổn định chính trị mà còn do tiềm lực kinh tế, đặc biệt nhờ thiết chế nô tì. Xã hội Đại Việt cũng từng có nô tì, chẳng hạn, Hoàng đế Lê Thánh Tông mang về những nô lệ người Chăm từ các cuộc chiến năm 1471; nhưng họ bị giới hạn trong những ngôi làng riêng biệt và không làm lao dịch cho các gia đình sĩ phu. Trong khi đó, chế độ nô tì cho phép Yangban tự duy trì kinh tế và do đó mang lại cho con cháu họ giáo dục tốt nhất. Lý Túy Quang có dòng dõi quý tộc trong khi Phùng Khắc Khoan chỉ có một nền tảng khiêm tốn hơn nhiều. Sự ổn định kinh tế và chính trị cũng cho phép Yangban tạo ra các trường phái Nho học cạnh tranh.

Có những khác biệt lớn đáng chú ý khác trong cấu trúc xã hội tương ứng của hai vương quốc. Ở Hàn Quốc, có bốn tầng lớp: quý tộc Yangban có địa vị cai trị dù chiếm 10% dân số; Chungin [Trung nhân] bao gồm một nhóm nhỏ các quan chức thấp và người có chuyên môn hành chính và kỹ thuật; Tsangmin [Thường dân] là nông dân, người lao động, ngư dân, một số thợ thủ công và thương nhân; và Cheonmin [Tiện dân] là những người bị ruồng bỏ ở dưới đáy. Nô tì có địa vị thấp kém nhất.

Dù Việt Nam cũng phân chia theo các nhóm: sĩ, nông, công, thương – thực tế chỉ hai giai cấp tồn tại mà thôi: văn thân và nông dân. Ngoại trừ một vài làng nghề truyền thống, phần lớn các nghề thủ công chỉ là công việc phụ; thương nghiệp thường chỉ có quy mô nhỏ, đảm nhiệm bởi nữ giới vốn bị giới hạn bởi nguồn lực ít ỏi và thiếu khả năng di động; thương mại quy mô lớn hơn thường được thương nhân người Hoa hoặc phương Tây nắm. Việt Nam cũng như Hàn Quốc, cũng có lớp người bị khinh rẻ nhưng họ không được coi là một nhóm xã hội riêng biệt; trong khi nô lệ chỉ đến từ tù nhân chiến tranh.

Xét trên các điểm nhìn khác nhau về cấu trúc xã hội của hai quốc gia, sẽ rất thú vị khi ta tìm hiểu vai trò của các tầng lớp hoặc nhóm khác nhau và tại sao cách dán nhãn giai cấp xã hội từ Nho giáo lại không có ý nghĩa với các nhóm hay tầng lớp đó. □
[Còn tiếp]

Thu Quỳnh – Tuấn Quang dịch

Chia sẻ
Tags: Việt Nam Hàn Quốc lịch sử văn hóa Đông Nam Á Hồ Tài Huệ Tâm

Video liên quan

Chủ Đề