Các nguyên nhân gây nên viêm amidan

Viêm amidan là bệnh lý phổ biến trong cộng đồng. Tình trạng này thường gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh có thể gay đau rát họng, khó nuốt và có nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Việc phát hiện sớm viêm amidan để có hướng điều trị kịp thời là rất cần thiết. Tuy vậy, bệnh vẫn thường bị nhầm lẫn với các triệu chứng viêm đường hô hấp khác. Vậy cách nhận biết chính xác viêm amidan là gì, nguyên nhân gây bệnh và phương pháp điều trị ra sao? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Thế Huy tìm hiểu qua bài viết sau. 

Nội dung bài viết

  • Tổng quan về viêm amidan
  • Nguyên nhân viêm amidan
  • Triệu chứng của viêm amidan
  • Điều trị viêm amidan tại nhà có được không?
  • Khi nào cần gặp bác sĩ?
  • Biến chứng nguy hiểm của viêm amidan
  • Chẩn đoán viêm amidan
  • Những phương pháp điều trị bệnh
  • Cách phòng ngừa viêm amidan

Tổng quan về viêm amidan

Amidan khẩu cái (gọi tắt là amidan) là một thành phần của vòng bạch huyết Waldeyer (bao gồm amidan, V.A, amidan vòi và amidan lưỡi).

Vòng bạch huyết này có thành phần chủ yếu là mô lympho và là một chốt chặn quan trọng, thực hiện chức năng miễn dịch ban đầu chống lại các tác nhân gây bệnh được nuốt hoặc hít vào.

Chính vì có chức năng miễn dịch và thường xuyên tiếp xúc, chống lại các tác nhân gây bệnh, các thành phần trong vòng bạch huyết Waldeyer là những vị trí dễ bị viêm nhiễm. Trong đó, amidan và V.A là hai vùng thường bị viêm nhất và có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, lao động và học tập.

Các nguyên nhân gây nên viêm amidan
Hệ thống bạch huyết Waldeyer

Viêm amidan là bệnh lý thường gặp, chiếm khoảng 1,3% bệnh nhân đến khám ngoại trú tại các phòng khám và bệnh viện. Viêm amidan có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, tỷ lệ viêm amidan phổ biến hơn ở trẻ em do sự thiếu hụt miễn dịch sinh lý ở lứa tuổi này.1

Phân loại bệnh

Hầu hết các trường hợp viêm amidan là hậu quả của nhiễm trùng, có thể do cả tác nhân siêu vi (thường gặp hơn) lẫn vi khuẩn. Viêm amidan còn có thể chia thành viêm amidan cấp tính và viêm amidan mạn tính, tùy theo thời gian diễn tiến của bệnh.1

Viêm amidan cấp tính

Đây là tình trạng viêm cấp tính của mô amidan. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là do nhiễm trùng. Quá trình viêm amidan cấp tính có thể kéo dài khoảng 3 – 4 ngày cho đến khoảng 2 tuần.

Viêm amidan mạn tính

Tác nhân gây bệnh chính của viêm amidan mạn tính là vi khuẩn, đặc biệt là nhóm liên cầu beta tiêu huyết nhóm A (GABHS). Viêm amidan mạn tính thường có 3 thể bệnh chính là:

  • Các triệu chứng của quá trình viêm không thuyên giảm hoặc không hết hoàn toàn sau 4 tuần.
  • Những đợt viêm amidan cấp tính tái phát nhiều lần.
  • Sỏi amidan.

Nguyên nhân viêm amidan

Hầu hết viêm amidan là do tác nhân nhiễm trùng, bao gồm cả tác nhân siêu vi lẫn tác nhân vi khuẩn. Trong đó, tác nhân siêu vi chiếm ưu thế. Một số tác nhân gây bệnh được liệt kê dưới đây:1 2

Tác nhân siêu vi (virus)

Các tác nhân siêu vi gây viêm amidan cũng tương tự như các tác nhân gây ra bệnh viêm đường hô hấp trên (chẳng hạn như cảm lạnh thông thường), bao gồm các tác nhân thường gặp như:

  • Rhinovirus.
  • Virus hợp bào hô hấp (RSV).
  • Adenovirus.
  • Virus cúm.
  • Coronavirus.

