Nguyên nhân của lạm phát cao

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã xác định 5 nguyên nhân chính của sự gia tăng lạm phát trên toàn thế giới hiện nay:

Thứ nhất, tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng do nhu cầu phục hồi nhanh chóng sau đại dịch;

Thứ hai, sự dịch chuyển nhu cầu từ dịch vụ sang hàng hóa: chi tiêu cho hàng hóa đã tăng đáng kể do đại dịch, và một phần hiệu ứng này có thể kéo dài do những thay đổi trong xã hội - ví dụ, sự thay đổi hình thức làm việc theo hướng làm việc từ xa;

Thứ ba, mở rộng tài khóa: khoảng 16,9 nghìn tỷ USD đã được phân bổ để chống lại đại dịch trên khắp thế giới (hầu hết trong số đó là ở các nền kinh tế phát triển);

Thứ tư, thiếu hụt lao động: sự tham gia của lực lượng lao động ở một số quốc gia vẫn còn dưới mức trước đại dịch. Ví dụ, ở Mỹ, là 1,5%, tương đương 4 triệu lao động;

Thứ năm, xung đột quân sự ở Ukraine dẫn đến những cú sốc về nguồn cung trên thị trường năng lượng và thực phẩm: Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu lớn tại các thị trường này.

Trong phần này chúng ta cùng tìm hiểu nguyên nhân của lạm phát :

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra lạm phát. Một số nguyên nhân chính có thể kể đến bao gồm:

1. Lạm phát do cầu kéo (Demand-pull inflation)

Lạm phát cầu kéo là lạm phát do tổng cầu (AD - Aggregate Demand) (hay còn gọi là tổn chi tiêu của xã hội) tăng lên, vượt quá mức cung ứng hàng hoá của xã hội, dẫn đến áp lực tăng giá cả. Tổng cầu phản ánh những nhu cầu có khả năng thanh toán của xã hội. Những nhu cầu này bao gồm nhu cầu về hàng hoá và dịch vụ của các hộ gia đình, của doanh nghiệp, chính phủ và nhu cầu hàng hoá xuất khẩu của thị trường nước ngoài. Có thể dùng mô hình dưới đây để minh hoạ áp lực tăng giá khi tổng cầu vượt quá tổng cung.

Biểu đồ 1: Lạm phát cầu kéo

 

Nguyên nhân của lạm phát cao

Nguồn: www.investorwords.com

Khi tổng cầu tăng từ AD0 lên đến AD1, mức giá sẽ tăng từ P0 đến P1. Giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng lên khiến tổng cung cũng tăng lên. Lạm phát cầu kéo xảy ra do một số nguyên nhân.

Nguyên nhân thứ nhất là mức chi tiêu của chính phủ tăng lên. Khi chi tiêu của chính phủ tăng lên, tổng cầu có thể trực tiếp tăng lên thông qua các khoản đầu tư vào cáo lĩnh vực thuộc phạm vi chính phủ quả lý hoặc có thể gián tiếp tăng lên thông qua các khoản chi phúc lợi xã hội, trợ cấp thất nghiệp tăng dẫn đến giá cả hàng hoá tăng lên. Trong trường hợp chính phủ chi tiêu quá mức thu ngân sách, phải huy động thêm từ các khoản vay ngân hàng Trung ương hoặc các ngân hàng nước ngoài thì rất dễ dẫn đến trường hợp lạm phát cao và kéo dài.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến lạm phát cầu kéo là chi tiêu của các hộ gia đình. Khi mức thu nhập tăng lên hoặc mức lãi suất giảm xuống, thúc đẩy tổng cầu tăng, gây áp lực đối với lạm phát. Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp tăng lên cũng là một trong những nguyên nhân gây lạm phát cầu kéo.

Một nguyên nhân khác có thể kể đến là chính sách tiền tệ mở rộng. Ngân hàng Trung ương tăng mức phát hành tiền đồng thời hệ thống các ngân hàng trung gian cũng nới lỏng các điều kiện cho vay với lãi suất ưu đãi. Điều này khiến chính phủ, các doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu chi tiêu nhiều hơn, dẫn đến giá cả tăng nhanh hơn.

Ngoài ra các yếu tố khác như biến động tỷ giá, giá cả hàng hoá nước ngoài so với hàng hoá cùng loại được sản xuất trong nước và thu nhập bình quân của thị trường nước ngoài cũng có ảnh hưởng lớn đến nhu cầu hàng hoá xuất khẩu, do đó ảnh hưởng đến tổng cầu cũng như giá cả nội địa.

