Bài tập về biệt ngữ xã hội từ địa phương năm 2024

Hai nguồn của cái giàu và cái đẹp của tiếng Việt là ở chỗ nó là tiếng nói của quần chúng nhân dân,[...] đồng thời nó là ngôn ngữ của văn học, văn nghệ [...] (*)

(Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt - Phạm Văn Đồng)

Ngôn ngữ của dân tộc ta phong phú trong lời ăn tiếng nói nhờ đặc điểm địa hình, văn hóa, lịch sử, xã hội rất đa dạng, liên tục tiếp biến. Đây cũng là nguồn cảm hứng dồi dào cho các nhà thơ, nhà văn khẳng định màu sắc riêng, gửi gắm thông điệp nghệ thuật qua từng tác phẩm. Để làm được điều đó, từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

Hôm nay Yên Văn sẽ giúp các bạn phân tích rõ hơn về hai nhóm từ này và vai trò của chúng trong văn chương.

Theo khái niệm trong SGK Ngữ Văn 8 tập 1:

► Từ ngữ địa phương (TNĐP) là từ ngữ chỉ sử dụng ở một (hoặc một số) địa phương nhất định.

► Biệt ngữ xã hội (BNXH) chỉ được dùng trong một tầng lớp xã hội nhất định.

Để nhận biết rõ ràng hơn, Yên Văn chia sẻ tới bạn đặc trưng trong cách sử dụng của hai nhóm từ này, bạn ghi nhớ nhé.

➤ Nếu dùng từ ngữ của địa phương trong giao tiếp thì có thể người dân nơi khác sẽ không hiểu vì từ ngữ địa phương được chia theo vùng miền (Bắc, Trung, Nam…)

Ví dụ: “bắp”, “bẹ” là từ địa phương (dùng ở miền Nam, miền Trung và miền núi phía Bắc, còn “ngô” là từ toàn dân).

➤ Mỗi nhóm người nhất định trong xã hội đều sử dụng biệt ngữ, là ngôn từ đặc trưng mà không phải đối tượng nào cũng hiểu, cũng phù hợp để sử dụng trong giao tiếp.

Phân loại BNXH trước hết cần xác định được nhóm người sử dụng những từ đó, dựa trên các đặc điểm chung về tài sản, địa vị xã hội, nghề nghiệp, giới tính… hoặc thuộc cùng tầng lớp/ giai cấp, cùng thành phần xã hội như bác sĩ/ quân nhân/ giáo viên/ học sinh…

Hai loại từ này được sử dụng thường xuyên trong đời sống hàng ngày. Trong văn học, mặc dù từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội xuất hiện không nhiều nhưng lại có vai trò vô cùng quan trọng. Cụ thể như sau:

1. Từ ngữ địa phương trước hết thể hiện đặc trưng ngôn ngữ, văn hóa, cuộc sống của con người ở địa phương đó

Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều

Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm

(Bầm ơi - Tố Hữu)

Theo thổ ngữ vùng trung du Phú Thọ, Vĩnh Yên, mẹ dù già hay trẻ được gọi là “bầm”. Xuất phát từ tâm tư của người mẹ vùng trung du Bắc Bộ có con đi tòng quân, nhà thơ đã viết bài thơ bằng phương ngữ địa phương nhằm thể hiện nó như một bức thư của người chiến sĩ tới mẹ của mình, mong bà nguôi ngoai nỗi thương nhớ.

Bài tập về biệt ngữ xã hội từ địa phương năm 2024

Từ ngữ địa phương được sử dụng sâu sắc trong bài thơ “Bầm ơi!”

2. Từ ngữ địa phương thể hiện sự gắn bó, thấu hiểu và gần gũi đối với văn hóa, phương ngữ của địa phương hoặc chính quê hương tác giả, khiến văn phong thêm phần giản dị, mộc mạc

Nó vừa ôm chặt cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc:

- Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con! Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài trên má của ba nó nữa.

(Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng)

Tác giả vận dụng những từ ngữ địa phương như “ba”, “bố”, “vết thẹo” nhằm khắc họa lối sinh hoạt, giao tiếp gần gũi giàu chất Nam Bộ của gia đình ông Sáu. Yếu tố quan trọng tạo nên sự chất phác và thân quen trong từng lời văn của Nguyễn Quang Sáng chính là sự gắn bó sâu sắc và tình yêu thương con người, quê hương của ông.

Bài tập về biệt ngữ xã hội từ địa phương năm 2024

Nguyễn Quang Sáng sử dụng các từ ngữ địa phương gần gũi trong “Chiếc lược ngà”

Nếu TNĐP đi sâu vào đặc trưng trong giao tiếp và sinh hoạt của từng vùng miền thì BNXH lại khắc hoạ đặc điểm của từng nhóm người cụ thể.

1. BNXH tái hiện cuộc sống hiện thực, giúp người đọc trải nghiệm được câu chuyện một cách chi tiết, chân thực

Khoảng năm Giáp Ngọ, Ất Mùi (1774 – 1775) trong nước vô sự, Thịnh Vượng (Trịnh Sâm) thích chơi đèn đuốc, thường ngự ở các li cung trên Tây Hồ, núi Tử Trầm, núi Dũng Thúy. (Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh - Phạm Đình Hổ)

“ngự”: (chúa) thường đến ở; “li cung”: chỗ vua chúa ở khi đi ra ngoài kinh thành. Đây là những từ ngữ của vua chúa trong triều đình phong kiến, chỉ trong cung sử dụng và chỉ đặc trưng dành cho vua chúa, các tầng lớp khác không sử dụng những từ ngữ này.

Nhờ việc sử dụng chính xác những biệt ngữ, tác phẩm “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh” ghi lại một cách sinh động hiện thực của lịch sử nước ta, trở thành một tư liệu quý giá cho thế hệ sau.

2. Nhờ hiệu quả cao trong diễn đạt, việc sử dụng BHXH cho thấy tác giả là người tinh tế trong quan sát, có vốn hiểu biết sâu sắc về xã hội

Thỉnh thoảng nghe tiếng quan phụ mẫu gọi: "Ðiếu mày", tiếng tên lính hầu thưa: "Dạ"; tiếng thầy đề hỏi: "Bẩm bốc", tiếng quan lớn truyền: "ừ". Kẻ này "bát sách! ăn". Người kia "thất văn"!..."Phỗng", lúc mau, lúc khoan, ung dung êm ái; khi cười, khi nói, vui vẻ dịu dàng. Thật là tôn kính, xứng đáng với một vị phúc tinh. (Sống chết mặc bay - Phạm Duy Tốn)

Các động từ “bốc”, “ăn”, “phỗng” được sử dụng trong đánh tài bàn và tổ tôm, đây là ngôn ngữ rất thông dụng với những người biết chơi cờ bạc và chỉ có một nhóm người đó mới hiểu được những từ ngữ này.

Là một người giàu trải nghiệm, có vốn từ đa dạng, Phạm Duy Tốn đã thể hiện chân thật nhất khung cảnh đánh bài hăng say, ung dung của quan phụ mẫu trong đình, đối lập với cảnh vỡ đê xót xa bên ngoài.

Bài tập về biệt ngữ xã hội từ địa phương năm 2024

Phạm Đình Hổ sử dụng tinh tế biệt ngữ xã hội trong “Sống chết mặc bay”

Bạn thấy đó, chất liệu của văn học nằm ngay trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, các từ ngữ không xuất hiện ngẫu hứng hay tình cờ mà đều mang trong mình những giá trị khác nhau. Phân tích văn học sẽ không quá khó nếu chúng ta có hiểu biết sâu sắc về từ vựng nói riêng và tiếng Việt nói chung.

Để học tập sáng tạo, mỗi học sinh cần có “gốc” và từ đó mới đơm hoa kết trái tuỳ theo thiên hướng riêng của mình.