Trái nghĩa với từ ngày là gì

Một cô giáo dạy Văn và Tiếng Việt bậc trung học cơ sở(tương đương với cấp II ngày xưa)gọi điện nhờ tôi tìm giúp cho 5 cặp từ trái nghĩa chỉ màu sắc trong tiếng Việt (mà cô nói đó là câu hỏi trong bài tập tiếng Việt của sách giáo khoa).

Nghĩ ngợi một lúc, tôi thử đưa cho cô mấy cặp tham khảo là: Trắng - đen, xanh - đỏ, đỏ - vàng, nhạt - sẫm, sáng - tối Nhưng cô giãy nảy và chỉ chấp nhận một cặp trái nghĩa chính danh là trắng - đen, còn các cặp khác thì chả thấy trái nghĩa chút nào. Cô còn mang ngay cuốn Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) bản mới nhất (2015) ra và dõng dạc nói: Anh xem này. Từ điển người ta viết rõ ràng ràng là: Từ trái nghĩa là từ có nghĩa trái ngược nhau, như hay - dở, tốt - xấu, cao - thấp Màu trắng đối nghĩa với màu đen thì đúng rồi, chứ mấy cái màu kia (xanh - đỏ, đỏ - vàng) gọi là trái nghĩa nghe vô lý quá!.

Mới nghe qua, tôi chắc rất nhiều người cũng đồng tình với cách biện luận này, nhất là sau khi tham khảo cách định nghĩa trong từ điển. Tuy nhiên, phải nói rằng, lập luận như vậy không sai, nhưng chưa triệt để theo đúng tinh thần ngôn ngữ học.

Bởi nếu chỉ căn cứ vào nghĩa của một từ nào đó được tách ra khỏi ngữ cảnh thì chúng ta sẽ có những cặp trái nghĩa cơ bản, như: buồn - vui, đẹp - xấu, mưa - nắng, sống - chết, cao - thấp Nó giống như các cặp đối lập trong triết học (cái riêng - cái chung, đồng hoá - dị hoá, vận động - đứng im). Nếu chỉ căn cứ vào tiêu chí đối lập kiểu A và không A thì ta sẽ chỉ có rất ít cặp trái nghĩa trong tiếng Việt chứ không nhiều để thiết lập một cuốn từ điển trái nghĩa với số lượng hàng trăm đơn vị (Từ điển trái nghĩa tiếng Việt do NXB Đại học và THCN xuất bản 1986 đã thống kê trên 400 cặp trái nghĩa khác nhau).

Tôi nhớ lại cuộc đối thoại gần đây của Kyo York - ca sĩ người Mỹ lấy vợ Việt, hát và nói tiếng Việt rất giỏi - trong chương trình Cuộc sống thường ngày, phát trên VTV1 vào 17h30 ngày 12.12.2015. Trong buổi truyền hình mà anh là đồng diễn giả, anh nói từ tiếng Việt trước hết có nghĩa đen và đối lập với nó là nghĩa trắng. Ta nghe thấy câu nói này có vẻ buồn cười bởi suy diễn có phần ngây thơ trẻ con, song cách hiểu đó lại có cơ sở nếu căn cứ vào suy luận logic thuần túy (trắng đối lập với đen là hẳn rồi). Thực tế, người Việt chỉ dùng cặp nghĩa đen - nghĩa bóng (và nếu chỉ căn cứ vào từ đen không thì đa số sẽ liên tưởng tới từ trắng trái nghĩa, thành nghĩa đen - nghĩa trắng).

Tuy nhiên, trong nói năng, trong một ngữ cảnh cụ thể, người nói có thể thiết lập các cặp trái nghĩa theo hướng ngữ dụng (tức là theo dụng ý của người nói). Chẳng hạn, từ tươi trong tiếng Việt có thể thiết lập khá nhiều cặp trái nghĩa khác nhau: tươi - héo (rau tươi - rau héo), tươi - úa (cỏ tươi - cỏ úa), tươi - khô (rơm tươi - rơm khô, cau tươi - cau khô), tươi - nỏ (củi tươi - củi nỏ), tươi - ươn (cá tươi - cá ươn), tươi - ôi (thịt tươi - thịt ôi), tươi - ung (trứng tươi - trứng ung), Và còn rất nhiều từ có kết hợp với tươi để tạo sự khác biệt nữa: tiền tươi, chữ ký tươi, bê tông tươi

Trở lại bài tập từ trái nghĩa chỉ màu sắc ở trên. Ngoài cặp trắng - đen phổ biến (quân trắng - quân đen, Trời mưa tránh trắng - trời nắng tránh đen), ta vẫn thấy có các cặp xanh - đỏ (Cào cào giã gạo cho nhanh/ Mẹ mua áo đỏ, áo xanh cho cào),xanh - trắng - vàng(Trên trời có đám mây xanh/ Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng), nhạt - sẫm (ảnh màu nhạt - ảnh màu sẫm), sáng - tối (gam màu sáng - gam màu tối)... Cứ như vậy, ta có thể tìm ra không chỉ 5 mà nhiều cặp từ trái nghĩa chỉ màu sắc trong tiếng Việt.

Như vậy, từ trái nghĩa không phải lúc nào cũng là từ có nghĩa đối lập hoàn toàn. Nó có thể là một từ khác nghĩa nhưng trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó, người ta có thể cấp cho nó một vế trái nghĩa ngữ dụng. Như trên đã nói, riêng từ tươi trong tiếng Việt các nhà từ điển đã thống kê tới hơn 20 cặp trái nghĩa khác nhau. Vì thế, trước khi dạy phần từ đồng nghĩa, trái nghĩa trong tiếng Việt cho học sinh, giáo viên phải nắm được đặc trưng cơ bản của hiện tượng trái nghĩa (người nói tự thiết lập các cặp đối lập theo cách dùng trong ngữ cảnh cho phép, miễn là người nghe chấp nhận trong sự liên tưởng ngữ nghĩa). Mô hình trái nghĩa không chỉ là A và không A mà còn là A và không giống A.

Video liên quan