Các ngân hàng xử lý nợ xấu như thế nào năm 2024

Ngày 3/2/2024, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức toạ đàm trực tuyến với chủ đề "Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi: Phân bổ hiệu quả nguồn lực".

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024, hiệu lực từ ngày 1/7/2024 tới đây, các quy định mới sẽ tác động trực tiếp và sâu rộng đến các hoạt động kinh doanh, quản trị của các tổ chức tín dụng. Qua đó, hoạt động phân bổ nguồn lực từ tiết kiệm đến đầu tư sẽ hướng tới sự minh bạch và công bằng hơn giữa các chủ thể/thành phần kinh tế.

VẮNG BÓNG QUY ĐỊNH VỀ QUYỀN THU GIỮ TÀI SẢN BẢO ĐẢM

Với kết cấu gồm 15 chương, 210 điều, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) năm 2024 bổ sung các quy định đối với 4 nhóm vấn đề lớn, đó là: (1) đưa ra lộ trình siết tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với 1 cổ đông và người có liên quan tại tổ chức tín dụng; (2) giảm giới hạn cấp tín dụng đối với 1 khách hàng và một nhóm khách hàng; (3) dự phòng rủi ro, can thiệp sớm tổ chức tín dụng, xử lý tổ chức tín dụng có vấn đề; (4) xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo hướng luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14.

Trong đó, có hai nhóm vấn đề lớn thu hút sự chú ý của thị trường.

Một, siết tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với cổ đông; kiểm soát việc cấp tín dụng đối với người liên quan của cổ đông lớn trong bối cảnh tình trạng sở hữu chéo, chi phối tổ chức tín dụng vốn trở thành một trong những vấn đề nổi cộm thời gian qua.

Hai, xử lý nợ xấu. Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) chính thức hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023. Trái với kỳ vọng của các tổ chức tín dụng, điểm mấu chốt về quyền thu giữ tài sản bảo đảm tại Nghị quyết 42 đã không còn được duy trì như tinh thần tại Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42).

Dành nhiều mối quan tâm về việc luật hóa Nghị quyết 42 trong bối cảnh rủi ro nền kinh tế đang ở mức cao như hiện nay, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI bày tỏ sự đáng tiếc khi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chỉ đưa vài điều liên quan đến Nghị quyết 42 vào giờ chót, nếu không đưa những quy định này vào luật mới có lẽ bế tắc hoàn toàn với ngành ngân hàng.

Theo ông Đức, điểm mấu chốt nhất của Nghị quyết 42 là phát huy rất tốt tác dụng những năm qua trong việc xử lý nợ xấu ngành ngân hàng.

"Tuy nhiên, quy định quan trọng nhất trong Nghị quyết 42 là được quyền thu giữ tài sản bảo đảm có tác động rất lớn, rất có ý nghĩa, thiết thực lại không được chấp nhận trong luật mới", ông Đức nêu rõ.

Bởi theo ông Đức, pháp luật cho phép nhận một dự án bất động sản hay một dự án bất kỳ làm tài sản đảm bảo là hợp pháp, hợp lệ nhưng dự án lại không đủ điều kiện chuyển nhượng dẫn đến rất khó giải quyết.

Hơn nữa, vị này cho rằng cần thay đổi tư duy tiếp cận rằng nợ xấu không phải là việc của riêng ngành ngân hàng, cần giải quyết vì lợi ích của ngân hàng mà là nợ xấu của cả nền kinh tế, bởi ngân hàng cho vay phục vụ nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Hậu quả do doanh nghiệp, cá nhân, người vay vốn gây ra, ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm khi trở thành đầu mối. Nếu tiếp cận vấn đề xử lý nợ xấu theo hướng "nợ xấu là của nền kinh tế" thay vì "nợ xấu của ngành ngân hàng", chắc chắn cách thức giải quyết được đề cập trong luật sẽ khác.

Cũng theo lãnh đạo Công ty Luật ANVI, mặc dù luật hiện chưa có hiệu lực nhưng các ngân hàng phải tính đến việc sau này sẽ rất khó khăn khi thu hồi nợ, nhất là khi nền kinh tế khó khăn hơn trong những năm đại dịch Covid khiến nhiều khoản nợ đang giãn, hoãn, giữ nguyên nhóm nợ, đang chưa chuyển nhóm nợ và phân loại đúng.

Các ngân hàng xử lý nợ xấu như thế nào năm 2024
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI - Ảnh: Việt Dũng.

"Sắp tới, ngành ngân hàng sẽ đứng trước một thách thức lớn và cũng phải tính đến vấn đề hiện tỷ lệ nợ xấu còn thấp nhưng có thể một năm nữa, nợ xấu có nguy cơ lên đến cả chục phần trăm. Chắc chắn Quốc hội lại phải bàn thảo một luật mới, không loại trừ sửa Bộ Luật Dân sự hay ban hành một luật về xử lý nợ xấu chung cho nền kinh tế, trong đó, trọng tâm trọng điểm là xử lý nợ xấu ngành ngân hàng".

