Thọ giới tỳ kheo là gì

Hương chiên đàn, già la, hương sen và vũ quí, ngần ấy loại hương vị, không sánh bằng giới hương. (PC-55)

Show

Đề Thi Hỏi Đáp Dành Cho Giới Tử Thọ Giới Tỳ Kheo, Tỳ Kheo NiThích Thánh Tuệ2023-10-31T08:02:52-06:00

1. Hãy cho biết thân thế của Thái tử Tất-đạt-đa.

Phụ thân là đức vua Tịnh-phạn (Suddhodana) thuộc họ Cồ-đàm (Gotama), bộ tộc Thích-ca (Sakya) và thân mẫu là hoàng hậu Ma-gia (Maha Maya) trị vì kinh thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu) thuộc miền Trung Ấn Độ.

2. Hãy nêu ý nghĩa nội dung kinh A Di Đà.

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni giới thiệu cảnh Tây Phương Cực Lạc do đức Phật A Di Đà làm giáo chủ và phương pháp niệm Phật nhất tâm bất loạn để mọi người nỗ lực tu tập được sinh về cõi Cực Lạc.

3. Tam Bảo là gì? Có mấy bậc? Hãy kể ra.

Tam Bảo là ba ngôi báu có công năng giúp chúng sanh giác ngộ chân lý nhiệm mầu và giải thoát mọi khổ đau.

Tam Bảo gồm Phật Bảo, Pháp Bảo, và Tăng Bảo.

Tam bảo có ba bậc:

  • Đồng Thể Tam Bảo
  • Xuất Thế Gian Tam Bảo
  • Thế Gian Trụ Trì Tam Bảo

4. Hãy cho biết ý nghĩa Đồng Thể Tam Bảo là gì.

  • Đồng Thể Phật Bảo: Là phật và chúng sanh có cùng thể tánh sáng suốt như nhau, đó là Phật Tánh.
  • Đồng Thể Pháp Bảo: Là phật và chúng sanh có cùng pháp tánh từ bi, bình đẳng như nhau.
  • Đồng Thể Tăng Bảo: Là phật và chúng sanh có cùng thể tánh thanh tịnh như nhau.

5. Hãy cho biết ý nghĩa Xuất Thế Gian Tam bảo là gì.

  • Xuất Thế Gian Phật Bảo: Là chư phật trong mười phương đã giải thoát khỏi sự ràng buộc của thế gian như: đức phật Thích Ca, đức phật A Di Đà v.v…
  • Xuất Thế Gian Pháp Bảo: Là những giáo lý của Phật dạy cho chúng sanh tu tập để giải thoát khỏi luân hồi như: Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Lục Độ Ba La Mật v.v…
  • Xuất Thế Gian Tăng Bảo: Là các vị thánh tăng và bồ tá đã thoát khỏi sự ràng buộc của tam giới như: Ngài Quán Thế Âm, Ngài Phổ Hiền v.v…

6. Hãy cho biết ý nghĩa Thế Gian Trụ Trì Tam Bảo là gì.

  • Thế Gian Trụ Trì Phật Bảo: Là xá lợi của đức Phật và các tượng Phật vẽ trên giấy, vải, khắc bằng đồng, đá, gỗ v.v…
  • Thế Gian Trụ Trì Pháp Bảo: Là tam tạng giáo điển được lưu lại trên giấy, vải, lá cây hoặc khắc trên vải, gỗ, đồng, đá v.v…
  • Thế Gian Trụ Trì Tăng Bảo: Là những vị tỳ kheo, tỳ kheo ni tu hành chơn chánh theo chân lý Phật dạy.

7. Thái tử Tất-đạt-đa đản sanh vào thời gian nào, tại đâu?

Thái tử Tất-đạt-đa đản sanh ngày rằm tháng 4 (Vesakha) năm 624 trước Công Nguyên, bên cội cây Vô Ưu tại vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini), kinh thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu) thuộc miền Trung Ấn Độ.

8. Lợi ích của quy y Tam Bảo là gì?

Lợi ích của quy y Tam Bảo là:

  • Quy y phật không đọa vào địa ngục.
  • Quy y pháp không đọa vào ngạ quỷ.
  • Quy y tăng không đọa vào bàng sinh.

9. Hãy kể Ngũ Quán.

  • Nhất kế công đa thiểu, lưỡng bỉ lai xứ.
  • Nhị thổn kỷ đức hạnh, toàn khuyết ứng cúng.
  • Tam phòng tâm ly quá, tham đẳng vi tông.
  • Tứ chánh sự lương dược, vị liệu hình khô.
  • Ngũ vị thành đạo nghiệp, ưng thọ thử thực.

10. Sau khi dạo 4 cửa thành, thái tử đã trình lên vua cha những điều gì nếu vua làm được thì thái tử sẽ không xuất gia?

Bốn điều đó là:

  • Làm sao cho con trẻ mãi không già.
  • Làm sao cho con mạnh mãi không đau.
  • Làm sao cho con sống hoài không chết.
  • Làm sao cho mọi người hết khổ.

11. Hãy cho biết Ngũ Phần Pháp Thân Hương.

Ngũ Phần Pháp Thân Hương là: Giới Hương, Định Hương, Tuệ Hương, Giải Thoát Hương, và Giải Thoát Tri Kiến Hương.

