Vì sao phải phát huy sức mạnh toàn dân tộc

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay

[ĐCSVN] – Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta được lưu truyền qua các thế hệ. Tinh thần yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung, tương thân tương ái tiếp tục được phát huy trong thời gian qua đã trở thành chất kết dính, gắn bó các thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Những quan điểm, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết dân tộc về Mặt trận dân tộc thống nhất ở thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế được tổng kết và nâng cao tầm nhận thức trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội [bổ sung, phát triển năm 2011] được luật hóa bằng Hiến pháp và các luật, đã từng bước đi vào cuộc sống đã khơi dậy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân trên mọi việc của đời sống xã hội. Những kết quả đạt được trong các cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, đã góp phần làm cho “khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng, củng cố và tăng cường trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn, thách thức”. Đúng như Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc khóa XII của Đảng đã nhận định.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khởi xướng, xây dựng và hết lòng chăm lo
cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. [Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh]

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc [MTTQ] và các tổ chức thành viên các cấp đã phát động, triển khai nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động thi đua yêu nước có ý nghĩa thiết thực được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, đã đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội… Trước tình hình của chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, các tầng lớp nhân dân ở trong nước cũng như người Việt Nam đang làm ăn và sinh sống ở nước ngoài bằng những việc làm cụ thể đã thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc, ý chí quyết tâm đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của Tổ quốc.

Có thể khẳng định rằng: Dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, các giai cấp, các tầng lớp nhân dân đoàn kết trong MTTQ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào thành quả chung của đất nước, vào việc củng cố, tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Giai cấp công nhân Việt Nam: Phát triển nhanh về số lượng, đa dạng hóa về ngành nghề. Với 11 triệu người, chiếm hơn 25,8% lực lượng lao động xã hội, giai cấp công nhân có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế, giữ vai trò nòng cốt trong việc tiếp thu và làm chủ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, góp phần quan trọng vào việc hình thành các ngành công nghiệp hiện đại và sự tăng trưởng của nền kinh tế. Điều đáng lưu ý trong giai cấp công nhân hiện nay là trên ba phần tư công nhân đang làm việc trong các khu vực tư nhân và khu vực kinh tế có vốn đầu tư của nước ngoài, một bộ phận đang gặp khó khăn về đời sống vì những năm gần đây do khủng hoảng kinh tế thế giới tác động đến đất nước ta, nên không có việc làm.

Mong muốn của công nhân hiện nay là việc làm, đời sống dân chủ và công bằng xã hội. Làm sao để mọi công nhân đều có việc làm ổn định, có nhà ở, đời sống văn hóa và điều kiện học hành cho con em, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Giai cấp nông dân: Lực lượng đông đảo nhất của đất nước. Với gần 20 triệu người, chiếm hơn 47% lực lượng lao động xã hội, nông dân nước ta phát huy truyền thống cần cù, sáng tạo, vượt khó, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã phấn đấu không ngừng tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Trong tình hình kinh tế gặp khó khăn, nông dân, nông nghiệp đã góp phần quan trọng ổn định đời sống xã hội, hỗ trợ đắc lực cho công nghiệp, dịch vụ. Băn khoăn, lo lắng của nông dân hiện nay là thu nhập thấp, đại bộ phận hộ nghèo là nông dân, đặc biệt là nông dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa; chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho nông dân, nông nghiệp còn hạn chế; đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp không ổn định; việc làm, đào tạo nghề, đặc biệt là miền núi, vùng cao còn nhiều khó khăn.

Đội ngũ trí thức: Phát triển nhanh về số lượng và đa dạng hóa về ngành nghề. Với 4,9 triệu người, chiếm hơn 11,5% lực lượng lao động xã hội, trí thức đi đầu trong các hoạt động về khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, phát triển kinh tế tri thức tạo ra nhiều công trình, sản phẩm khoa học có giá trị cao, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Mong muốn của trí thức hiện nay là phấn đấu để sớm giải quyết được sự hẫng hụt về trí thức đầu đàn và có những điều kiện cần thiết để phát huy hết khả năng sáng tạo của mình cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam: Với sự phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần đã hình thành nhanh chóng đội ngũ doanh nhân với vai trò ngày càng lớn trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm. Với khoảng 2 triệu người hoạt động trong hơn 346.000 doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Mong muốn của doanh nhân là môi trường đầu tư cần thông thoáng hơn, có chính sách phát triển doanh nghiệp và sản phẩm, dịch vụ mới.

Bên cạnh những doanh nhân làm ăn chân chính, đã xuất hiện những “doanh nghiệp ma”, doanh nghiệp làm ăn bất chính như: sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, nhập khẩu trái phép, lừa đảo, trốn thuế, trốn bảo hiểm xã hội, gây ô nhiễm môi trường…

Đội ngũ công chức, viên chức: Cả nước hiện có khoảng 2,4 triệu người, chiếm 5,6% lực lượng lao động xã hội, đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng các nhu cầu chăm sóc y tế, giáo dục, đào tạo và văn hóa của nhân dân.

Về cuộc sống, bên cạnh số đông sống bằng đồng lương, cuộc sống còn nhiều khó khăn do giá cả leo thang vì đồng tiền trượt giá, đã xuất hiện một bộ phận bằng nhiều việc làm, nhiều biện pháp để có thêm thu nhập, kể cả những việc làm bất chính, vi phạm đạo đức của người cán bộ và pháp luật của nhà nước. Mong muốn của đa số công chức, viên chức là tăng lương để đảm bảo cuộc sống và có chương trình về nhà ở.

