Trước khi kéo vào nước ta Mông Cổ đã làm gì Thai độ của nhà Trần như thế nào

QĐND - Một ngày sau “Tết ông Công ông Táo”, ngày 24 Tết năm Mậu Ngọ, chuyển sang dương lịch thì đó đã là ngày cuối tháng đầu năm 1258 [29-1-1258].

Bấy giờ, trên bàn cờ thế cuộc và bản đồ quân sự phương Đông, ở phía Bắc nước Đại Việt, có một bên là nước Tống đang ở vào những ngày tàn, một bên là quân Mông Cổ đương thời cường thịnh, đang quyết xóa sổ nhà Tống để lập nên đế chế Nguyên Mông.

Minh họa: Bảo trâm

Chúa Mông Cổ, trong kế hoạch đánh nước Tống từ 4 ngả, đã phái một đạo quân kỵ bộ thiện chiến, giao cho tướng Ngột Lương Hợp Thai [tên Mông Cổ là Uriyangqatai] chỉ huy, từ Vân Nam, theo hai đường-dọc sông Hồng và sông Chảy-tiến xuống, đánh chiếm nước Đại Việt, để rồi từ đó đưa quân ngược lên, thọc mũi dao hiểm vào sau lưng quân Tống, phối hợp với 3 đạo quân kia tiêu diệt nhà Tống.

Cuộc xâm lược nước Việt của quân Mông Cổ-được coi là cuộc xâm lăng lần thứ nhất của đế chế Nguyên Mông-đã diễn ra trong hoàn cảnh đó, vào cuối mùa đông năm Đinh Tỵ, giáp Tết năm Mậu Ngọ, nhưng dương lịch thì đều rơi vào những ngày cuối tháng Một năm 1258.

Được tin hai cánh quân Mông Cổ đã hội sư ở Bạch Hạc-Việt Trì, đang rầm rộ tiến binh về hướng Kinh đô nước Đại Việt, vua Trần Thái Tông đã đem hết lực lượng thủy bộ của quân đội nhà Trần, từ Thăng Long kéo lên cánh đồng Bình Lệ Nguyên [huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay] dàn trận, đón đánh.

Nhà Trần, sau 32 năm thay nhà Lý làm chủ đất nước, đến lúc này là lần đầu tiên đối mặt với ngoại xâm. Vì thế, theo đúng binh pháp cổ điển, đã chọn cách đánh trận địa chiến: Bày trận trên bãi chiến trường đồng bằng, bộ binh-có cả voi chiến hỗ trợ-dàn bày phía trước, thủy quân-với đủ loại thuyền bè-bố trí mé sau, chờ giặc đến thì giao chiến.

Đánh giặc cách này là đánh theo lối đánh sở trường của giặc.

Vì thế, vào ngày 12 tháng Chạp năm Đinh Tỵ [17-1-1258], ở trận Bình Lệ Nguyên, mở màn cuộc chiến tranh xâm lược của Mông Cổ-bắt đầu cuộc kháng chiến của Đại Việt, thất lợi là thuộc về quân ta.

Nhưng hoàng soái Trần Thái Tông-theo lời động viên của tả hữu-vẫn quyết một trận tử chiến-“đánh chết thôi”! Rất may mà đã có được lời can ngăn chí lý vào đúng lúc giữa trận tiền của danh tướng Lê Tần: “Như thế này là bệ hạ đang dốc trí đánh nước cuối cùng đấy! Nên lánh đi! Chớ nên nhẹ dạ tin lời người ta!”.

Thế là tỉnh cơn say đòn, hoàng soái Trần Thái Tông hạ lệnh lui binh.

Rời Bình Lệ Nguyên ngày 12 tháng Chạp thì hôm sau, tổ chức thêm trận đánh chặn ở cầu Phù Lỗ, cản đường truy kích của giặc vào ngày 13 [dương lịch là ngày 18-1-1258], quân ta về đến Thăng Long ngày 14 tháng cuối năm Đinh Tỵ [19-1-1258], và quyết định luôn một việc trọng đại: Bỏ kinh thành, tiếp tục rút lui theo đường sông Hồng về phía Nam.

Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong buổi đầu thời đại phong kiến tự chủ-tính từ triều đại nhà Ngô, rồi nhà Đinh, nhà Tiền Lê ở thế kỷ 10, nhà Lý ở các thế kỷ 11, 12-đến lúc này. Kinh đô đất nước-dù là Cổ Loa, Hoa Lư, hay Thăng Long-trong những lần chống ngoại xâm ở các triều đại trước đấy, đều luôn được ưu tiên và cẩn trọng việc bảo vệ, bảo toàn. Bởi vì, vẫn theo binh pháp cổ điển: Mất kinh đô là mất nước!

Đạo quân Mông Cổ của tướng Ngột Lương Hợp Thai càng tin tưởng vào điều này. Vì thế, đuổi theo quân Trần từ Bình Lệ Nguyên, qua Phù Lỗ, đến Thăng Long, thấy tòa kinh thành nước Việt bị bỏ ngỏ, chúng tràn vào chiếm luôn. Và, sau mấy cuộc tàn sát, đốt phá trong nội đô, chúng kéo đại quân ra đóng ở khu căn cứ thủy bộ Đông Bộ Đầu của nhà Trần ở mạn phía đông trên hữu ngạn sông Hồng của kinh thành [bây giờ là khu vực Dốc Hàng Than-Bến Nứa [chợ Long Biên], mé trên đầu cầu nam Long Biên, Hà Nội] chờ nhà Trần đến “giao nộp nước”-đầu hàng!

Nhưng chờ mãi vẫn chẳng thấy, đến ngày thứ chín-đúng ngày Tết Táo Quân-tướng Mông Cổ đành phải phái hai viên sứ giả đi tìm triều đình nhà Trần để “chiêu dụ”. Tuy nhiên, kết quả lại chỉ là: Sứ giả bị trói, đuổi về! Và rồi, ngay hôm sau-24 tháng Chạp năm Đinh Tỵ [29-1-1258]-thì chính “thiên binh vạn mã” nhà Trần đã tìm đến đại doanh Mông Cổ, đánh một trận đại tập kích, phản công, giải quyết thắng lợi toàn bộ cuộc kháng chiến: Trận quyết chiến chiến lược Đông Bộ Đầu.

Tiền đề thứ nhất dẫn đến thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược Đông Bộ Đầu chính là: Cuộc “rút lui chiến lược”, thậm chí rút bỏ khỏi cả kinh đô đất nước của triều đình và quân đội nhà Trần! Điều không có trong binh pháp cổ truyền này, lại đã mở ra sự sáng tạo-từ thực tế chiến tranh và chiến trường có phần bất ngờ, mới ở bước đầu của nghệ thuật và khoa học quân sự, về sau mang tên “Chiến tranh nhân dân” độc đáo, đặc sắc của lịch sử và dân tộc Việt Nam.

Còn tiền đề thứ hai, trực tiếp hơn, thì đó là sự thể triều đình và quân đội nhà Trần đã “rút lui chiến lược” về đâu, đã làm gì ở đấy, vào lúc ấy?

Đã có sự tìm kiếm đúng đắn về vị trí của “Hoàng Giang” là khúc [đoạn] sông Hồng chảy qua vùng huyện Nam Xang [Nam Xương], phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Nhưng địa bàn này, thực ra chỉ là miền đất ở một bên bờ phải [hữu ngạn] của Hoàng Giang thôi. Dừng sự tìm kiếm ở đấy, sẽ không thấy một vết tích [chứng tích] nào về cuộc “rút lui chiến lược” của triều đình và quân đội nhà Trần đầu năm 1258 cả. Do đó mà cũng không thể nhận diện được những cơ sở của các hoạt động khi lánh giặc mà về đây một thời gian của nhà Trần.

Trong khi thực tế là Hoàng Giang bao giờ cũng có đôi bờ, và bờ sông bên trái [tả ngạn], tức bờ bên kia, đối ngạn với đất huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân ở bờ bên này, thì đó mới chính là địa bàn lánh giặc, đặc biệt là “đứng chân”-củng cố lực lượng, chuẩn bị phản công của triều đình và quân đội nhà Trần. Bởi vì, đây là phủ Long Hưng, huyện Ngự Thiên-đất dấy nghiệp của nhà Trần!