12. Hãy cho biết lợi ích của việc trì tụng chú Lăng Nghiêm.

  • Giúp ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh.
  • Dứt trừ vọng tưởng điên đảo (tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng), đạt đại định kiên cố.
  • Đoạn trừ tâm tham ái.

13. Thái tử Tất-đạt-đa xuất gia vào thời gian nào?

Thái tử từ giả kinh thành Ca-tỳ-la-vệ xuất gia vào ngày rằm tháng 2 năm 605 trước Công Nguyên (theo Bắc Truyền), năm 595 trước Công Nguyên (theo Nam Truyền).

14. Sa di là tiếng Phạn, dịch nghĩa là gì?

Sa di được dịch ra ba nghĩa:

  • Tức Từ, là đình chỉ việc ác, thực hành từ bi.
  • Cần Sách, là siêng năng.
  • Cầu Tịch, là cầu quả Niết-bàn tịch tĩnh.

15. Hãy kể 10 giới sa di. Hãy chỉ các giới thuộc về tánh, các giới thuộc về tướng.

  • Một: không sát sanh.
  • Hai: không trộm cắp.
  • Ba: không dâm dục.
  • Bốn: không nói dối.
  • Năm: không uống rượu và các chất gây say, nghiện.
  • Sáu: không xoa hương phấn sáp.
  • Bảy: không xem nghe, hát xướng.
  • Tám: không ngồi, nằm giường cao rộng tốt đẹp.
  • Chín: không ăn phi thời.
  • Mười: không giữ vàng bạc châu báu.

Bốn giới đầu thuộc về tánh giới (còn gọi là giá). Sáu giới sau thuộc về tướng giới (còn gọi là khai: tùy trường hợp mà phương tiện khai mở).

16. Hãy đọc bài kệ Thế Phát.

Thế trừ tu phát Đương nguyện chúng sanh Viễn ly phiền não Cứu cánh tịch diệt

Án tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà da, sa bà ha.

Cạo bỏ râu tóc Nên nguyện chúng sanh Xa lìa phiền não Tuyệt đối thanh tịnh

Án tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà da, sa bà ha.

17. Vì sao thái tử Tất-đạt-đa phát tâm xuất gia?

Thái tử dạo bốn cửa thành thấy cảnh già, bệnh, chết của con người mà nhận thức được nỗi thống khổ của con người trong vòng sanh tử luân hồi và thấy hình ảnh một vị sa môn thanh cao, giải thoát nên muốn xuất gia để tìm chân lý giải thoát khổ đau cho tất cả chúng sanh.

18. Tam Vô Lậu Học là gì? Hãy kể ra.

Tam Vô Lậu Học là ba môn học vô lậu đưa đến sự giải thoát, không còn rơi rớt trong vòng sanh tử luân hồi, chứng ngộ quả thánh A-la-hán. Tam Vô Lậu Học gồm:

  • Giới Vô Lậu Học
  • Định Vô Lậu Học
  • Tuệ Vô Lậu Học

Gọi tắt là Giới Học, Định Học, và Tuệ Học.

19. Hãy kể Tam Đề.

  • Nguyện đoạn nhất thế ác.
  • Nguyện tu nhất thế thiện.
  • Thệ độ nhất thế chúng sanh.

20. Thái tử Tất-đạt-đa thành đạo vào thời gian nào? Tại đâu? Lúc đó ngài bao nhiêu tuổi?

Thái tử thành đạo vào ngày rằm tháng 12 năm 594 trước Công Nguyên (theo Bắc Truyền), năm 589 trước Công Nguyên (theo Nam Truyền).

Ngài thành đạo tại cội Bồ-đề, bên dòng sông Ni-liên-thuyền (Niranjara), xứ Ma-kiệt-đà (Magadha). Lúc đó, ngài 30 tuổi (theo Bắc Truyền), 35 tuổi (theo Nam Truyền).

21. Lục Hòa là gì? Hãy kể ra.

Lục Hòa là sáu phương pháp sống hòa thuận. Lục Hòa gồm:

  • Thân Hòa Đồng Trú – thân hòa cùng chung sống với nhau.
  • Khẩu Hòa Vô Tránh – miệng hòa không tranh cải.
  • Ý Hòa Đồng Duyệt – ý hòa cùng hoan hỷ với nhau.
  • Giới Hòa Đồng Tu – giới luật cùng hòa thuận tu tập với nhau.
  • Kiến Hòa Đồng Giải – sự hiểu biết cùng hòa thuận giải bày cho nhau hiểu.
  • Lợi Hòa Đồng Quân – lợi ích cùng hòa thuận chia sẻ bình đẳng với nhau.

22. Hãy đọc chú Lăng Nghiêm đệ nhị.

“Ô hồng, rị sắt yết noa, bác lặc xá tất đa, tát đát tha già đô sắc ni sam. Hổ hồng, đô lô ung chiêm bà na. Hổ hồng, đô lô ung tất đam bà na. Hổ hồng, đô lô ung ba ra sắc địa da tam bác xá noa yết ra…”

23. Hãy kể thập số sa di.

  • Nhất giả nhất thế chúng sanh giai y ẩm thực.
  • Nhị giả danh sắc.
  • Tam giả tri tam thọ.
  • Tứ giả tứ đế.
  • Ngũ giả ngũ ấm.
  • Lục giả lục nhập.
  • Thất giả thất giác chi.
  • Bát giả bát chánh đạo.
  • Cửu giả cửu chúng sanh cư.
  • Thập giả thập nhất thế nhập (tất cả các pháp đều quy về trong pháp giới tánh).

