Nhận xét chung về văn hóa của campuchia và lào năm 2024

Lào là một đất nước thanh bình, thiên nhiên hùng vĩ, giàu tài nguyên. Đất nước Lào xinh đẹp, nhiều thắng cảnh nổi tiếng, những vùng núi hoang sơ hay các vùng quê thanh bình. Được thiên nhiên ưu đãi, Lào có nguồn tài nguyên khá dồi dào và phong phú có hệ thống sông ngòi giàu thủy sản và phù sa; có rừng với nhiều gỗ quý như đinh, lim, sến, táu, vàng tâm, pơ mu… và nhiều động vật quý hiếm như voi, hổ, trâu rừng, bò, báo, gấu… Đồng thời phải nói đến bàn tay cần cù, khéo léo và khối óc sáng tạo của con người Lào mà nhờ đó, ba vùng đồng bằng trở thành ba vựa lúa phì nhiêu, các cao nguyên trở thành vùng đồi xanh ngút ngàn đủ thứ cây trồng công nghiệp: cà phê, chè, cao su, cây ăn quả…

Lào là quốc gia đất không rộng, người không đông nhưng có truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm và đoàn kết sát cánh với nhân dân Việt Nam, Campuchia đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược cùng tay sai phản động. Sau hơn 30 năm ròng rã đấu tranh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, cuộc cách mạng Dân tộc Dân chủ Nhân dân Lào đã kết thúc thắng lợi trọn vẹn. Việc khai sinh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (02 - 12 - 1975) đã kết thúc vẻ vang cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các bộ tộc Lào kéo dài suốt 197 năm kể từ khi phong kiến Xiêm đặt ách thống trị Lào vào năm 1778. Đây là một thắng lợi oanh liệt và vĩ đại nhất trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của nhân dân các bộ tộc Lào. Với thắng lợi này, nhân dân các bộ tộc Lào bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, hòa bình và tiến bộ.

Yêu nước là một trong những giá trị cơ bản nhất của văn hóa truyền thống các bộ tộc Lào. Người dân Lào thường xem trọng văn hiến, giàu truyền thống yêu nước, yêu hòa bình và hòa hợp dân tộc... Những hình tượng đẹp đẽ nhất trong các áng văn thơ và các tác phẩm nghệ thuật Lào thường nói về lòng yêu nước. Từ truyền thống yêu nước mà nhân dân các bộ tộc Lào cần cù, sáng tạo trong lao động và dũng cảm, lạc quan trong đấu tranh. Đặc biệt, tình đoàn kết giữa hai dân tộc, hai nền văn hóa Lào và Việt Nam vốn có lịch sử từ lâu đời, kề vai sát cánh trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung cũng như trong xây dựng cuộc sống, để hình thành nên nét đẹp văn hóa chính trị hết sức độc đáo.

Nằm ở nơi giao hội của hai nền văn minh vĩ đại và hùng mạnh nhất châu Á là Ấn Độ và Trung Hoa, người dân Lào đã tiếp nhận những phong tục và tín ngưỡng của hai nền văn minh ấy để hình thành nên một nền văn hóa đặc sắc của riêng mình. Tuy có những nét chung của văn hóa Đông Nam Á nhưng văn hóa Lào có rất nhiều nét riêng biệt. Trong thế ứng xử với các nền văn hóa lớn, Lào vẫn giữ được bản sắc dân tộc độc đáo và không ngừng phát triển. Đó là văn hóa núi rừng, cao nguyên, văn hóa lúa nước đan xen với văn hóa ngư thủy; lễ đâm trâu đan xen với lễ hội té nước… Nền văn hóa mở nhưng mang tính độc lập cao. Văn hóa vật chất của người Lào thể hiện qua trang phục, nhà ở, thủ công mỹ nghệ truyền thống hết sức phong phú. Ẩm thực của Lào đa dạng, tất cả đều mang hương vị vừa quen lại vừa lạ; quen vì các nguyên liệu không quá khó tìm, nhưng lạ vì cách chế biến tinh tế và rất đặc trưng. Người Lào đặc biệt thích ăn các món nướng, tất cả những thực phẩm có thể chế biến được bằng cách nướng thì họ đều sử dụng, từ thịt, cá đến cả rau củ.

