Ubuntu linux giới thiệu

Ubuntu là một hệ điều hành mã nguồn mở xây dựng xung quanh nhân Linux, được cộng đồng cùng phát triển. Hệ điều hành Ubuntu có đầy đủ chức năng của một hệ điều hành hiện đại, hoạt động tốt trên máy tính để bàn, máy tính xách tay và hệ thống máy chủ. Tuy ra đời chưa lâu, nhưng hệ điều hành này đang có những bước tiến nhảy vọt, sức lan toả rất lớn, hiện đang được sử dụng rất rộng rãi trên thế giới và đang dần dần phổ biến ở Việt Nam.

Lịch sử của Ubuntu bắt đầu từ tháng Tư năm 2004, khi Mark Shuttleworth tập hợp một nhóm các nhà phát triển phần mềm mã nguồn mở để tạo ra một hệ điều hành mới. Với quyết tâm hiện thực hoá những ý tưởng, các lập trình viên này đặt tên nhóm là Warthogs và cùng nhau làm việc trong sáu tháng để cho ra đời phiên bản thể hiện khái niệm của hệ điều hành mới. Họ lấy tên nhóm đặt cho phiên bản Ubuntu đầu tiên này, Warty Warthog.

Dựa trên nền tảng chắc chắn của bản phân phối Debian, cùng với những nguyên tắc về thời gian phát hành, chương trình GNOME để quản lý giao diện Desktop, và một cam kết mạnh mẽ về sự tự do, chỉ trong vòng ba năm, Ubuntu đã phát triển một cộng đồng lên đến mười hai ngìn thành viên và số lượng người dùng ước tính đến hơn tám triệu (tháng Bảy năm 2007).

Ubuntu thể hiện triết lý của mình qua biểu tượng ba người nắm tay thành vòng tròn và cái tên “Ubuntu”, một từ trong ngôn ngữ Bantu của châu Phi, dịch sang tiếng Anh là “Humanity to others” hay “I am what I am because of who we all are” (tạm dịch là “Nhân đạo với người khác” hay “Tôi khẳng định được mình vì tất cả chúng ta khẳng định được mình”). Với Ubuntu, giúp đỡ cộng đồng thành công sẽ mang lại thành công cho bạn.

Nguyên tổng thống Nam Phi Nelson Mandela giải thích thêm về Ubuntu: “Ubuntu không có nghĩa là người ta không nên làm giàu cho bản thân. Mà câu hỏi đặt ra là bạn sẽ làm giàu để làm cho cộng đồng xung quanh bạn phát triển chứ?”

Ubuntu có nhiều phiên bản để nhắm vào những người sử dụng mục tiêu khác nhau.

  • Kubuntu là một dẫn xuất chính thức của Ubuntu, nhưng sử dụng môi trường Desktop KDE thay vì GNOME. Phiên bản này là một phần của dự án Ubuntu và có cùng nền tảng bên dưới với Ubuntu.
  • Edubuntu là một dẫn xuất chính thức của Ubuntu, được thiết kế dành cho việc sử dụng trong trường học. Edubuntu bao gồm nhiều ứng dụng giáo dục như GCompris, KDE Edutainment Suite, và Schooltool Calendar.
  • Xubuntu là một dẫn xuất chính thức của Ubuntu, nhưng sử dụng môi trường Desktop Xfce thay vì GNOME. Phiên bản này nhắm đến các máy tính cấu hình không cao, hoặc những hệ thống đặc biệt yêu cầu một môi trường Desktop hiệu suất cao, tốc độ nhanh.
  • Gobuntu là một dẫn xuất của Ubuntu cho những ai mong muốn một hệ điều hành Desktop thuần phần mềm tự do. Phiên bản này loại bỏ những driver chỉ có gói binary, và bảo đảm là không sử dụng phần mềm nào giới hạn việc hiệu chỉnh hay phân phối lại.

Ubuntu phát hành phiên bản mới theo chu kỳ 6 tháng, định kỳ vào tháng 4 và tháng 10 mỗi năm, bắt đầu từ tháng 10 năm 2004. Đây là những phiên bản thông thường, được hỗ trợ cập nhật trong 18 tháng cho cả server và deskop. Ngoài ra, sau hai năm sẽ có một phiên bản mã hiệu LTS (Long-Term Support) dành cho doanh nghiệp lớn với thời gian hỗ trợ kỹ thuật dài hơn phiên bản thông thường (hỗ trợ 5 năm cho bản server và 3 năm cho bản desktop). Cho đến hiện tại, mới chỉ có một phiên bản dạng này là 6.06 LTS, dự báo theo đúng chu kỳ thì bản LTS tiếp theo sẽ phát hành vào năm 2008.