24. Hãy kể tên 24 oai nghi.

Kính Đại Sa Môn Đệ Nhất, Sự Sư Đệ Nhị, Tùy Sư Xuất Hành Đệ Tam, Nhập Chúng Đệ Tứ, Tùy Chúng Thực Đệ Ngũ, Lễ Bái Đệ Lục, Thính Pháp Đệ Thất, Tập Học Kinh Điển Đệ Bát, Nhập Tự Viện Đệ Cửu, Nhập Thiền Đường Tùy Chúng Đệ Thập, Chấp Tác Đệ Thập Nhất, Nhập Dục Đệ Thập Nhị, Nhập Xí Đệ Thập Tam, Thụy Ngọa Đệ Thập Tứ, Vi Lô Đệ Thập Ngũ, Tại Phòng Trung Trú Đệ Thập Lục, Đáo Ni Tự Đệ Thập Thất, Chí Nhân Gia Đệ Thập Bát, Khất Thực Đệ Thập Cửu, Nhập Tụ Lạc Đệ Nhị Thập, Thị Vật Đệ Nhị Thập Nhất, Phàm Sở Thi Hành Bất Đắc Tự Dụng Đệ Nhị Thập Nhị, Tham Phương Đệ Nhị Thập Tam, Y Bát Danh Tướng Đệ Nhị Thập Tứ.

25. Hãy cho biết những vị đệ tử xuất gia đầu tiên của đức Phật?

Những vị đệ tử xuất gia đầu tiên của đức Phật là năm anh em Kiều-trần-như. Tên của các vị đó là: Kiều-trần-như, Ác-bệ, Bạt-đề, thập-lực-ca-diếp, và Mahanam.

26. Lục Độ là gì? Hãy kể ra.

Lục Độ hay còn gọi là Lục Ba-la-mật, là sáu đại hạnh của bồ tát đưa đến cứu cánh viên mãn (tự độ và độ tha viên mãn hay tự giác và giác tha viên mãn). Lục độ gồm:

  • Bố Thí Độ (Bố Thí Ba-la-mật)
  • Trì Giới Độ (Trì Giới Ba-la-mật)
  • Nhẫn Nhục Độ (Nhẫn Nhục Ba-la-mật)
  • Tinh Tấn Độ (Tinh Tấn Ba-la-mật)
  • Thiền Định Độ (Thiền Định Ba-la-mật)
  • Trí Tuệ Độ (Trí Tuệ Ba-la-mật)

27. Tam Bảo được hình thành từ lúc nào?

Tam Bảo được hình thành từ khi đức Phật thuyết bài pháp Tứ Diệu Đế (bài pháp đầu tiên) tại vườn Lộc Uyển cho năm anh em Kiều-trần-như.

28. Hãy đọc âm giới thứ tư (Bất Vọng Ngữ).

“Tứ viết bất vọng ngữ. Giải viết: Vọng ngữ hữu tứ. Nhất giả vọng ngôn, vị dĩ thị vi phi, dĩ phi vi thị, kiến ngôn bất kiến, bất kiến ngôn kiến, hư vọng bất thật đẳng. Nhị giả ỷ ngữ, vị trang sức phù ngôn mỹ ngữ, diễm khúc tình từ, đạo dục tăng bỉ, đãng nhân tâm chí đẳng…”

29. Đức Phật đã thuyết pháp độ sinh bao nhiêu năm?

Đức Phật đã thuyết pháp độ sinh 49 năm (theo Bắc Truyền), 45 năm (theo Nam Truyền).

30. Hãy đọc đoạn Cảnh Sách sau: “Phù xuất gia giả ... dung mạo khả quan”.

Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long Thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu. Nhược bất như thử, lạm xí tăng luân, ngôn hạnh hoang sơ, hư triêm tín thí. Tích niên hành xứ, thốn bộ bất di, hoảng hốt nhất sanh, tương hà bằng thị. Huống nãi đường đường tăng tướng, dung mạo khả quan.

31. Hãy kể Bát Khổ và Tam Khổ.

Bát Khổ gồm: sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, cầu bất đắc khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, và ngũ ấm xí thạnh khổ.

Tam Khổ gồm: khổ khổ, hoại khổ, và hành khổ.

32. Đức Phật nhập Niết-bàn lúc nào? Tại đâu?

Đức Phật nhập Niết-bàn vào ngày rằm tháng 2 năm 544 trước Công Nguyên lúc ngài 80 tuổi, tại rừng Sa La Song Thọ của dòng họ Mạt-la, thành Câu-thi-na (Kusinara).

33. Xuất gia có mấy nghĩa?

Xuất gia có ba nghĩa:

  • Xuất thế tục gia – ra khỏi nhà thế tục.
  • Xuất phiền não gia – ra khỏi nhà phiền não.
  • Xuất tam giới gia – ra khỏi nhà tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới).

34. Trong năm giới, những giới nào là giới trọng, giới nào là giới khinh?

Giới trọng là bốn giới đầu gồm: Không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối.

Giới khinh là giới thứ năm: Không uống rượu và các chất gây nghiện.

35. Vô thường là gì? Vô thường có mấy loại?

Vô là không, thường là thường còn bất biến, tồn tại vĩnh viễn. Vô thường là không có gì thường tồn tại mãi mãi, không có gì bất biến và tồn tại vĩnh cửu ở một trạng thái nhất định. Tất cả đều biến chuyển không ngừng trong từng sát na, trong không gian và thời gian nhất định.