Chia sẻ quan điểm này, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng khi các luật được sửa đổi, đương nhiên Bộ Luật Dân sự cũng phải sửa đổi, không thể chấp nhận người vay có khả năng trả nợ nhưng cố tình không trả nợ, có tài sản nhưng không bàn giao để ngân hàng xử lý mà không ai làm gì được. Do đó, phải xử lý bằng biện pháp nào đó, thậm chí xử lý cả hình sự.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng, hiện có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì cũng phải có luật bảo vệ người cung ứng sản phẩm mà ở đây là các ngân hàng. Khi đó, người dân, doanh nghiệp có hành vi vi phạm cố tình không trả nợ, dứt khoát cần phải có biện pháp xử lý mạnh tay.

LO DOANH NGHIỆP TỐT VẠ LÂY

Bày tỏ nhiều tâm tư tại toạ đàm, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phân tích nợ xấu tiềm ẩn hiện rất cao, vì vậy khả năng thu hồi trong thời gian tới sẽ rất khó khăn nếu không có giải pháp hữu hiệu hơn và người dân quay mặt, chây ỳ không trả nợ thì các tổ chức tín dụng thu hồi nợ rất khó.

"Khi đó, các tổ chức tín dụng sẽ phải xem xét lại, đưa ra những điều kiện quy định chặt chẽ hơn khiến người dân và doanh nghiệp tiếp cận khó khăn hơn", lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam dự đoán.

Bởi các ngân hàng bắt buộc phải làm đúng quy định pháp luật, phải làm thật chặt chẽ, thẩm định tài sản đảm bảo làm tới nơi tới chốn, thậm chí mất hàng tháng trời mới được giải ngân khoản vay thay vì vài ngày như trước. Từ đó, tránh rơi vào tình huống khách vay cố tình trốn tránh nợ phải đưa ra khởi kiện, để tòa án xử lý, thu giữ các loại tài sản đảm bảo, tranh cãi kéo dài 5-7 năm mới thu hồi được vốn.

Khi điều kiện bị siết chặt, bản thân các doanh nghiệp làm ăn tốt cũng bị vạ lây, chịu chung ảnh hưởng. Đáng lẽ, doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn một cách thuận lợi hơn nhưng bây giờ ngân hàng làm chặt chẽ hơn bởi những "con sâu làm rầu nồi canh".

Vì vậy, ông Hùng cho rằng cần nêu tên những người cố tình không trả nợ, nếu pháp luật chưa được xử lý được thì xã hội phải lên án.

Chia sẻ dưới góc nhìn của một định chế lớn, ông Vũ Việt Hưng, Phó trưởng Ban Pháp chế, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), cho rằng sau hơn 6 năm thực thi Nghị quyết 42, ngân hàng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc nhưng không thể phủ nhận Nghị quyết 42 mang ý nghĩa rất to lớn với công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Chính vì vậy, theo ông Hưng, việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đó là, (i) việc xử lý nợ xấu liên quan đến các chính sách, cơ chế pháp luật của Nhà nước; (ii) điều quan trọng là sức khỏe của nền kinh tế, của thị trường trong việc hấp thụ các tài sản khi ngân hàng đem ra xử lý; (iii) liên quan đến sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng với các khách hàng vay, các bên bảo đảm và (iv) yếu tố quan trọng nhất liên quan đến ý thức trả nợ của bên vay và cũng như bên bảo đảm.

Xử lý nợ xấu ngân hàng như thế nào?

Để xử lý nợ quá hạn, ngân hàng thường thực hiện đồng loạt các cách như: Gọi điện liên lạc với người đi vay để thông báo về khoản vay; Thông báo tới cơ quan, công ty nơi khách đang làm việc để hỗ trợ ngân hàng thu hồi nợ; Bàn giao cho bên thứ ba để thu hồi nợ; Đưa ra tòa để giải quyết theo đúng pháp luật; Lưu lịch sử nợ ...

Quá hạn ngân hàng bao lâu thành nợ xấu?

Như vậy nợ xấu là khoản nợ quá hạn từ 91 ngày trở lên, và có cơ cấu lại thời gian trả nợ. Ngoài ra các khoản nợ khác quy định tại nợ nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5 cũng được xem là nợ xấu.

Khi nào thì bị nợ xấu ngân hàng?

Nợ xấu là thuật ngữ thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng, dùng để chỉ những khoản nợ khó đòi, khi đến hạn, người vay không thể trả nợ theo như đã cam kết trong hợp đồng. Theo quy định về nợ xấu, những khoản nợ quá hạn trên 90 ngày thì bị coi là nợ xấu.

Trả chậm Fe bao lâu thì bị nợ xấu?

Nếu người đi vay trễ hạn thanh toán vượt quá 90 ngày thì sẽ rơi vào nhóm khách hàng dính nợ xấu và bị ghi nhận trên Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam CIC.