Các trang web như thế nào thì được trả tiền

Thời gian đầu làm freelance, mình vừa kết hợp tiếp cận với các công ty SaaS ở Mỹ, Anh vừa tìm kiếm các website nhận bài viết có trả phí (guest post). Mình làm như thế này để có cơ hội rèn luyện viết tiếng Anh, trau dồi kỹ năng thật chắc khi tìm được công ty hợp tác, nhưng cũng là kiếm thêm thu nhập thụ động hàng tháng.

Các bạn biết không? Ở nước ngoài có rất nhiều tạp chí, website nội dung, hay thậm chí là các tổ chức họ cần bài viết và họ sẵn sàng trả phí lên tới hàng trăm đô la cho một bài viết. Chỉ cần bạn có vốn tiếng Anh kha khá, chịu khó tìm kiếm những website mà có yêu cầu phù hợp với khả năng viết bài của mình, làm theo các hướng dẫn của họ, đầu tư cho bài viết thì bài viết của bạn sẽ được họ nhận, đồng nghĩa với việc bạn có thêm một phần thu nhập mỗi tháng.

Tuy có thể chưa nhiều như ước mơ của bạn là hàng ngàn đô la, nhưng vài trăm đô la mỗi tháng (đã khoảng chục triệu tiền Việt rồi) thì không hề khó. Đó còn chưa kể khi bạn gửi bài đi cho những website chuyên nghiệp nước ngoài, họ còn đọc, chỉnh sửa và cho bạn những góp ý rất tốt nữa. Bạn sẽ thấy càng kiên trì viết, kỹ năng tiếng Anh của bạn sẽ càng lên, và đây chính là nền tảng để bạn xây dựng một portfolio thật tốt cho việc tiếp cận các công ty lớn sau này.

Trong bài viết hôm nay, mình sẽ chia sẻ cho bạn những trang web mình biết là nhận bài viết tiếng Anh có trả phí. Đây đều là những trang web tin cậy nên bạn có thể yên tâm gửi bài cho họ. Việc mấu chốt chỉ là bạn viết bài đáp ứng yêu cầu của họ là họ sẽ nhận bài và trả phí cho bạn thôi. 😉

Guest post là gì?

Bạn nào đã học khoá học freelance Get Paid to Write của mình chắc đã biết guest post là gì rồi. Nhưng vì nhiều bạn mới có thể chưa biết nên mình sẽ giới thiệu qua một chút.

Guest post là việc đăng bài viết trên một blog của người khác hoặc website của một công ty. Về cơ bản bạn là một tác giả được đăng bài trên blog đó nhưng bạn không sở hữu trang web đó.

Có rất nhiều lý do vì sao guest post lại quan trọng, đặc biệt là đối với những người mới bước vào nghề freelancer hoặc đã có kinh nghiệm làm freelance nhưng muốn tìm thêm khách hàng mới.

Mình lấy ví dụ:

  • Đưa bài viết của bạn đến với nguồn độc giả mới và với lượng tiếp cận lớn hơn.
  • Dẫn link bài viết và kéo người đọc mới đến với website của bạn.
  • Xây dựng portfolio/làm đẹp kinh nghiệm làm việc, nhất là nếu bạn đã từng guest post cho các website, tạp chí nhiều người biết đến.
  • Tìm được các khách hàng mới. Ví dụ, nếu bạn đã có bài viết được đăng trên một tạp chí về tài chính, độc giả vào đọc và thấy tên bạn và website của bạn dưới bài viết, họ sẽ tìm đến bạn với đề nghị hợp tác nếu cảm thấy bạn là người có kinh nghiệm và phù hợp với họ.
  • Kiếm thêm thu nhập (dạng guest post có trả phí).
  • Rèn luyện khả năng viết tiếng Anh, tư duy, viết lách nói chung.
  • Nhiều website họ có cộng đồng riêng cho các guest writers. Khi bạn có bài viết được chấp nhận, họ sẽ mời bạn tham gia cộng đồng trực tuyến của họ để kết nối với những writer khác.

