Stb là cổ phiếu gì

Được ví như “công chúa ngủ trong rừng”, cổ phiếu STB được các chuyên gia ưu ái đặt trong top 7 cổ phiếu ngân hàng đáng để các nhà đầu tư “chọn mặt gửi tiền”, cùng với VCB (Vietcombank), TCB (Techcombank), VPB (VPBank), MBB (MBBank, TPB (TPBank), LPB (Lienvietpostbank).

Bắt đầu thu hút sự chú ý

Ngay từ những phiên giao dịch đầu năm 2022, cổ phiếu STB liên tục gây chú ý khi ghi nhận thanh khoản liên tiếp duy trì ở ở mức cao, dẫn đầu thanh khoản trong nhóm cổ phiếu ngân hàng những tháng trở lại đây.

Stb là cổ phiếu gì

Từ đầu năm 2022 đến nay, cổ phiếu STB liên tục gây chú ý với các nhà đầu tư. Ảnh: Int

Cùng với đó, giá cổ phiếu STB cũng diễn biến tích cực. Chốt phiên ngày 11/3, cổ phiếu STB giao dịch ở mức 32.050 đồng/cp (+1,6%). So với cuối năm 2021, thị giá STB đã tăng hơn 11% và lọt Top 3 cổ phiếu có tỷ suất sinh lời cao nhất ngành ngân hàng chỉ sau NVB và BID.

Tuy nhiên, so với mức đỉnh lập được cách đây 1 tháng (35.900 đồng/cp), giá cổ phiếu STB đã giảm khoảng 12%. Không chỉ vậy, trong thời gian qua, STB cũng là một trong những cổ phiếu được khối ngoại mua vào nhiều nhất.

Đáng chú ý, mới đây, nhóm quỹ ngoại Dragon Capital đã có động thái mua vào 1,25 triệu cổ phiếu STB thông qua quỹ thành viên Vietnam Enterprise Investments Limited, nâng tổng số lượng nắm giữ từ hơn 93,9 triệu đơn vị lên hơn 95,2 triệu đơn vị, nâng tỷ lệ sở hữu tại Sacombank lên 5,05% và chính thức trở thành cổ đông lớn của ngân hàng này từ ngày 10/3.

Trong các quỹ thành viên của Dragon Capital, Norges Bank là đơn vị nắm giữ nhiều cổ phiếu STB nhất, với số lượng gần 18 triệu đơn vị. Tiếp theo là Amersham Industries Limited (15,9 triệu cp) và Vietnam Enterprise Investments Limited (15,7 triệu cp).

Được biết, hiện nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hơn 360 triệu cổ phiếu STB, tương đương 19,12% cổ phần ngân hàng. Ngân hàng chốt room ngoại ở mức tối đa 30%.

Cổ phiếu STB được cho là "thức giấc” trong bối cảnh nhiều thông tin tích cực về hoạt động kinh doanh của Sacombank được công bố.

Theo bà Nguyễn Hằng Nga - Phó Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Vietcombank, theo kế hoạch, Sacombank sẽ hoàn thành việc xử lý nợ xấu trong năm 2023 nhưng giới đầu tư kỳ vọng quá trình này có thể hoàn thành vào năm nay.

“Sacombank là một ''cô gái xinh đẹp'' nhưng sở hữu một số vấn đề trong quá khứ và khi hiện tại đã xử lý gần xong những ''vết sẹo'', cổ phiếu này bắt đầu thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư”, bà Nga nhận xét.

Rủi ro vẫn tồn tại

Trong quá khứ, Sacombank từng là một trong những ngân hàng vững mạnh, thậm chí là đi tiên phong trong khối ngân hàng tư nhân. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam, vấn đề nợ xấu lại là trọng tâm của Sacombank khi tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2015 và 2016 lần lượt là 5,8% và 6,68%.

Thời điểm năm 2018, tổng dư nợ xấu và tài sản tồn đọng lên gần 96.579 tỷ đồng. Hầu hết các khoản này đến từ Ngân hàng Phương Nam, có tính chất phức tạp cao và mang tính hệ thống.

