Tại sao kiểm toán viên phải độc lập với Giám đốc của công ty mà họ đang kiểm toán

Kiểm toán và kiểm toán viên là một trong các khái niệm không còn quá xa lạ trong giai đoạn đất nước ta đang phát triển nền kinh tế thị trường như hiện nay. Tuy nhiên để trở thành kiểm toán viên thì cá nhân cần phải đáp ứng các yêu cầu của pháp luật để trở thành  kiểm toán viên. Nhưng không phải kiểm toán viên hành nghề nào cũng được thực hiện kiểm toán tất cả các trường hợp. Vậy các trường hợp kiểm toán viên hành nghề không được thực hiện kiểm toán là gì? Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp đầy đủ nội dung về vấn đề này.

Tại sao kiểm toán viên phải độc lập với Giám đốc của công ty mà họ đang kiểm toán

Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568

Cơ sở pháp lý:

– Luật kiểm toán độc lập 2011

1. Kiểm toán là gì?

Kiểm toán dưới góc độ pháp lý được hiểu là quá trình thu thập thông tin, dữ liệu & đánh giá các bằng chứng có liên quan đến những thông tin tài chính của một tổ chức và doanh nghiệp nào đó được kiểm tra qua bộ phận kế toán. Từ đó đưa ra quyết định về độ trung thực cũng như mức độ phù hợp giữa các thông tin với những chuẩn mực đạo đức đã được đưa ra từ trước đó.

Thực hiện kiểm toán sẽ giúp cho các cá nhân và tổ chức không có nghiệp vụ về tài chính, kế toán nắm rõ về tình hình của doanh nghiệp. Qua người thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, các doanh nghiệp có thể đưa ra được hướng đi, chiến lược cùng các quyết định đúng đắn nhất.

2. Kiểm toán viên là gì?

Kiểm toán viên là người được cấp chứng chỉ để thực hiện các công việc liên quan đến quá trình kiểm toán. Hiểu đơn giản thì chính là người thực hiện trách nhiệm kiểm toán đã nêu phía trên.

Sau khi thực hiện, kiểm toán viên sẽ lập ra một báo cáo độc lập qua đánh giá từ quá trình thu thập thông tin dữ liệu của mình cũng như xem các tài khoản của công ty có thể hiện đúng với tình hình hoạt động của công ty hay không. Người thực hiện nhiệm vụ kiểm toán phải được cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.

Kiểm toán viên theo như quy định của luật kiểm toán thì được phân ra thành 3 loại khác nhau sau đây:

Xem thêm: Kiểm toán viên là gì? Các tiêu chuẩn để làm kiểm toán viên?

– Kiểm toán nhà nước: Loại này do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành theo quy định của Pháp Luật và không tính phí. Thường các doanh nghiệp được kiểm toán là các doanh nghiệp trực thuộc nhà nước.

– Kiểm toán độc lập: Nhiệm vụ kiểm toán được thực hiện bởi kiểm toán viên của các công ty độc lập & chuyên về dịch vụ kiểm toán. Những công ty này chuyên thực hiện nhiệm vụ kiểm toán đối với báo cáo tài chính hoặc kèm thêm các dịch vụ khác theo yêu cầu của khách hàng. Kiểm toán độc lập được sử dụng nhiều nhất trên thị trường hiện nay.

– Kiểm toán nội bộ: Đây là việc các công ty tự thực hiện việc kiểm toán theo yêu cầu của các thành viên trong Ban Hội Đồng Quản Trị hay Ban Lãnh Đạo, Ban Giám Đốc… Báo cáo này chỉ sử dụng mang tính chất nội bộ & không được tin tưởng như với loại kiểm toán độc lập.

2.1. Các công việc của kiểm toán viên

Đối với kiểm toán, người thực hiện trách nhiệm này sẽ phải tiến hành các công việc sau:

– Thực hiện xác minh độ trung thực cũng như tính pháp lý của các báo cáo về tài chính.

– Đánh giá số liệu, thông tin sau đó đưa ra ý kiến về mức độ trung thực hay mức độ hợp lý về những thông tin tài chính – kế toán của doanh nghiệp.

– Tiến hành tư vấn cho các nhà quản lý doanh nghiệp qua những đánh giá, sai sót hoặc điểm mạnh, điểm yếu. Đồng thời có thể gợi mở ra những hướng đi mới để giúp doanh nghiệp có thể hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn.

2.2. Nghĩa vụ của kiểm toán viên

Nếu đã trở thành kiểm toán viên và thực hiện các công việc kiểm toán, cần đảm bảo chấp hành đầy đủ nghĩa vụ được quy định tại Điều 17 Luật Kiểm toán độc lập 2011:

Xem thêm: Kiểm toán là gì? Quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập?

