Lượt tiếp xúc gần trên bluezone là gì

21.08.2020 09:41

Bluezone là ứng dụng đưa ra cảnh báo nếu bạn đã tiếp xúc gần người nhiễm Covid-19, do Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Y tế phát triển, đã được Thủ tướng Chính phủ kêu gọi người dân toàn quốc sử dụng, góp phần phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Bluezone hoạt động như thế nào?

Khi điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng Bluezone, trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, khi mọi người có tiếp xúc, ứng dụng trên điện thoại của họ sẽ tự “nói chuyện" với nhau. Nếu phát hiện có sự tiếp xúc gần [trong khoảng cách 2m], thiết bị sẽ tự ghi nhận vào nhật ký. Khi có một ca nhiễm bệnh Covid-19 [F0], dữ liệu của người nhiễm bệnh đó sẽ được cơ quan quản lý nhập lên hệ thống, từ đó chuyển xuống tất cả các thiết bị đang sử dụng. Ứng dụng Bluezone trên máy sẽ so sánh dữ liệu của F0 với lịch sử tiếp xúc được ghi nhận từ trước. Nếu phát hiện thiết bị đã từng tiếp xúc với F0 trong thời gian đủ lớn, hệ thống sẽ báo cho người sử dụng về nguy cơ có thể lây nhiễm bệnh [F1]. 

Khi cơ quan thẩm quyền nhận được dữ liệu của F1, họ sẽ tiếp tục nhập lên hệ thống để cảnh báo các F tiếp theo một cách nhanh chóng và chính xác. Ứng dụng chỉ lưu dữ liệu trên máy người dùng, tuyệt đối không đưa lên server. Chỉ khi người dùng bị xác định là F0 thì dữ liệu mới được nhập lên. Lúc đó, người dùng được báo là F1 sẽ tự đưa dữ liệu lên để bảo vệ cộng đồng. 

Người dân cài và sử dụng ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh.

Theo ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc công ty BKAV đơn vị thiết kế ứng dụng trên cho hay, ứng dụng này không thu thập vị trí. Bluezone chỉ ghi nhận 2 người có gặp nhau lúc nào đó và trong bao lâu, chứ không biết họ gặp nhau ở chỗ nào. Người dùng Bluezone cũng sẽ ẩn danh do sử dụng ID mà hệ thống tự sinh ra. Bên cạnh đó, nhà phát triển Bluezone cũng sẽ minh bạch bằng cách cung cấp bộ mã nguồn mở. Bluezone sử dụng công nghệ kết nối Bluetooth năng lượng thấp nên không tốn pin điện thoại, người dùng có thể yên tâm.

Cơ chế cảnh báo ca bệnh của Bluezone

Bà Lê Thu Hiền, Chánh văn phòng Cục tin học hóa, Bộ Thông tin và truyền thông cho biết, mỗi máy điện thoại cứ 15 phút sẽ sinh ra một mã ID khác nhau nhằm đảm bảo sự bảo mật, nghĩa là không ai có thể thông qua ID đó để biết được Bluezone đó là của ai trừ ID gốc đã được lưu ở máy chủ của người dùng, vì vậy cứ sau mỗi 15 phút máy sẽ ghi nhận một lượt tiếp xúc dù cho đó cùng là 1 người. Đây là lý do mặc dù chúng ta chỉ ở trong nhà với 1 người thân nhưng máy lại ghi nhận nhiều lần tiếp xúc. 

Ứng dụng cũng sẽ báo hai trạng thái là lượt tiếp xúc và tiếp xúc gần, theo đó lượt tiếp xúc được ghi nhận ở khoảng cách 10 mét và lượt tiếp xúc gần sẽ ghi nhận ở khoảng cách dưới 2 mét, tuy nhiên hiện nay ứng dụng đã được bỏ hai dòng trạng thái trên vì nhiều người không biết sẽ nghĩ rằng mình đã tiếp xúc với ca nhiễm Covid-19, hiện máy chỉ còn ghi nhận dòng trạng thái về những người cùng dùng ứng dụng Bluezone quanh bạn, và cảnh báo về các ca bệnh F0 nếu chúng ta có tiếp xúc gần.

 Cách thức hoạt động của ứng dụng Bluezone.

Trường hợp khi chúng ta đang dừng đèn đỏ có nhiều người, hay ở cạnh nhà hàng xóm có dùng Bluezone và sau đó họ được xác định nhiễm SASR-CoV-2 thì mặc dù chúng ta không có tiếp xúc gần nhưng hệ thống có ghi nhận chúng ta là F1 hay không. Theo bà Hiền, việc có tiếp xúc gần hay không và chúng ta có được xem là F1 hay không, ngoài việc căn cứ vào ứng dụng Bluezone thì chúng ta còn phải căn cứ vào việc điều ra dịch tễ, chúng ta cứ tưởng tượng rằng nếu 1 người nhiễm SASR-CoV-2 và không có ai sử dụng Bluezone cả thì có thể sẽ phải cách ly và điều tra số lượng lớn và trên diện rộng như trước đây chúng ta đã từng thực hiện. Nhưng khi đã có Bluezone rồi sẽ rất dễ khoanh vùng và chỉ phải điều tra dịch tễ những người nào mà Bluezone đã ghi nhận. Như vậy công việc của cơ quan y tế sẽ đỡ vất vả hơn, từ đó nhanh chóng xác định cách ly hạn chế sự lây lan bệnh. Bluezone sẽ ghi nhận cho mỗi lần tiếp xúc gần có nguy cơ ở khoảng cách dưới 2 mét và trong vòng 5 phút.

Theo các chuyên gia, ứng dụng sẽ hoạt động hiệu quả, kiểm soát, truy vết Covid-19 tối ưu nếu được cài đặt trên quy mô lớn, với lượng cài đặt ở mức khoảng 60% dân số trưởng thành, tương đương khoảng 45 triệu người. Hiện tại, Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh, TP.Hồ Chí Minh và Bắc Ninh là 5 địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ người dùng Bluezone. Đồng Nai hiện cũng đang nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có số người cài đặt ứng dụng Bluezone với gần 500 ngàn người sử dụng.

Hoàn Lê

Share with friends


Bài liên quan

Chủ Đề