Một số tác nhân đặc biệt khác cũng có thể gây viêm amidan có thể kể đến như:

  • Virus EBV (Epstein-Barr virus).
  • Cytomegalovirus.
  • Rubella.

Tác nhân vi khuẩn

Viêm amidan do tác nhân vi khuẩn ít gặp hơn so với tác nhân siêu vi, có thể kể đến các tác nhân như:

  • Liên cầu beta tiêu huyết nhóm A (Viêm họng do liên cầu khuẩn).
  • Hemophilius influenza.
  • Tụ cầu (Staphylococcus aureus).
  • Phế cầu (Streptococcus pneumoniae).
  • Bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae).
  • Các chủng yếm khí và hiếu khí.

Ngoài ra, còn có một số tác nhân đặc biệt gây ra viêm amidan như giang mai, lậu,…

Các yếu tố nguy cơ gây viêm amidan3

  • Thời tiết thay đổi đột ngột (bị lạnh đột ngột khi mưa, độ ẩm cao)
  • Ô nhiễm môi trường do bụi, khí, điều kiện sinh hoạt, vệ sinh kém.
  • Sức đề kháng kém, cơ địa dị ứng.
  • Có các ổ viêm nhiễm ở họng, miệng như: sâu răng, viêm nướu, viêm V.A, viêm xoang và do đặc điểm cấu trúc giải phẫu của amidan có nhiều khe kẽ, hốc, ngách là cư trú, ẩn náu và phát triển của vi khuẩn.

Triệu chứng của viêm amidan

Viêm amidan cấp

Các triệu chứng có thể gặp của viêm amidan cấp bao gồm:1 2 3 4

  • Sốt (38 – 39°C).
  • Mệt mỏi, bứt rứt, chán ăn.
  • Đau họng.
  • Nuốt đau, nuốt khó.
  • Hơi thở hôi.
  • Sưng đau hạch cổ.
  • Thở khò khè, ngáy to.
  • Amidan sưng to, đỏ, có thể kèm với các mảng trắng hoặc mủ.

Viêm amidan cấp do siêu vi hay vi khuẩn? 

Trên lâm sàng, có một số dấu hiệu giúp phân biệt viêm amidan cấp do siêu vi hay vi khuẩn. Tuy nhiên, sự phân biệt viêm amidan do nguyên nhân siêu vi hay vi khuẩn bằng thăm khám lâm sàng chỉ mang tính chất tương đối. Cách tốt nhất để xác định tác nhân gây viêm amidan là phết họng làm test nhanh với vi khuẩn hoặc nuôi cấy vi khuẩn.1 2 3

1. Viêm amidan cấp do siêu vi3

  • Toàn bộ niêm mạc đỏ rực và xuất tiết trong, amidan sưng to và đỏ, các mô lympho thành sau họng cũng sưng to và đỏ (các “hạt” trong “viêm họng hạt”).
  • Có thể kèm theo các triệu chứng khác như chảy mũi, ho, khàn tiếng, viêm kết mạc.
  • Thường không nổi hạch góc hàm.

2. Viêm amidan cấp do vi khuẩn3

  • Amidan sưng to, đỏ, bề mặt amidan có những chấm mủ trắng hoặc mảng bựa trắng.
  • Thường có hạch góc hàm sưng đau.
  • Cần phải phân biệt với bạch hầu bằng cách quẹt giả mạc soi tươi và cấy vi khuẩn.
Các nguyên nhân gây nên viêm amidan
Viêm amidan cấp do vi khuẩn

Viêm amidan mạn

Là hiện tượng viêm amidan tái đi tái lại. Quá trình viêm có thể làm cho amidan to ra, gọi là thể quá phát hoặc ngược lại, ở người lớn tuổi hơn, viêm amidan tái đi tái lại làm cho amidan xơ teo, trở thành nơi chứa đựng vi khuẩn, gây ra các triệu chứng và biến chứng cho người bệnh.