Vô thường có ba loại:

  • Thân vô thường.
  • Tâm vô thường.
  • Hoàn cảnh vô thường.

36. Tam đồ lục đạo là gì?

Tam đồ là: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Lục đạo là: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, nhân, thiên

37. Hãy kể tên và công hạnh của thập đại đệ tử Phật.

  • Tôn giả Xá-lợi-phất: Trí tuệ đệ nhất.
  • Tôn giả Mục-kiền-liên: Thần thông đệ nhất.
  • Tôn giả Phú-lâu-na: Thuyết pháp đệ nhất.
  • Tôn giả Tu-bồ-đề: Giải không đệ nhất.
  • Tôn giả Ca-chiên-diên: Nghị luận đệ nhất.
  • Tôn giả Đại Ca-diếp: Khổ hạnh đệ nhất.
  • Tôn giả A-na-luật: Thiên nhãn đệ nhất.
  • Tôn giả Ưu-ba-ly: Trì giới đệ nhất.
  • Tôn giả A-nan: Đa văn đệ nhất.
  • Tôn giả La-hầu-la: Mật hạnh đệ nhất.

38. Sám hối là gì? Có mấy cách?

Sám hối có nghĩa là ăn năn lỗi trước, ngăn ngừa lỗi sau.

Sám hối có bốn cách:

  • Tác Pháp Sám Hối – Sám hối bằng cách thỉnh cầu chư tăng chứng minh cho mình sám hối.
  • Thủ Tướng Sám Hối – Sám hối bằng phương pháp lễ phật khi nào thấy hảo tướng phật, bồ tát hiện ra mới thôi.
  • Hồng Danh Sám Hối – Sám hối bằng phương pháp lễ lạy hồng danh chư phật và bồ tát.
  • Vô Sanh Sám Hối – Sám hối bằng phương pháp quán tưởng tâm vô sanh và pháp vô sanh.

39. Ai là người cúng dường đức Phật và tăng chúng tinh xá Kỳ Viên ở thành Xá Vệ?

Trưởng giả Cấp Cô Độc và thái tử Kỳ Đà cúng dường tinh xá Kỳ Viên cho Phật và chúng tăng.

40. Hãy nói ý nghĩa của quy y Tam Bảo.

Quy là trở về, Y là nương tựa. Tam Bảo là ba ngôi báu quý nhất trong đời đó là: Phật Bảo, Pháp Bảo, và Tăng Bảo. Quy y Tam Bảo là trở về nương tựa Phật, Pháp, Tăng để tu tập cầu giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.

41. Hãy nói lợi ích của việc không trộm cắp.

Không trộm cắp được lợi ích:

  • Giữ được nhân cách tốt.
  • Được mọi người tin cậy.
  • Không bị mất tài sản.
  • Không làm người khác đau khổ.
  • Không tạo nghiệp xấu
  • Không gây oán thù

42. Vì lý do gì người xuất gia nên ăn chay?

Chúng ta ăn chay vì:

  • Lòng từ bi bình đẳng.
  • Tránh quả báo luân hồi.
  • Hợp vệ sinh.
  • Thân thể khoẻ mạnh, tinh thần nhẹ nhàng, trong sạch, trí tuệ sáng suốt dễ tu tập.

43. Cho biết lý do và lợi ích của việc giữ giới không nói dối.

Có ba lý do giữ giới không nói dối:

  • Tôn trọng sự thật.
  • Nuôi dưỡng lòng từ bi.
  • Giữ gìn và xây dựng uy tín.

Có hai lợi ích của việc giữ giới không nói dối:

  • Được mọi người tin tưởng.
  • Tránh quả báo do nói dối gây ra.

44. Vì sao đức Phật cấm sát sanh?

Đức Phật cấm sát sanh vì:

  • Tôn trọng sự công bằng.
  • Tôn trọng phật tánh bình đẳng.
  • Nuôi dưỡng và phát triển lòng từ bi.
  • Tránh nhân quả báo ứng oán thù.
  • Duy trì sự tồn tại của muôn loài.

45. Hãy cho biết nguyên nhân đức Phật thuyết chú Lăng Nghiêm.

Do tôn giả A-nan lúc đi khất thực bị cô Ma-đăng-già đem lòng yêu mến và dùng thần chú bắt về nhà. Đức Phật thuyết chú Lăng Nghiêm để giải thoát cho tôn giả A-nan.

46. Hãy đọc câu nói nổi tiếng của đức Phật nhấn mạnh việc xoá bỏ sự phân chia giai cấp trong xã hội Ấn Độ.

Đó là câu:

“Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn.”

47. Hãy đọc bài Tán lễ Tây Phương trong thời Mông Sơn Thí Thực?

Tán lễ Tây Phương Cực lạc thanh lương Liên-trì cửu phẩm hoa hương Bảo thọ thành hàng Thường văn thiên nhạc kim tương A-di-đà phật đại phóng từ quang Hoá đạo chúng sanh vô lượng, giáng kiết tường Hiện tiền chúng đẳng ca dương, Nguyện sanh an dưỡng Hiện tiền chúng đẳng ca dương Đồng sanh an dưỡng.

48. Vọng ngữ có mấy cách?

Vọng ngữ có bốn cách:

Nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác.