– Tuân thủ nguyên tắc hoạt động kiểm toán độc lập;

– Không can thiệp vào hoạt động của khách hàng, đơn vị được kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán;

– Từ chối thực hiện kiểm toán cho khách hàng, đơn vị được kiểm toán nếu xét thấy không bảo đảm tính độc lập, không đủ năng lực chuyên môn, không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;

– Từ chối thực hiện kiểm toán trong trường hợp khách hàng, đơn vị được kiểm toán có yêu cầu trái với đạo đức nghề nghiệp, yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc trái với quy định của pháp luật;

– Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức hàng năm;

– Thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp;

– Thực hiện kiểm toán, soát xét hồ sơ kiểm toán hoặc ký báo cáo kiểm toán và chịu trách nhiệm về báo cáo kiểm toán và hoạt động kiểm toán của mình;

– Báo cáo định kỳ, đột xuất về hoạt động kiểm toán của mình theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

Xem thêm: Kiểm toán là gì? Bản chất, chức năng, ý nghĩa và tác dụng của kiểm toán?

– Tuân thủ quy định của Luật này và pháp luật của nước sở tại trong trường hợp hành nghề kiểm toán ở nước ngoài;

– Chấp hành yêu cầu về kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán theo quy định của Bộ Tài chính;

2.3. Tiêu chuẩn của kiểm toán viên:

Đối với kiểm toán viên, nếu như muốn thực hiện nghề này thì cần phải đảm bảo những tiêu chuẩn được quy định tại Điều 14 Luật Kiểm toán độc lập 2011 như sau:

Kiểm toán viên phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan; có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính; có Chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Bộ Tài chính.

Đối với người có chứng chỉ của nước ngoài được Bộ Tài chính công nhận, đạt kỳ thi sát hạch bằng tiếng Việt về pháp luật Việt Nam và có đủ các tiêu chuẩn quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này thì được công nhận là kiểm toán viên.”

2.4. Quy định đăng ký hành nghề kiểm toán

Theo Điều 15 Luật Kiểm toán độc lập 2011, người có đủ các điều kiện sau đây được đăng ký hành nghề kiểm toán:

Một là, người được đăng ký hành nghề kiểm toán là kiểm toán viên.

Hai là, người được đăng ký hành nghề kiểm toán có thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ ba mươi sáu tháng trở lên.

Xem thêm: Quy định về việc thuê đơn vị kiểm toán

Ba là, người được đăng ký hành nghề kiểm toán phải tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức.

bốn là, Người có đủ các điều kiện theo quy định trên thực hiện đăng ký hành nghề kiểm toán và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo quy định của Bộ Tài chính.

Theo như quy định của Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán chỉ có giá trị khi người được cấp có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian cho một doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.

Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày Luật kiểm toán độc lập có hiệu lực, người đã được cấp chứng chỉ kiểm toán viên trước ngày Luật kiểm toán độc lập có hiệu lực được đăng ký hành nghề kiểm toán theo quy định của Luật kiểm toán độc lập mà không cần bảo đảm điều kiện về thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ ba mươi sáu tháng trở lên.

2.5. Những người không được đăng ký hành nghề kiểm toán

Theo như quy định tại Điều 16 Luật kiểm toán độc lập 2011 thì những người không được đăng ký hành nghề kiểm toán bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức và những người đang bị cấm hành nghề kiểm toán theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án một trong các tội về kinh tế, chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở chữa bệnh, đưa vào cơ sở giáo dục; người có tiền án về tội kinh tế từ nghiêm trọng trở lên; người có hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán, kiểm toán và quản lý kinh tế bị xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn một năm, kể từ ngày có quyết định xử phạt; và những người bị đình chỉ hành nghề kiểm toán.

3. Các trường hợp kiểm toán viên hành nghề không được thực hiện kiểm toán

Theo quy định tại Điều 19 của Luật kiểm toán độc lập 2011 những trường hợp kiểm toán viên hành nghề không được thực hiện kiểm toán bao gồm:

– Là thành viên, cổ đông sáng lập hoặc mua cổ phần, góp vốn vào đơn vị được kiểm toán;

– Là người giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát hoặc là kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán;

Xem thêm: Cơ sở dẫn liệu là gì? Ý nghĩa của cơ sở dẫn liệu trong kiểm toán?

– Là người đã từng giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán cho các năm tài chính được kiểm toán;

– Trong thời gian hai năm, kể từ thời điểm thôi giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán;

– Là người đang thực hiện hoặc đã thực hiện trong năm trước liền kề công việc ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính hoặc thực hiện kiểm toán nội bộ cho đơn vị được kiểm toán;

– Là người đang thực hiện hoặc đã thực hiện trong năm trước liền kề dịch vụ khác với các dịch vụ quy định tại khoản 5 Điều này có ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán viên hành nghề theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán;

– Có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột là người có lợi ích tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp đáng kể trong đơn vị được kiểm toán theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán hoặc là người giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán;

– Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy theo quy định của Luật kiểm toán thì đối với các kiểm toán viên thuộc một trong các trường hợp kiểm toán viên là thành viên, cổ đông sáng lập hoặc mua cổ phần, góp vốn vào đơn vị được kiểm toán hoặc người đã từng giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán cho các năm tài chính được kiểm toán như dã quy định ở trên thì không được thực hiện việc kiểm toán của mình.