Nói đến văn hóa Lào thường nói đến văn hóa Phật giáo, du nhập vào Lào từ đời Chậu Phà Ngừm và dần dần trở thành quốc giáo. Tuyệt đại đa số dân Lào theo đạo Phật bởi hợp với truyền thống nhân ái và bao dung, ít kỳ thị của người Lào. Đạo Phật đã ăn sâu vào tư tưởng của người Lào và ảnh hưởng này được thể hiện qua ngôn ngữ, nghệ thuật, tạo nên một nét văn hóa rất riêng biệt. Nhiều phong tục tốt đẹp được hình thành trong quá trình lịch sử và dần trở thành “lệ làng”, được các thành viên trong các bộ tộc thừa nhận và tự giác thực hiện.

Lào là nước có tỉ lệ chùa so với dân số cao nhất thế giới. Chùa chiền, đền tháp là nơi gắn bó với người Lào, cũng là chất keo cộng đồng gắn kết các bộ tộc Lào lại với nhau - chất keo văn hóa Phật giáo. Lễ hội gắn với chùa chiền, chùa chiền gắn liền với làng bản, là nơi để mọi người gặp gỡ, giao lưu và múa hát. Lễ hội cũng là biểu hiện của văn hóa tâm linh Phật giáo từ bi, hỷ xả đã ăn sâu vào máu thịt bao đời người dân các bộ tộc Lào. Lễ hội (Hệt Bun), hành lễ hàng tháng (Hịt Xíp Xoong), tục kiêng kỵ (Khoong Xíp Xi), lễ hội mừng năm mới (Bun Pi May), tục làm lễ buộc chỉ cổ tay (Ba Si Su Khuận) và té nước (Hốt Nắm) mong xua đuổi cái xấu đi cùng năm cũ, để năm mới có tư duy mới, có cái tốt, cái thiện và gặp nhiều may mắn mới... đã góp phần làm nên bản sắc riêng và hình thành nên hệ giá trị văn hóa truyền thống của các bộ tộc Lào.

Di sản văn hóa truyền thống phi vật thể bao gồm tinh thần, tư tưởng, lý tưởng, niềm tin, bản lĩnh chính trị, đạo đức, phong tục, nếp sống văn minh, trình độ dân trí, các loại hình nghệ thuật… Cả những di sản văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể đều được chứa đựng trong cơ sở vật chất văn hóa, trong hoạt động xã hội, trong nhân cách mỗi người, trong các quan hệ cộng đồng…, đều được coi như tế bào sống hợp thành hệ giá trị văn hóa truyền thống của các bộ tộc Lào.

Người dân Lào cần cù, chăm chỉ và ham học hỏi. Bằng trí thông minh và bàn tay khéo léo, nhân dân các bộ tộc Lào đã sáng tạo ra các công trình văn hóa lâu đời và lưu giữ những di sản văn hóa mang đậm nét bản sắc, truyền thống đến ngày nay. Ngay ở các nơi có di chỉ đồ đá đã thấy thể hiện bàn tay khéo léo của người Lào cổ trong chế tác công cụ theo những hình dáng nhất định, đầy công phu và loại hình phong phú. Nền văn minh nông nghiệp lúa nước là đặc trưng của kinh tế - văn hóa Lào cổ, kết hợp với nông nghiệp lúa khô trên nương rẫy và ngư nghiệp, lâm nghiệp, nghề thủ công. Nền tảng kinh tế, văn hóa truyền thống của các bộ tộc Lào không hướng đến những khám phá vĩ đại mà luôn gắn liền với tinh thần nhân văn. Đặc biệt, các công trình kiến trúc điển hình của Lào là chùa và tháp đã thể hiện sự sáng tạo tìm tòi của người thợ thủ công.

Con người Lào có tinh thần vươn lên khắc phục khó khăn trong lao động sản xuất cũng như chống giặc ngoại xâm. Đất nước, con người Lào gắn liền với sự nghiệp dựng nước đi đôi với giữ nước trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.