Đồng bào các dân tộc thiểu số: Hiện có hơn 13 triệu người, chiếm 14,4% dân số cả nước. Đồng bào đóng góp ngày càng nhiều cho sự nghiệp phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm quốc phòng an ninh. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo trong các dân tộc thiểu số còn khá cao, nhất là ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.

Đồngbào các tôn giáo: Hiện có khoảng 24 triệu người, chiếm gần 27% dân số cả nước, tiếp tục phát huy truyền thống đạo gắn với đời, đồng hành cùng dân tộc, thực hiện “Sống tốt đời đẹp đạo”, nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh hoạt động nhân đạo từ thiện, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận bị kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng vào các hoạt động gây mất trật tự, ổn định xã hội.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài: Với hơn 4,5 triệu người sống và làm việc ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, trong những năm qua, đã có nhiều nỗ lực trong lao động, học tập, chấp hành pháp luật nước sở tại, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nêu cao tinh thần đoàn kết gắn bó với quê hương đất nước, tích cực đóng góp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cầu nối góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập, tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa nước ta với các nước trên thế giới. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn được quan tâm giúp đỡ nhiều hơn để giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, nhất là tiếng nói và chữ viết cho thế hệ trẻ, phát huy hơn nữa khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức, doanh nhân cho phát triển đất nước.

Những đóng góp to lớn của các giai cấp, tầng lớp xã hội nêu trên là những yếu tố cực kỳ quan trọng, là động lực chủ yếu đảm bảo ổn định chính trị - xã hội và thúc đẩy đất nước phát triển.

Cùng với những chuyển biến và tiến bộ xã hội, nhiều vấn đề mới đã và đang nảy sinh trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới. Đó là xã hội, giai cấp, tầng lớp, nhóm dân cư đang trong quá trình phân hóa. Và cùng với sự phân hóa đó là sự chênh lệch ngày càng lớn về mức thu nhập và hưởng thụ giữa các vùng miền, giữa người đương chức, người về hưu, giữa thành thị và nông thôn… Sự phân hóa giàu nghèo có chiều hướng gia tăng và đang ảnh hưởng lớn đến đại đoàn kết dân tộc. Vì vậy, trong đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng, củng cố và tăng cường như Dự thảo báo cáo chính trị đã nêu song chưa thật vững chắc và đang đứng trước những thách thức không thể xem thường.

Như Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng [khóa XI] đã nhận định: Lòng tin của một bộ phận nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và khả năng quản lý của Nhà nước có phần giảm sút. Nhân dân, nhất là các đồng chí cán bộ cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ nghỉ hưu – những người sống chết vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa, cả đời phấn đấu cho độc lập, tự do – rất bất bình trước những bất công xã hội, trước tình trạng tham nhũng quan liêu, xa dân; kỷ cương phép nước không nghiêm; đạo đức có lúc, có nơi, có bộ phận xuống cấp; tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông không giảm; việc chấp hành chủ trương, chính sách không đến nơi đến chốn; tình hình chạy chức, chạy bằng, chạy tội…. vẫn còn tồn tại dưới những hình thức tinh vi hơn; một số cán bộ nói nhiều, làm ít, lời nói không đi đôi với việc làm…

Thiết nghĩ, để đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng thực sự là nguồn sức mạnh, là động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dịp Đảng đang tiến hành đại hội các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng cần làm cho cả hệ thống chính trị, từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp ủy đảng, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất. Cụ thể cần nắm vững quan điểm cơ bản, đồng thời cũng là những định hướng lớn về phát suy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay là:

1. Lợi ích cơ bản của nhân dân, của dân tộc ta ngày nay là độc lập, tự do và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lợi ích đó được thể hiện cụ thể hằng ngày trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Vì vậy, củng cố, tăng cường đoàn kết toàn dân tộc không thể chung chung mà phải gắn chặt với việc đảm bảo các lợi ích đó.

2. Một trong những động lực thúc đẩy nhân dân tăng cường đoàn kết trong tình hình hiện nay là quyền làm chủ đất nước của nhân dân phải được tôn trọng. Pháp luật phải đảm bảo để nhân dân thực sự là người chủ, thực sự làm chủ như Hiến pháp [sửa đổi, bổ sung] đã quy định.

3. Thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân không chỉ là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, mà còn là trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và của toàn dân. Do đó, qua hoạt động của mình, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phải không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để góp phần làm cho mối liên hệ đó luôn luôn bền chặt, ý Đảng phù hợp với lòng dân.

4. Trong giai đoạn hiện nay, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có tác dụng trực tiếp và quyết định đến kết quả xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội mà Đảng đã đề ra trong Quyết định 217/QĐ của Bộ Chính trị để các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sát cuộc sống, đáp ứng lợi ích của nhân dân – cũng có ý nghĩa là lợi ích của Nhà nước.

Kiên trì thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, khoan dung của tổ tiên, cùng nhau hợp sức xây dựng cho được một xã hội đồng thuận cao trên tinh thần cởi mở, độ lượng, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định và phát triển toàn diện và bền vững của đất nước./.

Nguyễn Túc -
Ủy viênĐoàn Chủ tịchỦy ban Trungương MTTQ Việt Nam

Video liên quan

Chủ Đề