Các triệu chứng chính của viêm amidan mạn có thể kể đến là:

  • Đau họng dai dẳng, nhất là khi thời tiết thay đổi, sau khi tiếp xúc với gió lạnh, nước đá.
  • Hơi thở hôi do chất mủ chứa trong các hốc của amidan.
  • Cảm giác vướng họng, nuốt vướng, thỉnh thoảng phải khạc nhổ do xuất tiết.
  • Nếu amidan viêm mạn tính quá phát có thể gây khò khè, ngủ ngáy và nặng hơn là ngưng thở khi ngủ.
  • Có thể những đợt tái phát cấp tính gây sốt.
  • Amidan thể quá phát: amidan to, vượt qua 2 trụ amidan, đôi khi chạm vào nhau ở đường giữa. Niêm mạc họng đỏ nhẹ, trong các hốc có ít mủ trắng như bã đậu.
  • Amidan thể xơ teo: amidan nhỏ, bề mặt gồ ghề, lỗ chỗ, chằng chịt xơ trắng. Đôi khi bề mặt có những chấm mủ nhỏ, ấn vào amidan có thể có bã đậu hoặc sỏi amidan phòi ra từ các hốc.
Các nguyên nhân gây nên viêm amidan
Viêm amidan quá phát hốc mủ
Các nguyên nhân gây nên viêm amidan
Phân độ amidan quá phát
Các nguyên nhân gây nên viêm amidan
Viêm amidan mạn thể xơ teo kèm sỏi amidan

Điều trị viêm amidan tại nhà có được không?

Vì phần lớn viêm amidan cấp là do tác nhân siêu vi và không biến chứng, viêm amidan có thể được điều trị tại nhà. Các biện pháp có thể áp dụng tại nhà để giúp giảm triệu chứng cho người bệnh bao gồm:5 6

1. Nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức trong thời gian bệnh

Người bị viêm amidan nên nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Việc thư giãn sẽ tiếp năng lượng cho cơ thể chống lại nhiễm virus hoặc vi khuẩn.

Tiếp tục đi làm hoặc đi học không chỉ kéo dài thời gian mắc bệnh của bạn mà còn có thể khiến những người khác có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh.

2. Ăn thức ăn mềm, tránh đồ ăn cứng

Đối với những người bị viêm amidan, việc ăn thức ăn cứng hoặc sắc nhọn có thể gây khó chịu, thậm chí là đau đớn. Thức ăn cứng có thể làm xước cổ họng, dẫn đến kích ứng và làm nghiêm trọng tình trạng viêm. Thực phẩm cứng cần tránh bao gồm:

  • Khoai tây chiên.
  • Bánh quy giòn.
  • Ngũ cốc khô.
  • Thực phẩm nướng.
  • Rau củ quả hoặc trái cây sống.

Mọi người nên thử ăn thức ăn mềm hơn, dễ nuốt hơn như nước canh, súp hoặc sinh tố cho đến khi các triệu chứng giảm dần.

3. Uống nhiều nước

Người bệnh nên uống nhiều nước. Đồng thời, bạn cũng cần chia thành các lượng nhỏ đều đặn trong ngày.

4. Súc miệng bằng nước muối ấm

Súc miệng bằng nước muối ấm có khả năng tạm thời làm dịu cơn đau hoặc cảm giác nhột nhột ở phía sau cổ họng.

Đồng thời bạn có thể sử dụng các loại nước súc họng/thuốc xịt họng sát khuẩn.

5. Sử dụng thuốc giảm đau

Đối với người lớn, có thể sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt trong trường hợp sốt trên 38,5℃ và cần có sự hướng dẫn của dược sĩ hoặc bác sĩ gia đình.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Viêm amidan cấp4 5

Đối với viêm amidan cấp, cần đến gặp bác sĩ khi có một hoặc nhiều trong các dấu hiệu sau:

  • Có nhiều mảng trắng hoặc mủ trắng đóng ở amidan.
  • Amidan sưng đau nhiều.
  • Nuốt đau nhiều, không thể ăn hoặc uống.
  • Khít hàm, há miệng hạn chế.
  • Sốt cao liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt tại nhà.
  • Tổng trạng xấu đi, mệt mỏi nhiều.
  • Các triệu chứng kéo dài quá 4 ngày.