Mỗi phiên bản Ubuntu được đánh số theo năm, tháng phát hành. Chẳng hạn phiên bản đầu tiên ra đời vào tháng 10 năm 2004 có tên chính thức là 4.10. Bên cạnh đó mỗi phiên bản còn có một tên vui được đặt theo tên những loài thú khác thường, ví dụ phiên bản 4.10 còn có tên Warty Warthog, theo tên một loài heo có sừng ở châu Phi. Sau đây là các phiên bản đã phát hành cho đến hiện tại

  1. Phiên bản 4.10 có tên Warty Warthog, phát hành vào tháng 10 năm 2004
  2. Phiên bản 5.04 có tên Hoary Hedgehog, phát hành vào tháng 4 năm 2005
  3. Phiên bản 5.10 có tên Breezy Badger, phát hành vào tháng 10 năm 2005
  4. Phiên bản 6.06 có tên Dapper Drake, phát hành vào tháng 6 năm 2006
  5. Phiên bản 6.10 có tên Edgy Eft, phát hành vào tháng 10 năm 2006
  6. Phiên bản 7.04 có tên Feisty Fawn, phát hành vào tháng 4 năm 2007
  7. Phiên bản 7.10 có tên Gutsy Gibbon, phát hành vào tháng 10 năm 2007

Phiên bản 8.04 LTS tên gọi Hardy Heron sẽ phát hành vào tháng 4 năm 2008.

Ubuntu là một hệ điều hành mã nguồn mở hoàn toàn, và cộng đồng Ubuntu được xây dựng dựa trên những ý tưởng bao hàm trong Triết lý Ubuntu: phần mềm nên được cung cấp miễn phí, người sử dụng có thể dùng những công cụ phần mềm bằng tiếng địa phương của họ, ngay cả người khuyết tật, và người sử dụng nên có quyền tự do sửa đổi và thay thế phần mềm của họ theo bất kỳ cách nào mà họ cho là phù hợp. Với những triết lý đó, những người khơi nguồn và phát triển Ubuntu lập nên cam kết như sau:

  • Ubuntu sẽ luôn luôn miễn phí, và không có chi phí cộng thêm nào cho “phiên bản dành cho doanh nghiệp”, mọi người đều có thể sử dụng với những điều khoản tự do như nhau.

  • Ubuntu bao gồm kiến trúc tối ưu nhất về chuyển ngữ và tiếp cận của cộng đồng phần mềm tự do, để càng nhiều người sử dụng được Ubuntu càng tốt.

  • Ubuntu được phát hành theo chu kì được định trước; một bản phát hành mới được ra đời mỗi sáu tháng. Bạn có thể dùng bản ổn định hiện hành hoặc bản đang phát triển. Mỗi bản phát hành được hỗ trợ trong ít nhất 18 tháng.

  • Ubuntu cam kết tuân thủ hoàn toàn theo những nguyên tắc của việc phát triển phần mềm mã nguồn mở; chúng tôi khuyến khích mọi người sử dụng phần mềm nguồn mở, phát triển và phân phối chúng.

Những yếu tố được cân nhắc khi phân biệt giữa Ubuntu và Microsoft Windows gồm có: chi phí, chu kỳ phát hành, độ an toàn, khả năng tùy chỉnh và khả năng di động.

