Nội dung tự học tự bồi dưỡng của giáo viên tiểu học

Bồi dưỡng giáo viên - nhân tố bảo đảm thành công của Chương trình mới

Ngày cập nhật : 28/07/2021

Dù là phương pháp truyền thống hay đổi mới, việc hiểu sâu kiến thức, nắm chắc kỹ năng của đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp luôn nắm giữ vai trò chủ đạo, quyết định thành bại của quá trình dạy học.

Ảnh minh hoạ. [Nguồn: ITN]

Bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu mới

Chương trình và sách giáo khoa mới cũng đặt ra yêu cầu và đòi hỏi mới đối với các giáo viên và cả đội ngũ cán bộ quản lý. Theo các khách mời tham gia Giao lưu trực tuyến trên Báo Giáo dục và Thời đại về vấn đề bồi dưỡng giáo viên [GV] chuẩn bị cho triển khai Chương trình và sách giáo khoa mới với lớp 2 và lớp 6: Để thực hiện tốt nhiệm vụ, các giáo viên trực tiếp đứng lớp cần được bồi dưỡng, nắm chắc, hiểu sâu về nội dung chương trình, làm chủ các kỹ năng dạy học để truyền đạt kiến thức cho học trò một cách hiệu quả nhất.

Theo cô Trần Thị Thu Hà, giáo viên Trường Tiểu học Ngô Quyền, TP Kon Tum, tỉnh  Kon Tum: Để giảng dạy chương trình mới một cách hiệu quả nhất, theo tôi mỗi GV cần phải chú trọng trau dồi năng lực cũng như kỹ năng sư phạm để phù hợp với từng môn học. Dù chương trình mới hay cũ thì vẫn đồi hỏi GV phải thường xuyên được bồi dưỡng và rèn luyện.

Đối với chương trình mới, GV cần chú trọng thêm về năng lực ứng dụng CNTT, kỹ năng tổ chức các hoạt động học cho HS. Qua đó, triển khai các tiết học nhẹ nhàng nhưng phát huy được năng lực, phẩm chất của tất cả học sinh trong lớp.

Ngoài ra, GV cũng cần trau dồi thêm năng lực giao tiếp, tuyên truyền, vận động, đánh giá trong giáo dục. Đồng thời, không ngừng rèn luyện đạo đức để hoàn thiện lối sống, nhân cách của bản thân. Bên cạnh đó, sống có tấm lòng nhân ái, làm việc có trách nhiệm với danh dự nghề nghiệp để mỗi GV là tấm gương cho học sinh noi theo.

“Theo tôi, hành trang cơ bản của mỗi giáo viên lớp 2, lớp 6 khi bước vào năm học mới là nắm bắt tốt chương trình, sách giáo khoa mới. Bên cạnh đó, thực hiện đúng quan điểm đánh giá, chuẩn bị các đồ dùng và phương tiện dạy học cần thiết. Quan trọng hơn cả là tâm thế sẵn sàng, đi đôi với lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao” – cô Hà cho hay.

Ở góc độ nhà quản lý tại cơ sở, thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình cho rằng: Cần tạo điều kiện để ghi nhận thành tích của thầy cô, lắng nghe và sử dụng những ý kiến đóng góp, xây dựng một môi trường làm việc đầy cảm hứng.

Đồng thời, khích lệ sự đóng góp của thầy cô vào công việc phục vụ nhà trường, phục vụ cộng đồng. Tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ về tài chính để các thầy cô tham gia học tập, bồi dưỡng; Xây dựng môi trường làm việc hợp tác, thân thiện. Tham mưu với các cấp lãnh đạo tăng cường cơ sở vật chất, huy động xã hội hóa... Cái chính là, bằng nội lực của mình, đội ngũ cán bộ giáo viên phải sáng tạo, vượt khó, chủ động vươn lên, từng bước khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Ảnh minh hoạ. [Nguồn: ITN]

Giáo viên tự bồi dưỡng - tự nâng hạng

Chia sẻ tại Chương trình giao lưu, ông Đỗ Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai, tỉnh Lào Cai cho biết: Sau thời gian thực hiện bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trực tiếp triển khai Chương trình, SGK mới, Sở GD&ĐT tiếp tục yêu cầu đội ngũ thực hiện: Tăng cường tự học, tự nghiên cứu để có hiểu biết sâu sắc về chương trình, sách giáo khoa GDPT 2018.

Tích cực đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh: Tổ chức giờ học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm; chú trọng rèn khả năng tự học, tìm tòi sáng tạo của học sinh… Tích cực trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp để cùng hiểu rõ, tháo gỡ các vấn đề khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, thực hiện nghiêm các yêu cầu để nâng cao hiệu quả của các đợt tập huấn.

Cụ thể tại trường THCS, thầy Nguyễn Tiến Dũng cho hay: Việc bồi dưỡng này nhà trường yêu cầu giáo viên thực hiện nghiêm túc và có quy định rõ ràng, có phân công thực hiện, đôn đốc kiểm tra và cập nhật báo cáo kịp thời.