49. Hãy cho biết hai vị đạo sư nổi tiếng mà thái tử Tất-đạt-đa đã tham học trong khi tầm đạo?

Đó là ông A-đa-la Già-đà-na (Alara Kalama) chứng Vô Sở Hữu Xứ định và Uất-đầu-lam-phất (Uddaka Ramaputta) chứng Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ định.

50. Hãy đọc tiếp đoạn kinh A Di Đà sau: “Xá Lợi Phất! Bỉ độ hà cố danh vi Cực Lạc? Kỳ quốc chúng sanh, vô hữu chúng khổ...”.

“Xá Lợi Phất! Bỉ độ hà cố danh vi Cực Lạc? Kỳ quốc chúng sanh, vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc, cố danh Cực Lạc.

“Hựu Xá Lợi Phất! Cực Lạc quốc độ, thất trùng lan thuẫn, thất trùng la võng, thất trùng hàng thọ, giai thị tứ bảo, châu tráp vi nhiễu, thị cố bỉ quốc danh vi Cực Lạc.

“Hựu Xá Lợi Phất! Cực Lạc quốc độ, hữu thất bảo trì, bát công đức thủy, sung mãn kỳ trung, trì để thuần dĩ kim sa bố địa. Tứ biên giai đạo, kim, ngân, lưu ly, pha lê hiệp thành”.

51. Những lời dạy cuối cùng của đức Phật gồm các điều căn bản gì?

Những lời dạy cuối cùng của đức Phật bao gồm ba điều căn bản sau:

  • Sống đúng chánh pháp là cách đảnh lễ, tán thán và quý mến Như Lai một cách tốt đẹp nhất.
  • Hãy nương tựa vào chánh pháp, nương tựa vào chính mình.
  • Lấy giới luật làm thầy dẫn đường.

52. Người dâng cúng bữa ăn và tọa cụ lên đức Thế Tôn (trước khi ngài thành đạo) là ai?

Nữ tín chủ Tu-xà-đề (Sujata) dâng cúng bửa ăn trước khi đức Thế Tôn thành đạo.

Cậu bé Sa-va-ti-ka (Svastika, cậu bé chăn cừu ở làng này) rất mến mộ ngài và phát tâm hàng ngày cắt loại cỏ nhuyễn và mịn trải làm tọa cụ cho ngài ngồi.

53. Hãy đọc bài Thị Nhựt (công phu chiều) sau: “Thị nhựt dĩ quá, mạng diệc tùy giảm ... thận vật phóng dật”.

“Thị nhựt dĩ quá, mạng diệc tùy giảm, như thiểu thủy ngư, tư hữu hà lạc. Đại chúng đương cần tinh tấn, như cứu đầu nhiên, đản niệm vô thường, thận vật phóng dật”.

54. Đức Phật thuyết pháp độ mẫu thân ở đâu? Khi nào?

Đức Phật thuyết pháp độ mẫu thân là hoàng hậu Ma-gia tại cung trời Đao Lợi (Tavatimsa) vào mùa An Cư Kiết Hạ lần thứ 7.

55. Hãy đọc kệ thọ đãy lọc nước.

Thiện tai lự thủy nan Hộ sanh hành từ cụ Xuất nhập thường đới dụng Phương hợp bồ tát đạo

Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

Lành thay vợt lọc nước Vật hộ mệnh hành từ Thường mang theo sử dụng Mới hợp bồ tát đạo

Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

56. Nội dung cơ bản của giáo pháp đức Phật là gì?

Nội dung cơ bản của giáo pháp đức Phật dạy là sự khổ (sự thật về bản chất khổ đau) và sự diệt khổ (con đường đưa đến sự tận diệt khổ đau).

57. Vua Tịnh-phạn cử bao nhiêu phái đoàn đi thỉnh đức Phật về thăm hoàng cung lần thứ nhất? Ai là người thỉnh được ngài về hoàng cung?

Vua Tịnh-phạn cử 9 phái đoàn thỉnh đức Phật về thăm hoàng cung lần thứ nhất.

Tôn giả Ca-lưu-đà-di (Kaludayi, sanh cùng giờ, ngày, tháng, năm với đức Phật) là người thỉnh đức Phật về thăm hoàng cung lần thứ nhất. Đức Phật vừa đi vừa thuyết pháp trải qua 2 tháng với quãng đường khoảng 600km.

58. Nêu ý nghĩa nội dung Quy Sơn Cảnh Sách?

Quy Sơn Cảnh Sách là những lời sách tấn, khuyến khích, cảnh giác của thiền sư Linh Hựu ở núi Quy cho người xuất gia tu học đúng chánh pháp.

59. Hãy kể Mười thiện nghiệp?

  • Bất sát
  • Bất đạo
  • Bất tà dâm
  • Bất vọng ngôn
  • Bất ỷ ngữ
  • Bất lưỡng thiệt
  • Bất ác khẩu
  • Bất tham
  • Bất sân
  • Bất si.

60. Tam Pháp Ấn là gì? Hãy kể ra.

Tam Pháp Ấn là ba khuôn dấu dùng để nhận biết đâu là chánh pháp Phật dạy. Nếu bài kinh nào không có ba khuôn dấu này thì đó không phải là bài kinh Phật.

Tam Pháp Ấn gồm: Vô Thường, Khổ, Vô Ngã.

Hết thảy các pháp là vô thường, khổ đau, và vô ngã.

61. Hãy kể Tam Minh.

Tam Minh là:

  • Túc Mạng Minh (thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của mình).
  • Thiên Nhãn Minh (thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của chúng sanh).
  • Lậu Tận Minh (diệt trừ hoàn toàn lậu hoặc, phiền não đau khổ, không còn tái sanh nữa).