Viêm amidan mạn3

Đối với viêm amidan mạn, các triệu chứng thường không rầm rộ, nhưng kéo dài gây phiền toái trong cuộc sống của người bệnh. Bạn cần đến gặp bác sĩ trong các trường hợp:

  • Có nhiều đợt tái phát cấp tính trong năm, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, học tập và làm việc.
  • Hơi thở hôi dai dẳng.
  • Đau họng dai dẳng.
  • Hạch cổ viêm đau dai dẳng.
  • Amidan quá phát gây nuốt vướng, ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ,…
  • Amidan quá phát kết hợp với: bệnh tim phổi, chậm tăng trưởng,…

Biến chứng nguy hiểm của viêm amidan

Các biến chứng của viêm amidan rất hiếm và thường chỉ xảy ra với trường hợp viêm do nhiễm vi khuẩn. Những biến chứng thường là kết quả của việc nhiễm trùng lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Các biến chứng có thể xảy ra của bệnh viêm amidan bao gồm:7

  • Viêm tai giữa.
  • Hình thành áp xe (còn gọi là quinsy) giữa các amidan và thành họng.
  • Ngưng thở khi ngủ (Obstructive Sleep Apnea – OSA).

Các biến chứng khác của viêm amidan rất hiếm và thường chỉ xảy ra nếu tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn tiềm ẩn không được điều trị. Chúng bao gồm:

  • Phát ban đỏ trên da.
  • Bệnh thấp tim (Acute Rheumatic Fever: ARF) còn được gọi là bệnh sốt thấp, bệnh thấp khớp cấp, xảy ra sau khi nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A (Beta hemolytic Group A Streptococcus) ở đường họng, miệng.
  • Viêm cầu thận (glomerulonephritis).

Viêm amidan có ảnh hưởng gì đến cuộc sống?

Bên cạnh biến chứng áp xe quanh amidan, sốt thấp khớp, viêm cầu thận, viêm amidan có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như:3

  • Viêm amidan mạn tái phát cấp tính nhiều đợt trong năm ảnh hưởng đến công việc và học tập.
  • Viêm amidan hốc mủ làm hơi thở hôi, ảnh hưởng đến giao tiếp trong đời sống xã hội.
  • Viêm amidan hốc mủ gây đau họng, nuốt vướng kéo dài, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
  • Viêm amidan quá phát có thể gây ra ngủ ngáy, hội chứng ngưng thở khi ngủ với các ảnh hưởng lên hệ thần kinh, tim mạch.

Chẩn đoán viêm amidan

Viêm amidan cấp1 2 3

Các bác sĩ chẩn đoán viêm amidan cấp chủ yếu dựa trên triệu chứng và thăm khám lâm sàng trong hầu hết các trường hợp. Như đã nêu ở trên, các triệu chứng chủ yếu của viêm amidan cấp bao gồm sốt, đau họng, nuốt đau, amidan sung huyết đỏ và có thể có mủ. Ở một số trường hợp, người bệnh còn có thể nổi hạch góc hàm sưng đau. Do đó, để chẩn đoán viêm amidan cấp, các bác sĩ sẽ cần khai thác kĩ diễn tiến bệnh và thăm khám:

  • Khám họng và amidan.
  • Khám tai và mũi để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng khác.
  • Khám hạch cổ để tìm hạch sưng đau.

Hầu hết các trường hợp viêm amidan cấp là do siêu vi. Ở những trường hợp nghi ngờ viêm amidan cấp do vi khuẩn, bác sĩ có thể sử dụng phết họng để thực hiện test nhanh kháng nguyên tìm liên cầu beta tiêu huyết nhóm A (tác nhân vi khuẩn gây viêm amidan cấp thường gặp nhất và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm lên thận, tim, …). Phết họng còn được dùng để cấy vi khuẩn để xác định chính xác tác nhân vi khuẩn và cấy kháng sinh đồ để có hướng sử dụng kháng sinh thích hợp trong những trường hợp kém đáp ứng với điều trị ban đầu. Kết quả cấy thường có sau 2 – 5 ngày.2

Ở những trường hợp nghi ngờ viêm amidan cấp có biến chứng, các bác sĩ có thể phải chỉ định thêm các cận lâm sàng khác như xét nghiệm máu và chụp CT scan để chẩn đoán. Trong những trường hợp này, chỉ số bạch cầu thường tăng cao, các chỉ dấu sinh học của quá trình viêm nhiễm như CRP hay procalcitonin cũng tăng cao. Trên phim CT scan có thể có hình ảnh ổ áp xe.