Khẳng định, không có nỗ lực của thầy cô, chương trình, sách giáo khoa mới khó thành công, bên cạnh khích lệ, khuyến khích các thầy cô tự học tự bồi dưỡng, nhà trường nâng cao năng lực giảng dạy, truyền thụ kiến thức cho học sinh thông qua việc thực hiện chuyên đề trực tuyến hoặc trực tiếp.

Trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, việc tự đào tạo, bồi dưỡng quả là gặp rất nhiều thuận lợi. Chỉ cần các thầy cô nỗ lực, nghiêm khắc với bản thân và có phương pháp học tập thì việc nâng cao năng lực của bản thân không phải là việc quá khó. Có rất nhiều tấm gương về dạy giỏi; có rất nhiều cách làm hay, sáng tạo mà thầy cô ở nơi này, nơi khác đã áp dụng và mang lại kết quả đáng ghi nhận.

Nhà trường cũng tạo điều kiện để ghi nhận thành tích của thầy cô; lắng nghe và sử dụng những ý kiến đóng góp, xây dựng một môi trường làm việc đầy cảm hứng, khích lệ sự đóng góp của thầy cô vào công việc phục vụ nhà trường, phục vụ cộng đồng.

“Về công tác bồi dưỡng giáo viên, kinh nghiệm của Lào Cai là: Khuyến khích, tạo động lực cho CBQL, GV thực hiện tốt công tác tự bồi dưỡng; Trong tình hình dịch bệnh phức tạp các hoạt động bồi dưỡng trực tiếp bị hạn chế, hoạt động tự bồi dưỡng của giáo viên sẽ đóng vai trò quan trọng vào kết quả bồi dưỡng. Đề cao công tác giám sát triển khai thực tế của các hiệu trưởng nhà trường.

Mặt khác, cần chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức tốt tập huấn triển khai CT, SGK. Nội dung tập huấn được tổ cốt cán nghiên cứu, góp ý thống nhất trước khi tổ chức thực hiện, quan trọng là phải đánh giá được hiệu quả của từng giáo viên tham gia, xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn lại đối với giáo viên chưa đạt yêu cầu.

Cùng đó, đổi mới, tổ chức tốt sinh hoạt chuyên môn, tăng cường sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học. Chú trọng tổ chức tốt sinh hoạt chuyên môn cấp cụm, huyện để giáo viên được trao đổi, thảo luận và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc” - Ông Đỗ Minh Tâm.

Theo GD&TĐ

Ngày cập nhật : 16/03/2021

Tự học, tự bồi dưỡng không ngừng là sứ mệnh của nhà giáo, bởi chỉ có cập nhật kiến thức thường xuyên liên tục mới giúp giáo viên có kho kiến thức dồi dào, truyền cảm hứng và dẫn dắt học sinh sáng tạo.

Tự bồi dưỡng – nhu cầu tự thân của giáo viên. [Ảnh ETEP]

Tự bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu mới

Đối với mọi ngành nghề, người lao động luôn cần có ý thức trau dồi và học hỏi cái hay, cái mới để hoàn thiện và phát triển. Với đặc thù của nghề giáo, mỗi người thầy cũng cần xác định, năng lực tự học của giáo viên là điều kiện quan trọng hàng đầu bảo đảm chất lượng dạy và học. Một nhà giáo có tinh thần tự học sẽ là tấm gương sáng, truyền cảm hứng và phát huy tiềm năng sáng tạo của học sinh.

Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thuỵ Diễm Quyên,  người có kinh nghiệm tập huấn cho giáo viên khắp mọi miền đất nước, chia sẻ rằng: Tôi nhận thấy giáo viên ta còn nhiều kiến thức và kỹ năng cần bồi dưỡng. Kể cả những giáo viên mới ra trường thì vẫn tồn tại tình trạng thiếu cập nhật về kiến thức và phương pháp. Đặc biệt là kỹ năng vận dụng các hiệu ứng tâm lý vào việc giáo dục học sinh. Các kỹ thuật dạy học thì chỉ chủ yếu về lý thuyết và sử dụng thì chưa hiệu quả.

“Giáo viên cần có khả năng tự học, tự bồi dưỡng và ý thức học tập suốt đời để cập nhật các kiến thức, phương pháp hiện đại vào giảng dạy. Chỉ khi giáo viên có động lực và năng lượng tốt mới truyền cảm hứng tích cực tới các học sinh và khiến quá trình học tập trở nên hứng thú, nhẹ nhàng, không bị áp lực. Việc tự bồi dưỡng và phát triển nghiệp vụ của nhà giáo quan trọng và hiệu quả hơn thụ động chờ được đào tạo bồi dưỡng.”, chuyên gia Tô Thuỵ Diễm Quyên nhấn mạnh.