  • Các chi phí liên quan: Hệ điều hành Windows của Microsoft là một sản phẩm thương mại và chi phí tổng thể sẽ tăng tỷ lệ thuận với các chức năng và trình ứng dụng thêm vào. Vấn đề về chi phí đôi khi trở thành một yếu tố cân nhắc sử dụng các ứng dụng của hãng thứ ba ngoài Microsoft. Với Ubuntu, các phiên bản phát hành mới và các ứng dụng đều là miễn phí.
  • Phát hành phiên bản mới: Ubuntu không phân chia phiên bản cho người sử dụng gia đình hay chuyên nghiệp, các tính năng dành cho cả hai đều giống nhau. Với Microsoft Windows thì phiên bản Home và Professional là hai phiên bản khác nhau. Chẳng hạn, bản Microsoft Windows Professional có những đặc tính an toàn nổi trội hơn so với bản Home.
  • Ngoài ra, chu kỳ phát hành 6 tháng của Ubuntu cũng tạo điều kiện cho người sử dụng dễ dàng tiếp cận được tất cả những ứng dụng mới nhất. Việc nâng cấp từ một phiên bản lên phiên bản kế tiếp là miễn phí và được hỗ trợ hoàn toàn. Trong khi đó các kế hoạch xung quanh việc phát hành của Microsoft thì lâu hơn và ít tiết lộ ra cho cộng đồng hơn.
  • Khía cạnh an toàn: Cho đến bây giờ, Ubuntu hiếm khi là mục tiêu của malware và virus. Theo mặc định thì người dùng quản trị “root” trong Ubuntu sẽ bị khoá và chỉ có những tác vụ nhất định được chạy với quyền quản trị. Trong môi trường Microsoft Windows thì người dùng bình thường lại có thể truy xuất trực tiếp vào người dùng quản trị.
  • Khả năng tùy chỉnh: Hệ điều hành Ubuntu có thể được thiết kế và tùy chỉnh theo ý thích của bạn. Ngoài ra, bạn có thể có nhiều biến thể của Ubuntu chạy song song với nhau; chẳng hạn, bạn có thể cài đặt Kubuntu cùng với Ubuntu và sau đó chọn môi trường desktop bạn muốn dùng. Trên Internet có hơn 17000 gói phần mềm và có thể được truy xuất dễ dàng. Dựa vào đặc điểm này, bạn không bị bó buộc vào sử dụng một phiên bản chỉ vì đó là phiên bản đầu tiên bạn cài đặt vào hệ thống. Microsoft Windows là một hệ điều hành tiêu chuẩn với một số ít tuỳ chọn cho phép hiệu chỉnh. Bên cạnh đó, có rất nhiều phần mềm thương mại có sẵn trên thị trường, nhưng hầu hết trong số đó đều có chi phí bản quyền cho việc tùy chỉnh.
  • Lưu trữ dữ liệu: Dữ liệu của người sử dụng được đặt rải rác ở nhiều nơi trong Windows, điều này có thể làm cho việc di chuyển dữ liệu từ máy này sang máy khác trở nên khó khăn. Ubuntu lưu trữ thông tin người dùng của bạn chỉ trong một chỗ – thư mục home. Điều này làm cho việc di chuyển dữ liệu sang máy khác dễ dàng hơn, đồng thời tách biệt dữ liệu lưu trữ của từng người dùng.

Cài đặt

  • Cài đặt hệ điều hành: Cả Windows và Ubuntu đều được phát hành dưới dạng hệ điều hành đóng gói để cài đặt lên máy tính, chỉ khác là bản cài đặt Ubuntu có thể tải về miễn phí từ Internet hoặc yêu cầu đĩa CD miễn phí. Còn mọi phiên bản Windows thì phải mua. Cách cài đặt của hai hệ điều hành đều dễ dàng bằng cách khởi động máy bằng đĩa CD cài đặt. Thời gian cài đặt cũng khác nhau tùy thuộc vào năng lực của hệ thống, trung bình khoảng 20 đến 30 phút. Bên cạnh đó, bản cài đặt của Ubuntu còn có chế độ live-CD, cho phép bạn dùng hệ điều hành trực tiếp từ đĩa CD mà không cần phải cài đặt vào máy tính. Khi cảm thấy thích những gì mình đã dùng thử thì lúc đó mới tiến hành cài đặt. Live-CD còn hữu dụng trong trường hợp cứu hộ hệ thống khi bị sự cố.
  • Cài đặt phần mềm: Bạn có thể cài thêm phần mềm trên Ubuntu bằng chương trình Add/Remove Applications và Synaptic Package Manager. Chương trình Add/Remove Applications cho phép bạn tìm kiếm trên toàn danh mục các phần mềm miễn phí dành cho Ubuntu và cài đặt những chương trình nào bạn muốn. Trên Microsoft Windows, mỗi chương trình đi kèm theo phương thức cài đặt của riêng nó. Windows Vista có một chức năng Digital Locker cho phép người sử dụng mua phần mềm trực tuyến và tải về máy.

Chương trình ứng dụng

Cả Ubuntu và Windows đều được đóng gói sẵn kèm theo một số ứng dụng mặc định nhằm đáp ứng những nhu cầu sử dụng tối thiểu cho một hệ điều hành hiện đại. Có một số ứng dụng mặc định trên Ubuntu nhưng để có chức năng tương đương trên Windows thì phải trả thêm tiền để mua phần mềm, như bộ soạn thảo văn bản hay trình xử lý hình ảnh. Sau đây là bảng đối chiếu tương ứng giữa phần mềm mặc định trên Ubuntu và trên Windows.