Miền đất bây giờ là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, được sử cũ chép rõ: Chẳng những-vào đầu thế kỷ 13-là nơi mà nhà Trần đã dựa vào để làm cuộc tiến lên kinh đô, thay nhà Lý làm chủ cơ đồ nước Việt, mà còn chính là quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của những chỉ huy chủ chốt cuộc “rút lui chiến lược” vào những ngày Tết năm Mậu Ngọ [1258]: Hoàng soái Trần Thái Tông, Thái sư Trần Thủ Độ và đặc biệt là Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị [Dung].

Tiền đề trực tiếp cho trận quyết chiến chiến lược Đông Bộ Đầu, vậy là đã thành và sẵn sàng.

Nhờ đó, sau 10 ngày về “đứng chân” trên đất Ngự Thiên Long Hưng-“Nơi ở của [con] Trời và Sự hưng Khởi Rồng”-đủ để khôi phục lực lượng, lấy lại tinh thần, đồng thời cũng đủ để gây nguy khốn cho giặc, khi phải chơ vơ giữa thế trận sơ khởi của “chiến tranh nhân dân”, vào ngày 24 tháng Chạp năm Đinh Tỵ [29-1-1258], quân ta đã tiến lên, đánh thẳng vào đại binh địch đang đóng quân ở Đông Bộ Đầu.

Trận quyết chiến chiến lược ngày giáp Tết năm Mậu Ngọ này chỉ còn được rất ít thông tin về diễn biến chiến sự trong sử sách chính thống cổ truyền. Nhưng hiệu quả và kết quả cụ thể, rõ rệt của nó thì đã rất đầy đủ để chứng minh thực chất của hoạt động chiến đấu và chiến tranh này: Nhanh chóng đánh bại cuộc đề kháng, bị dồn vào đấy, của một đạo quân vốn chỉ quen rầm rộ tấn công! Không những thế, còn kích bật giặc ra khỏi kinh thành, buộc chúng phải cuống cuồng tháo chạy theo đường ven bờ phải sông Hồng, một mạch mà ngược ra khỏi nước Việt!

Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất đã thành công rực rỡ, để lại những bài học, kinh nghiệm quý báu, được đúc rút và thực hành trong các lần kháng chiến thứ hai, thứ ba, sau đó. Ngay lúc bấy giờ, một tuần sau ngày đánh trận quyết chiến chiến lược Đông Bộ Đầu, thì đã là ngày Mồng Một, Tết năm Mậu Ngọ [5-2-1258]. Một buổi thiết đại triều, mừng xuân mới, mừng đại thắng, đã được tổ chức tưng bừng và trọng thể ở tòa chính điện Thiên An, giữa kinh thành Thăng Long vừa được giải phóng.

Bấy giờ là năm thứ bảy và là năm cuối cùng, niên hiệu Nguyên Phong của hoàng soái Trần Thái Tông. Ngay sau đó, đã là năm thứ nhất, niên hiệu Thiệu Long của vua Trần Thánh Tông-chính là vị tướng trẻ 18 tuổi-hoàng tử trưởng của Trần Thái Tông-được vua cha sớm nhường ngôi cho, do sự xứng đáng đã được thử thách vào lúc vừa theo phụ hoàng đánh trận Đông Bộ Đầu.

30 năm sau nữa thì đến niên hiệu Trùng Hưng của vua Trần Nhân Tông-Anh hùng dân tộc của hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông các năm 1284-1285 và 1287-1288. Vào một ngày đầu xuân, từ Thăng Long đi viếng tòa Chiêu Lăng của ông nội Trần Thái Tông ở Ngự Thiên-Long Hưng, vua Trần Nhân Tông vẫn thấy còn những người lính già, từng đã dự trận Đông Bộ Đầu năm 1258, bây giờ đi theo hộ giá. Ký ức hào hùng về trận quyết chiến chiến lược ngày giáp Tết năm Mậu Ngọ-năm thứ bảy niên hiệu Nguyên Phong-vẫn rực rỡ ở nơi những “bạch đầu quân” này, vậy là đã khiến Trần Nhân Tông viết ngay được hai câu tuyệt bút trong bài thơ “Xuân nhật yết Chiêu Lăng” [Ngày xuân viếng Chiêu Lăng] của mình:

Bạch đầu quân sĩ tại

Vãng vãng thuyết Nguyên Phong

[Còn có những người lính đầu bạc

Vẫn luôn kể chuyện thời Nguyên Phong].

GS LÊ VĂN LAN


Video liên quan

Chủ Đề