62. Kim quan đức Thế Tôn lưu lại mấy ngày mới trà tỳ? Vì sao?

Kim quan đức Thế Tôn lưu lại 7 ngày mới trà tỳ, vì đợi tôn giả Đại Ca-diếp đang du hóa ở phương xa trở về.

63. Chân lý đức Phật dạy chia làm mấy phần?

Chân lý đức Phật dạy chia làm ba phần, còn gọi là ba tạng giáo điển, gồm: Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng.

64. Đức Phật về thăm hoàng cung lần thứ hai vào lúc nào? Nhân duyên gì ngài về thăm hoàng cung?

Đức Phật về thăm hoàng cung lần thứ 2 vào năm thứ 5 sau khi thành đạo. Lúc này, vua Tịnh-phạn đã 90 tuổi, sắp băng hà. Đức Phật đã thuyết chân lý vô thường, vua đắc thánh quả A-na-hàm.

65. Ý nghĩa nội dung Kinh Di Giáo là gì?

Ý nghĩa nội dung kinh Di Giáo:

  • Đức Phật dạy đệ tử phải lấy giới luật làm thầy.
  • Tinh tấn nỗ lực tu tập thiền định.
  • Dứt trừ tham ái, hý luận.
  • Nổ lực thành tựu trí tuệ giải thoát (nổ lực tu tập theo con đường Giới – Định – Tuệ).

66. Tứ Niệm Xứ là gì? Hãy kể ra.

Tứ Niệm Xứ là bốn lãnh vực quán niệm của pháp môn thiền định. Tứ niệm xứ gồm có:

  • Quán thân bất tịnh
  • Quán tâm vô thường
  • Quán thọ thị khổ
  • Quán pháp vô ngã

67. Hãy đọc bài Tán Phật sau: “Tán lễ Thích Tôn … tánh hải”.

Tán lễ Thích Tôn: Vô thượng năng nhơn, Tăng kỳ cửu viển tu chơn, Ðẩu suất giáng thần, Trường từ bửu vị kim luân. Tọa Bồ Ðề tòa đại phá ma quân, Nhứt đổ minh tinh đạo thành, Giáng pháp lâm. Tam thừa chúng đẳng qui tâm, Vô sanh dĩ chứng. Hiện tiền chúng đẳng qui tâm, Vô sanh tốc chứng. Tứ sanh cửu hữu, Đồng đăng hoa tạng huyền môn, Bát nạn, tam đồ cộng nhập tỳ lô tánh hải.

68. Vị Sa-di đầu tiên trong giáo đoàn của đức Phật là vị nào?

Tôn giả La-hầu-la, lúc ngài mới bảy tuổi.

69. Trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất, ai là người trùng tuyên tạng luật?

Trưởng lão Ưu Ba Li (Upali), bậc trì giới đệ nhất trong hàng đại đệ tử của Phật, được suy cử trùng tuyên tạng luật.

70. Năm đức của sa di là gì?

Âm:

  • Nhất giả phát tâm xuất gia, hoài bội đạo cố
  • Nhị giả hủy kỳ hình hảo, ứng pháp phục cố
  • Tam giả cát ái từ thân, vô thích mạc cố.
  • Tứ giả hủy khí thân mạng, tôn sùng đạo cố.
  • Ngũ giả chí cầu đại thừa, vị độ nhân cố.

Nghĩa:

  • Phát tâm xuất gia, vì ôm lòng mộ đạo.
  • Bỏ hình đẹp, vì thích ứng pháp y.
  • Cắt đứt thân ái, vì không có thân sơ.
  • Liều bỏ thân mạng, vì tôn sùng phật pháp.
  • Chí cầu đại thừa, vì hóa độ chúng sanh.

71. Phật đản và Phật lịch khác nhau như thế nào?

Phật đản là ngày đức Phật được sanh ra trong cõi đời, là ngày trăng tròn tháng 4 AL (năm 624 TTL).

Phật lịch là lịch Phật giáo được tính sau khi Phật nhập niết bàn vào năm 554 TTL. Phật lịch tính đến nay (năm 2024) là năm thứ 2568.

72. Chữ Phật nghĩa là gì?

Phật tiếng Phạn là Buddha (Phật Đà). Người Trung Hoa dịch nghĩa là giác giả, là bậc đã hoàn toàn giác ngộ. Giác có ba bậc:

  • Tự Giác – Mình giác ngộ hoàn toàn do phước huệ và công phu tu hành.
  • Giác Tha – Tự minh đã giác ngộ, lại đem phương pháp giác ngộ ấy dạy cho những người tu hành được giác ngộ như mình.
  • Giác Hạnh Viên Mãn – Giác ngộ hoàn toàn đầy đủ cho mình và cho người.

73. Vì sao chúng ta thờ Phật, lạy Phật?

Chúng ta thờ Phật, lạy Phật là vì:

  • Phật là đấng tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.
  • Để tỏ lòng tri ân, ngưỡng mộ của chúng ta đối với bậc tối thượng bi trí siêu phàm, có ân đức lớn đối với nhân loại.
  • Chúng ta muốn luôn luôn có bên mình ngọn đèn trí tuệ của ngài, và hương đức từ bi của ngài để được sáng lây, thơm lây.