2 Lạm phát do chi phí đẩy (Cost-push inflation)

Lạm phát chi phí đẩy có đặc điểm là áp lực làm tăng giá cả xuất phát từ sự tăng lên của chi phí sản xuất vượt quá mức tăng của năng suất lao động và làm giảm mức cung ứng hàng hoá của xã hội. Có thể biểu diễn lạm phát chi phí đẩy có thể được biểu diễn thông qua mô hình dưới đây:

Biều đồ 2: Lạm phát chi phí đẩy

Nguyên nhân của lạm phát cao
 

Nguồn: www.investorwords.com

Chi phí sản xuất tăng lên khiến giá cả hàng hoá và dịch vụ tăng từ P0 lên P1, dẫn đến cung hàng hoá giảm từ AS0 đến AS1. Chi phí sản xuất có thể tăng lên do một số nguyên nhân như:

Mức tăng tiền lương vượt quá mức tăng của năng suất lao động. Tiền lương tăng có thể do thị trường lao động khan hiếm, do yêu cầu đòi tăng lương của người lao động hay mức lạm phát dự tính tăng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp muốn bảo toàn mức lợi nhuận ròng của mình sẽ tăng giá cả hàng hoá và dịch vụ.

Một nguyên nhân khác đó là giá nội địa của hàng nhập khẩu tăng do áp lực lạm phát của nước xuất khẩu hoặc do giá trị nội tệ giảm so với ngoại tệ hoặc do khủng hoảng kinh tế v.v…

Các nguyên nhân nêu trên tác động trực tiếp vào mức lương thực tế của lao động hoặc tác động vào chi phí ngoài lương làm tăng chi phí sản xuất, đẩy mức giá bình quân tăng lên, dẫn đến lạm phát.

3. Lạm phát do cầu thay đổi

Trong trường hợp lượng cầu về một mặt hàng giảm đi trong khi lượng cầu về một mặt hàng khác tăng lên, nếu thị trường có nhà cung cấp độc quyền và giá cả trên thị trường mang tính chất cứng nhắc (chỉ tăng mà không giảm), thì mặt hàng mà lượng cầu giảm sẽ vẫn giữ nguyên giá. Trong khi đó, mặt hàng mà lượng cầu tăng sẽ tăng giá, dẫn đến mức giá chung trên thị trường tăng lên, gây nên lạm phát.

4. Lạm phát do cơ cấu

Khi các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả trên thị trường, mức lợi nhuận của các doanh nghiệp do đó cũng tăng lên. Nhờ đó mà tiền công danh nghĩa của người lao động cũng được tăng lên. Ngược lại, khi các doanh nghiệp không làm ăn hiệu quả và không đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng, doanh nghiệp không thể tăng tiền công danh nghĩa cho người lao động. Lạm phát do cơ cấu xảy ra khi các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả nhưng để đảm bảo mức lợi nhuận kỳ vọng, các doanh nghiệp buộc phải tăng giá thành sản phẩm. Điều này gây áp lực cho nền kinh tế, do đó, dẫn đến lạm phát.

5. Lạm phát do xuất khẩu

Xuất khẩu tăng khiến lượng sản phẩm huy động phục vụ cho hoạt động xuất khẩu tăng, đồng thời lượng cung sản phẩm cho thị trường trong nước giảm, dẫn đến tổng cung thấp hơn tổng cầu. Sự mất cân bằng giữa tổng cung và tổng cầu là một trong những nguyên nhân gây nên lạm phát.

6. Lạm phát do nhập khẩu

Khi mức giá nhập khẩu các hàng hoá dịch vụ tăng lên (do nhu cầu trong nước tăng hoặc nhà cung cấp nước ngoài tăng giá hay đồng nội tệ xuống giá so với ngoại tệ), giá thành tiêu thụ sản phẩm nhập khẩu trong nước theo đó cũng tăng lên. Điều này khiến mức giá chung các sản phẩm, dịch vụ trong nước khác cũng bị áp lực tăng giá, dẫn đến lạm phát.

7. Lạm phát do Ngân hàng trung ương muốn giữ ổn định giá trị đồng nội tệ.

Trong trường hợp Ngân hàng Trung ương cung nội tệ ra thị trường để mua ngoại tệ vào nhằm giữ cho đồng nội tệ khỏi mất giá so với ngoại tệ sẽ khiến lượng tiền nội tệ lưu thông trên thị trường tăng lên cũng là một nguyên nhân gây ra lạm phát cho nền  kinh tế.