Các dạng guest post

Guest post sẽ có hai dạng chính đó là free guest post (bài viết không được trả phí) và paid guest post (bài viết có trả phí). Cả hai dạng này đều tốt, nhưng nó sẽ tuỳ thuộc vào mục đích và khả năng của bạn.

Nếu bạn mới bước vào nghề chưa có nhiều kinh nghiệm viết cho các công ty nước ngoài thì tìm kiếm những trang web nhận guest post miễn phí sẽ có lợi. Lúc này, bạn không tập trung vào việc kiếm tiền mà muốn xây dựng portfolio của mình trước.

Ngày xưa mình cũng đã từng làm thế này, nghĩa là chấp nhận dành hàng giờ viết bài miễn phí rồi đăng trên blog của người khác, không được trả phí gì. Nhưng cái gì đáng đầu tư cũng sẽ mang về lợi ích lớn. Khi có khách hàng đầu tiên email mình và muốn mình gửi họ vài bài mình viết đã được đăng, mình liền gửi ngay mấy bài guest post này và kết quả là họ rất ấn tượng.

Phải hiểu rằng tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ thứ hai của chúng ta. Và người nước ngoài họ làm việc theo chất lượng. Họ chẳng biết IELTS của bạn là gì và họ cũng không cần biết nó là gì. Cái họ quan tâm là khả năng viết của bạn tới đâu và đã được công nhận. Viết trên một website đuôi .vn thì sẽ rất khó thuyết phục họ. Nhưng nếu đã viết cho một website nước ngoài nào đó thì chứng tỏ tiếng Anh của bạn không hề đơn giản. Vậy nên, cứ mạnh dạn viết bài không được trả phí nhé.

Khi bạn đã có vài bài được đăng hoặc đã có kinh nghiệm freelance rồi, hãy từ từ chuyển sang tìm kiếm những website mà viết bài có trả phí.

Còn có một dạng nữa đó là guest post yêu cầu người viết phải trả tiền thì mới được đăng bài. Cái này bạn cẩn thận nha.

Nhiều website họ biết là các freelancer cần tìm cách xây dựng portfolio nên họ đưa ra một yêu cầu là bất cứ ai muốn guest post cũng phải trả tiền thì mới được đăng bài lên website của họ. Có nơi còn yêu cầu phải phải trả lên tới 500 đô cho một bài viết. Nếu dẫn link về website cá nhân của bạn thì phí còn cao hơn nữa.

Dạng này không phải là không chính thống. Nhưng mình thấy trả hàng trăm đô (vài triệu VNĐ) để được đăng một bài viết lên trang nước ngoài thì không đáng lắm. Có nhiều trang nhận bài miễn phí mà, nên không nhất thiết phải đầu tư tiền cho guest post.

Rồi, có lẽ bạn đã hiểu qua về guest post. Giờ chúng ta sẽ cùng tìm hiểu là những trang web nào bạn có thể guest post được trả phí nhé.

Các trang guest post trả phí lên tới 700 USD/bài

1. Funds for Writers

Website | Link đăng ký viết

Niche (ngách): Viết lách

Yêu cầu: Mỗi bài khoảng 550-650 từ. Chất lượng phải tốt. Bạn xem link đăng ký để biết thêm yêu cầu. Họ ghi rất rõ.

Phí: $75 cho một bài viết gốc, chưa đăng ở bất cứ nơi nào khác; $25 đô cho một bài viết đăng lại. Thanh toán qua PayPal hoặc Venmo.

2. Listverse

Website | Link đăng ký viết

Niche (ngách): Rất nhiều chủ đề để viết. Họ cực kỳ thích những thứ độc, lạ, gây sốc, bí ẩn, khám phá, khoa học. Bạn có thể viết chia sẻ về Việt Nam cũng được.

Yêu cầu: Bài viết dưới dạng list (ví dụ, top 5 facts you haven’t known about Vietnam).

Phí: 100 USD/bài. Thanh toán qua PayPal

3. Reader’s Digest

Website | Link đăng ký viết

Niche (ngách): Các câu chuyện, trải nghiệm cá nhân

Yêu cầu: Chia sẻ câu chuyện của bạn chỉ trong 100 từ.