74. Vì sao chúng ta phải tụng kinh, niệm Phật?

  • Chúng ta cần tụng kinh để cho lý nghĩa thâm huyền được sáng tỏ và khắc nghi trong thâm tâm chúng ta không bao giờ quên được.
  • Chúng ta cần niệm Phật vì niệm Phật có công năng phá trừ vọng niệm, tâm được thanh tịnh, sáng suốt, tiêu trừ nhiệp chướng, tội lỗi và được vãng sanh về cõi Tịnh Độ.

75. Đạo Phật nghĩa là gì?

Đạo Phật là con đường chân chánh, hoàn toàn sáng suốt đưa đến bản thể của sự vật, là lý tánh tuyệt đối mà các đấng giác ngộ đã phát minh ra, hướng đến mục đích đầy đủ sự tự lợi và lợi tha viên mãn.

76. Cho biết sự lợi ích của đạo Phật?

  • Đạo Phật nhờ tinh thần từ bi làm cho xã hội nhân loại yêu thương nhau hơn.
  • Đạo Phật dưới ánh sáng trí tuệ, làm cho xã hội, nhân loại bớt si mê lầm lạc, thấy được giá trị chân thật.
  • Đạo Phật với tinh thần bình đẳng tuyệt đối, sang bằng được những bất công của xã hội, và làm cho thế gian này được sáng sủa an vui hơn.

77. Hãy đọc Quan Âm Linh Cảm chơn ngôn trong Thập Chú.

“Án, ma ni bát di hồng. Ma hắc nghê nha nạp, tích đô đặt ba đạt, tích đặt ta nạp, vi đạt rị cát táp. Nhi cáng nhi tháp, bốc rị tất tháp. Cát nạp bổ ra nạp, nạp bốc rị, thưu thắt, ban nạp. Nại ma lô kiết, thuyết ra da, tóa ha.”

78. Địa phương nào đức Phật đã an cư kiết hạ nhiều lần nhất?

Đức Phật đã trải qua hơn 20 mùa an cư kiết hạ tại thành Xá Vệ (Savathi), nước Kiều Tát La (Kosala). Thành Xá Vệ là nơi đức Thế Tôn lưu trú nhiều nhất, nơi ấy có hai ngôi tịnh xá lớn là: Kỳ Viên (Jetavana) và Đông Lâm (Pubbàràma).

79. Đại hội đại biểu phật giáo toàn quốc lần thứ nhất của GHPGVN diễn ra vào ngày, tháng, năm nào? Tại đâu?

Đại hội đại biểu phật giáo toàn quốc lần thứ nhất của GHPGVN diễn ra vào ngày 04-07/11/1981, tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội.

80. GHPGVN là tiền thân của bao nhiêu tổ chức? Kể ra cụ thể.

GHPGVN là tiền thân của chín tổ chức hệ phái phật giáo trong cả nước, đó là:

  • Hội Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam
  • Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
  • Giáo Hội Phật Giáo Cổ Truyền Việt Nam.
  • Ban Liên Lạc Phật Giáo Yêu Nước TP. HCM.
  • Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam.
  • Giáo Hội Phật Giáo Thiên Thai Giáo Quán.
  • Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam.
  • Hội Sư Sãi Yêu Nước Miền Tây Nam Bộ.
  • Hội Phật Học Nam Việt.

81. Vị pháp chủ đầu tiên của GHPGVN là ai?

Vị pháp chủ đầu tiên của GHPGVN là Hòa Thượng Thích Đức Nhuận.

82. Vị chủ tịch HĐTS đầu tiên của GHPGVN là ai?

Vị chủ tịch HĐTS đầu tiên của GHPGVN là đức đại lão Hoà Thượng Thích Trí Thủ.

83. Ai là người cúng dường bữa ăn cuối cùng trước khi đức Thế Tôn nhập Niết Bàn?

Ông Thuần Đà đã cúng dường bữa ăn cuối cùng trước khi đức Phật nhập Niết Bàn.

84. Theo quan điểm Nam Truyền, bài kinh đầu tiên đức Phật thuyết tại vườn Nai độ năm anh em Kiều Trần Như là bài kinh gì? Nội dung bài kinh là gì?

Theo quan điểm Nam Truyền, bài kinh đầu tiên đức Phật thuyết tại vườn Nai là bài kinh Chuyển Pháp Luân. Nội dung của bài kinh này là Tứ Diệu Đế.

85. Hãy đọc một đoạn trong bài kinh Hồng Danh Bửu Sám.

“Đại từ Đại bi mẫn chúng sanh…”

86. Hãy kể rõ từng chi phần của 37 phẩm trợ đạo.

  • Tứ Niệm Xứ
  • Tứ Chánh Cần
  • Tứ Như Ý Túc
  • Ngũ Căn
  • Ngũ Lực
  • Thất Bồ Đề Phần
  • Bát Chánh Đạo

87. Thất Giác Chi còn gọi là gì? Kể từng chi phần của Thất Giác Chi.

Thất Giác Chi còn gọi là Thất Bồ Đề Phần, gồm có:

  • Trạch Pháp
  • Tinh tấn
  • Hỷ
  • Khinh An
  • Niệm
  • Định
  • Xả

88. Bát Chánh Đạo là gì? Kể tên từng chi phần của Bát Chánh Đạo.

Bát Chánh Đạo là tám phương tiện đưa chúng sanh đến đời sống an lạc, giải thóat, tiến đến địa vị giác ngộ. Những bậc hiền, thánh nương theo tám phương tiện này để đi đến Niết Bàn, Phật quả. Bát Chánh Đạo gồm:

  • Chánh Kiến
  • Chánh Tư Duy
  • Chánh Ngữ
  • Chánh Nghiệp
  • Chánh Mạng
  • Chánh Tinh Tấn
  • Chánh Niệm
  • Chánh Định

89. Thập Nhị Nhân Duyên là gì? kể rõ từng chi phần.

Thập Nhị Nhân Duyên tức là mười hai điều kiện có hình cách hỗ trợ cho một nhân duyên hội đủ phương tiện để đi đến kết quả là hình thành một chúng sanh hữu tình ở kiếp vị lai.

Vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử.

90. Hãy đọc một đoạn trong kinh Di Giáo: “Nhữ đẳng tỳ kheo ... vô vị thử giả”.

Âm

“Nhữ đẳng tỳ kheo, ư ngã diệt hậu đương tôn trọng trân kính Ba-La-Đề-Mộc-Xoa, như ám ngộ minh, bần nhơn đắc bảo. Đương tri thử tắc thị nhữ đẳng đại sư, nhược ngã trụ thế, vô dị thử dã”.

Nghĩa

“Tỳ kheo các ông! Sau khi ta nhập diệt, phải tôn trọng quí kính Ba La Đề Mộc Xoa (giới luật), như đêm tối gặp ánh sáng, như người nghèo gặp của báu. Phải biết pháp này là thầy của các ông, dù ta có trụ ở đời cũng không khác pháp này vậy”.

91. Hãy cho biết ý nghĩa của Tam Chuyển Pháp Luân?

Lần đầu tiên từ vườn Lộc Dã, Phật vì hàng thanh văn thừa nói pháp Tứ Diệu Đế và ngài nhấn đi nhấn lại ba lần nên gọi là Tam Chuyển Pháp Luân.

  1. Thị Chuyển – là đối với pháp Tứ Diệu Đế, Phật chỉ nêu bày cách khái quát: đây là khổ, đây là tập, đây là diệt, và đây là đạo.
  2. Khuyến Chuyển – là tha thiết khuyên: khổ này các ngươi nên biết, tập này các ngươi nên đoạn, diệt này các ngươi nên chứng, và đạo này các ngươi nên tu.
  3. Chứng Chuyển – là Phật đem chỗ thân chứng của mình để chứng minh: khổ kia ta đã biết, tập kia ta đã đoạn, diệt kia ta đã chứng, và đạo kia ta đã tu.

92. Thức-xoa-ma-na nghĩa là gì?

Thức-xoa-ma-na là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là học pháp nữ, nghĩa là trong hai năm phải học đủ ba pháp:

  • Học pháp căn bản – là học bốn giới trọng.
  • Học sáu pháp – là nhờ tăng yết ma trao mà thọ học.
  • Học hành pháp – là tất cả các giới, oai nghi của đại tỳ kheo ni.

93. Hãy nêu rõ 6 học pháp của thức-xoa-ma-na.

  • Một là nếu thức-xoa-ma-na cùng nam giới có tâm nhiễm ô rờ chạm khắp thân thì phạm giới phải thọ giới lại.
  • Hai là nếu thức-xoa-ma-na cố tâm lấy kém 5 tiền thì phạm giới phải thọ giới lại.
  • Ba là nếu thức-xoa-ma-na đoạn mạng súc sanh không thể biến hóa thì phạm giới phải thọ giới lại.
  • Bốn là nếu thức-xoa-ma-na ở trong chúng cố nói vọng ngữ thì phạm giới phải thọ giới lại.
  • Năm là nếu thức-xoa-ma-na ăn phi thời thì phải phạm giới phải thọ giới lại.
  • Sáu là nếu thức-xoa-ma-na uống rượu thì phạm giới phải thọ giới lại.

94. Hai người thiện tín đầu tiên cúng dường, quy y với đức Phật là ai?

Hai người thiện tín đầu tiên cúng dường Phật và chỉ quy y Phật thôi đó là hai nhà thương gia có tên là Tapassu và Bhallika.

95. Hãy đọc đoạn kinh Sám Ngã Niệm: “Ngã niệm tự ... đa quá hoạn”.

Ngã niệm tự tùng vô thỉ kiếp Thất viên minh tánh tác trần lao Xuất sinh nhập tử thọ luân hồi Dị trạng thù hình tao khổ sở Túc tư thiểu thiện sinh nhân đạo Hoạch ngộ vi phong đắc xuất gia Phi truy tước phát loại sa môn Hủy giới phá trai đa quá hoạn

96. Hãy đọc thuộc lòng đoạn kinh sau đây: “Ngã kim phát tâm ... đồng đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”.

“Ngã kim phát tâm, bất vị tự cầu nhơn thiên phước báu, thanh văn, duyên giác, nãi chí quyền thừa chư vị bồ tát. Duy y tối thượng thừa, phát bồ đề tâm, nguyện dữ pháp giới chúng sanh nhất thời đồng đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.”

97. Hãy cho biết trong thời của đức Phật, ai là người cúng dường xây cất ngôi tinh xá đầu tiên? Tên ngôi tinh xá đầu tiên đó là gì?

Trong thời đức Phật, vua Tần Bà Sa La (Bình Sa Vương) là người cúng dường ngôi tinh xá đầu tiên cho đức Phật. Ngôi tinh xá đó tên là Trúc Lâm Tinh xá.