Các nguyên nhân gây nên viêm amidan
Áp xe quanh amidan trái

Viêm amidan mạn

Đối với viêm amidan mạn, việc chẩn đoán dựa hoàn toàn vào diễn tiến, triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng của người bệnh.1 3

Những phương pháp điều trị bệnh

Điều trị viêm amidan cấp bằng thuốc

Mục tiêu chính của điều trị viêm amidan cấp là làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Các thuốc có thể sử dụng trong điều trị viêm amidan cấp bao gồm:

  • Thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol, ibuprofen,…
  • Thuốc súc họng, xịt họng giúp cảm giác đau họng.
  • Kháng sinh trong trường hợp viêm amidan cấp do vi khuẩn.

Kháng sinh có thể giúp hồi phục sớm hơn, giảm nguy cơ lây nhiễm và giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng. Tuy nhiên, sử dụng kháng sinh có thể làm gia tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh. Do đó, không được tự ý mua kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cần tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị thuốc kháng sinh và tái khám đúng hẹn để đạt được kết quả điều trị cao nhất.8

Điều trị viêm amidan mạn

Viêm amidan mạn cũng có thể điều trị bằng các thuốc giảm đau, kháng sinh, súc họng. Cần phẫu thuật cắt amidan trong các trường hợp bệnh kéo dài dai dẳng, không đáp ứng với điều trị thông thường.

Cắt amidan là gì?

Cắt amidan được định nghĩa là phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn amidan cùng với vỏ bao amidan, theo Hội Tai Mũi Họng và Phẫu thuật Đầu cổ Hoa Kỳ (American Academy of Otolaryngology-Head and Neck Surgery). Phương pháp này được thực hiện bằng cách bóc tách khoang quanh amidan nằm giữa bao amidan và thành cơ siết họng.9 10

Với kỹ thuật tiên tiến hiện nay, để cắt amidan mang lại những lợi ích thiết thực cho người bệnh như giảm chảy máu, giảm đau và nhanh hồi phục, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật thích hợp cho người bệnh như phẫu thuật khi người bệnh được gây mê có đặt nội khí quản bằng cách sử dụng dao điện đơn cực hay lưỡng cực, cắt amidan bằng dao laser, dao siêu âm hay coblator, dao plasma,…3

Khi nào nên cắt amidan?

Bác sĩ sẽ xem xét chỉ định cắt amidan đối với các trường hợp:

  • Viêm amidan cấp có biến chứng áp xe quanh amidan. 
  • Có các đợt cấp tái phát thường xuyên, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, học tập và làm việc. 
  • Hơi thở hôi dai dẳng. 
  • Đau họng dai dẳng. 
  • Hạch cổ viêm đau dai dẳng. 
  • Amidan quá phát gây nuốt vướng, ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ,… 
  • Amidan quá phát bất đối xứng. 

Cách phòng ngừa viêm amidan

Hiện tại không có vắc xin để phòng ngừa viêm họng hay viêm amidan cấp. Để phòng ngừa viêm amidan, ta có thể thực hiện các biện pháp sau:5

  • Thường xuyên vệ sinh tai mũi họng sạch sẽ hằng ngày.
  • Rửa tay thường xuyên.
  • Thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.
  • Tránh sử dụng chung các vật dụng với người mắc viêm amidan như thức ăn, cốc uống nước, đồ dùng cá nhân.
  • Trách tiếp xúc gần với người mắc viêm amidan.

Trên đây là những thông tin về viêm amidan. Bệnh có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Khi có những dấu hiệu bất thường, bạn nên đi khám để được chẩn đoán sớm bệnh và có cách phòng ngừa hiệu quả.