Nhờ đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu Sacombank, đến nay nhà băng này đã xử lý được lượng lớn nợ xấu tồn đọng sau sáp nhập Southern Bank.

Stb là cổ phiếu gì

Kết quả kinh doanh năm 2021 của Sacombank. 

Kết quả luỹ kế từ năm 2017 đến nay, Sacombank đã xử lý/thu hồi gần 71.500 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng; trong đó có 58.171 tỷ đồng thuộc Đề án. Tỷ lệ tài sản tồn đọng giảm xuống dưới mức 10,5% trên tổng dư nợ cho vay. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu đầu năm 2017 kéo giảm từ 6,68% tổng nợ theo Thông tư 02/2012/TT-NHNN xuống còn 1,35%.

Nợ xấu nội bảng năm 2017 hơn 9.400 tỷ thì đến năm 2021 đã giảm gần một nửa xuống còn hơn 5.000 tỷ đồng.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực trong việc xử lý nợ xấu, một yếu tố khác giúp Sacombank thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư là kế hoạch chào bán 32,5% cổ phần.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC cho biết, đang trình Chính phủ, Ngân hàng nhà nước và dự kiến đầu năm nay sẽ có trả lời chính thức về hướng xử lý khoản nợ xấu liên quan đến ông Trầm Bê được đảm bảo bởi 32,5% cổ phần Sacombank.

Trong khi đó, Chủ tịch Dương Công Minh cũng thông tin, ngân hàng đang xin cơ chế mua lại khoản nợ xấu tại VAMC rồi bán đấu giá lượng cổ phần nêu trên cho hai đối tác nước ngoài. Giá đấu sẽ rơi vào khoảng 33.000 - 34.000 đồng/cp để thu đủ vốn, lãi, lãi phạt. Số cổ phiếu chiếm 32% vốn tại VAMC phải giải quyết trong năm 2022.

Theo Chứng khoán MB, việc xử lý được khối tài sản này sẽ có tác động tích cực lên giá cổ phiếu của ngân hàng trên thị trường. Ngoài ra, việc tất toán toàn bộ khoản trái phiếu này cũng giúp Sacombank giảm được các áp lực trích lập dự phòng đồng thời sẽ có nhiều cơ sở để nhận được hạn mức tín dụng cao hơn trong tương lai.

Trong khi đó, SSI Research đánh giá, nếu việc bán cổ phiếu Sacombank cầm cố tại VAMC thành công sẽ giúp Sacombank xử lý được một lượng đáng kể tài sản có vấn đề và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. Gần đây, ngân hàng cũng đã ký kết nâng tầm hợp đồng với Dai-ichi Life và bán KCN Sóng Thần. Số tiền thu được từ những thương vụ này cũng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xử lý tài sản có vấn đề của ngân hàng.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, mỗi năm Sacombank trích dự phòng và thoái thu lãi khoảng 4.800 - 5.800 tỷ đồng, do đó, lãi trước thuế của ngân hàng được kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh từ 2023 khi không còn những gánh nặng về chi phí như vậy.

Đồng quan điểm, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng kỳ vọng toàn bộ lãi dự thu tồn đọng sẽ được Sacombank xử lý vào năm 2022. Đồng thời, toàn bộ số dư VAMC sẽ được xử lý và trích lập dự phòng trong năm nay.

Ngoài ra, VCSC cũng cho rằng, với kế hoạch trên, Sacombank là ứng cử viên rõ ràng nhất cho cam kết nới room ngoại lên 49% vì số cổ phần chào bán này vượt quá mức tối đa 30% hiện đang áp dụng cho các ngân hàng.

Tuy nhiên “rủi ro mà Sacombank phải đối mặt trong thời gian tới là nợ xấu cao hơn và quá trình xử lý tài sản tồn đọng chậm hơn dự kiến”, VCSC lưu ý.

Hải Giang