Như vậy, để đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới, đòi hỏi giáo viên phải nắm vững kiến thức kỹ năng môn học, nắm vững phương pháp dạy học, dạy học phân hóa, dạy học tích hợp. Người giáo viên cũng phải đảm nhận nhiều chức năng hơn, trách nhiệm lựa chọn nội dung giáo dục nặng nề hơn. Bởi vậy, những kiến thức đã được đào tạo từ trường sư phạm chỉ là bước đệm và giáo viên cần tích luỹ, bồi đắp kiến thức mỗi ngày mới có thể đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Tự bồi dưỡng – nhu cầu tự thân của giáo viên. [Ảnh ETEP]

Tự bồi dưỡng để tự thăng hạng

Là giáo viên đang được thụ hưởng chương trình bồi dưỡng của Chương trình ETEP, thầy Phạm Văn Nam [dân tộc Mường], trường THCS Hạ Trung, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: Cá nhân tôi luôn xác định phải tự học mỗi ngày. Hoạt động tự học bao gồm việc tự học, đọc tài liệu, học hỏi kinh nghiệm, phương pháp của đồng nghiệp để bổ sung kiến thức cho mình. Làm nghề giáo nói chung, nếu không có sự say mê trải nghiệm với tri thức thì không thể làm tốt vai trò của mình được.

Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, giáo viên khắp nơi có thể dễ dàng kết nối và chia sẻ kinh nghiệm. Đặc biệt, giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trong cả nước đang được tham gia vào mô hình bồi dưỡng mới do Bộ GD&ĐT triển khai thuộc Chương trình ETEP với phương thức vừa trực tiếp, vừa trực tuyến. Tài liệu cho học trực tuyến khá đầy đủ. Những đợt tập huấn trực tiếp đã giúp giáo viên có thêm cơ hội tương tác với các chuyên gia để tháo gỡ vướng mắc ngay một cách cặn kẽ và hiệu quả nhất.

Tôi rất tâm đắc với bộ tài liệu tập huấn các mô đun nhằm thực hiện Chương trình GDPT mới. Các phương pháp chủ yếu là giảng giải, đàm thoại, dạy học hợp tác, làm việc nhóm, phương pháp giải quyết vấn đề, trò chơi. Trong đó, hiệu quả nhất là làm việc nhóm và phương pháp giải quyết vấn đề. Cùng với đó, các thầy cô giảng viên sư phạm am hiểu môn học, am hiểu Chương trình GDPT 2018 và am hiểu thực tiễn nhà trường,… đã tạo cho học viên không khí gần gũi, cởi mở và sẵn sàng nêu khúc mắc để được hướng dẫn.

Cô Lương Thị Vân, dân tộc Tày, giáo viên Trường THCS Vô Ngại, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh nhận xét: “Nội dung tài liệu các mô đun bồi dưỡng trực tuyến phù hợp với đổi mới giáo dục phổ thông và  yêu cầu công việc cũng như nhu cầu phát triển năng lực, đóng góp hiệu quả vào việc nâng cao kết quả học tập của học sinh”.

Thầy Trần Vũ Định – môn KHTN [Hóa học], trường THCS Đắk Bu’k So – huyện Tuy Đức – Đắk Nông, người có 7 năm công tác và 2 năm là giáo viên cốt cán cho rằng, mỗi giáo viên cần không ngừng tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn.

Theo thầy Trần Vũ Định: “Hiện, vấn đề tự học, tự nâng cao kiến thức trong đội ngũ giáo viên đã và đang được sự quan tâm, thúc đẩy, tạo điều kiện từ các nhà trường. Bên cạnh đó, nhận thức đúng đắn của mỗi giáo viên xung quanh vấn đề tự học tự nâng cấp tri thức cho bản cũng được cải thiện rõ rệt.

Chúng tôi coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và tất yếu phải phải thực hiện việc tự bồi dưỡng cho bản thân. Bởi chúng tôi hiểu rằng, với những tri thức khoa học và phương pháp sư phạm được đào tạo trên ghế nhà trường thì không thể thỏa mãn và đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới thường xuyên trong giáo dục. Hơn thế, những yêu cầu của xã hội đặt ra cho giáo dục và đào tạo ngày càng lớn thì người giáo viên không thể chỉ đào tạo một lần là thỏa mãn mà phải thường xuyên nâng cao, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.”.

“Điểm ưu việt của mô hình bồi dưỡng giáo viên hiện nay do Bộ GD&ĐT triển khai theo Chương trình ETEP là kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Mỗi giáo viên có thể tự bồi dưỡng tại quá trình làm việc, bồi dưỡng theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Khi tự bồi dưỡng, thầy cô giáo được tiếp cận tài liệu gốc trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến LMS. Bên cạnh đó, giáo viên được đội ngũ cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt hỗ trợ thường xuyên, liên tục tại nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Hoạt động bồi dưỡng làm thay đổi nhận thức và thúc đẩy hoạt động tự bồi dưỡng thường xuyên của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý về phát triển nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT mới, đáp ứng chuẩn và đổi mới GD theo quy định của Bộ GD&ĐT.”- Chuyên gia GD toàn cầu Tô Thuỵ Diễm Quyên.

Theo Bảo Minh [GD&TĐ]

Video liên quan

Chủ Đề