Phí: 100 USD/bài viết

4. We Are Teachers

Website | Link đăng ký viết

Niche (ngách): Những câu chuyện truyền cảm hứng hoặc thú vị về việc dạy học.

Yêu cầu: Bài viết 500-700 từ.

Phí: 100 USD/bài.

5. International Living

Website | Link đăng ký viết

Niche (ngách): Du lịch

Yêu cầu: Bài viết về các chủ đề như kinh nghiệm du lịch, trải nghiệm du lịch, video, hình ảnh, gợi ý…

Phí: 100 USD cho mỗi bài viết 1,000 từ, 150 USD cho 1,500 từ.

6. Income Diary

Website | Link đăng ký viết

Niche (ngách): Online marketing, SEO, business, entrepreneurship

Yêu cầu: Bạn xem link đăng ký nhé, họ ghi rất chi tiết.

Phí: Lên tới 200 USD cho một bài viết chất lượng

7. Eater

Website | Link đăng ký viết

Yêu cầu: Chủ đề đa dạng, miễn liên quan đến ăn uống, du lịch.

Niche (ngách): Thực phẩm, đồ ăn

Phí: 0.07 USD – 0.76 USD/từ, nghĩa là nếu bài viết của bạn 1,000 từ thì bạn có thể được trả từ 70 USD cho tới 760 USD tuỳ chất lượng.

8. Wellbeing

Website | Link đăng ký viết

Niche (ngách): Sức khoẻ, du lịch, tinh thần

Yêu cầu: Xem link đăng ký viết nhé.

Phí: 150 AUD cho 1 bài viết trải nghiệm cá nhân 800-1,000 từ. Bài viết dài 2,000 từ sẽ được trả phí 600-700 AUD. Bài viết dạng báo cáo đặc biệt có phí 1,700 AUD.

9. Tutorialspoint

Website | Link đăng ký

Niche (ngách): Viết các hướng dẫn (tutorial) liên quan đến phần mềm, công nghệ.

Phí: 200-500 USD/tutorial, trả qua PayPal.

10. MealPrep

Website | Link đăng ký viết

Niche (ngách): Thực phẩm, dinh dưỡng, giảm câm, tăng cơ bắp, review sản phẩm, phỏng vấn, chữa trị vết thương

Phí: 50 USD cho 1 bài viết 500 từ.

Đây đều là các trang web hữu ích để rèn luyện viết tiếng Anh và kiếm thêm thu nhập thụ động. Tuy nhiên, để bài viết được chấp nhận và có thể viết với họ lâu dài, bạn cần chú ý các điểm sau:

  • Đọc kỹ các yêu cầu, guideline họ đã đưa ra để đảm bảo viết bài theo đúng chủ đề, định dạng, chất lượng họ muốn. Nếu bạn không làm cẩn thận khâu này thì khả năng cao sẽ không được duyệt.
  • Đảm bảo bạn đã tạo tài khoản PayPal và liên kết với tài khoản ngân hàng của mình để việc thanh toán được thuận lợi. PayPal là hình thức phổ biến nhất cho các freelancer quốc tế.
  • Tuyệt đối không đạo văn, không cẩu thả trong viết lách. Viết với niềm đam mê và học hỏi trước, tập trung vào chất lượng. Chỉ cần một bài viết đầu tiên được duyệt thì bạn sẽ có động lực lớn vô cùng cho những bài kế tiếp đấy 😉

Mình cũng đang cập nhật các nội dung mới cho khoá học Get Paid to Write với những nội dung mới về cách viết, cách tìm khách hàng, các website để viết… Hy vọng sẽ giúp ích được nhiều cho các bạn hơn nữa. Cùng cố gắng cho hành trình trở thành một freelancer toàn cầu nha.

Bạn có thấy bài viết này hữu ích không? Nếu có, hãy chia sẻ để chúng ta cùng có cơ hội học hỏi, luyện tiếng Anh và có thêm thu nhập thu động nhé. ❤️