Thông điệp nào có ý nghĩa nhất đối với anh/chị trong đoạn trích cái kén và con bướm vì sao

Đề bài : Phát biểu suy nghĩ của em về thông điệp mà tác giả muốn truyền tải tới cho mọi người qua câu chuyện dưới đây bằng một bài văn ngắn (khoảng một trang giấy thi):

       “Một cậu bé nhìn thấy cái kén của một con bướm. Một hôm cái kén hở ra một khe nhỏ, cậu bé ngồi yên và lặng lẽ quan sát con bướm trong vòng vài giờ khi nó gắng sức chui qua khe hở ấy.

      Nhưng có vẻ nó không đạt được kết quả nào cả. Cậu bé quyết định giúp con bướm bằng cách cắt khe hở cho to hẳn ra. Con bướm chui ra được ngay, nhưng cơ thể nó bị phồng rộp và cánh nó co lại bé xíu. Cậu bé hi vọng đôi cánh sẽ đủ lớn để con bướm có thể bay lên. Nhưng chuyện đó đã không diễn ra.

       Thực tế, con bướm này phải bò trườn suốt cả cuộc đời. Nó không bao giờ bay được nữa.

       Cậu bé không hiểu rằng, chính việc tự mình nỗ lực thoát ra khỏi cái kén chật chội kia là điều kiện không thể thiếu để chất lưu trong cơ thể con bướm chuyển vào đôi cánh, giúp nó bay được. ”

(Hạt giống tâm hồn – First News)

Bài làm 1

      Có một nhà văn đã từng nói: “Hãy sống như thể ngày mai là tận thế”. Cuộc sống là thế, luôn khó khăn, vất vả. Khi bạn đã chấp nhận bước chân vào con đường đầy sỏi và đá ấy, bạn đã chấp nhận đối mặt gian nan, thử thách bất ngờ có thể ập đến với bạn bất cứ lúc nào, và điều mà bạn cần để vượt qua chúng là sự nỗ lực. Nỗ lực, nỗ lực hết mình, và thành quả mà bạn có được chính là sự chiến thắng. Thế nhưng nếu bạn buông xuôi, từ bỏ, yếu đuối chấp nhận thất bại hay thành công một cách dễ dàng thì hậu quả mà bạn gánh chịu cũng giống như những gì mà chú bướm trong câu chuyện phải chịu đựng.

     Thử thách, phải, nó thật khó khăn. Khi thử thách đến với cuộc đời bạn, nó như một tấm đệm nặng chịch và bạn là người bị đè dưới lớp bông ngột ngạt ấy. Cái kén, giống như một tấm đệm, ngoài việc bảo vệ chú sâu bướm, nó còn là thử thách dành cho chú. Như bao con sâu khác, chú đã “gắng sức chui qua khe hở ấy”. Thế nhưng, một cậu bé đã tới, rạch trên cái kén một nhát kéo định mệnh. Nhát kéo ấy đưa chú sâu tới với ánh sáng bên ngoài, tới với bầu trời cao thăm thẳm mà suốt cuộc đời còn lại, con bướm ấy sẽ chẳng bao giờ có thể chạm tới. Đối với những chú sâu, vượt qua cái kén cũng giống như vượt qua một thử thách đầu đời, giống như mở cánh cửa tới cuộc sống. Thế mà chú sâu ấy đã không phải nỗ lực, không phải trải qua hàng giờ đau đớn để rồi khi thoát khỏi cái kén, chú có thể tận hưởng cảm giác chiến thắng, tận hưởng bầu trời xanh mơn man, những cơn gió thổi rì rào và những áng mây trắng bồng bềnh êm dịu. Có một người đã nhấc tấm nệm ra khỏi người chú một cách dễ dàng, và ném cho chú chiếc chìa khoá để bước chân vào cuộc sống, chú chẳng bao giờ biết tới nỗ lực, chẳng bao giờ biết tới niềm vui chiến thắng và dĩ nhiên, cũng sẽ chẳng bao giờ được như những con bướm khác, nỗ lực để có thể bay bổng trên bầu trời.

      Liệu hậu quả mà chú bướm phải gánh chịu hoàn toàn là do lỗi của chú? Hay chính cậu bé, người đã cắt cái kén, đã gây ra những điều đáng tiếc này?

      Nhà triết học người Pháp từng nói: “Mỗi một con người chỉ là một hạt cát nhỏ trong sa mạc. Hạt cát ấy chỉ thực sự có ích khi mà nó làm đúng trách nhiệm của mình”. Cậu bé tốt bụng ấy đã quyết định giúp chú bướm đang phải vất vả trong cái kén chật chội. Cậu cắt nhát cắt ấy không chỉ cắt đứt vỏ kén, mà đã cắt đứt luôn cả sợi dây nối với cuộc sống của chú bướm. Lòng tốt đôi khi không đem lại những kết quả tốt. Giống như việc một em bé tập đi vậy, nếu bé ngã, bạn chạy tới vỗ về tức là bạn đã khiến em bé ỷ lại ở tình yêu thương của bạn và bé sẽ chẳng thể biết đi. Thế nhưng nếu bạn cứ để mặc bé ngã, bé sẽ đau, sẽ khóc nhưng những giọt nước mắt đầu đời ấy, những vết thương, vết xước sẽ như những minh chứng ‘cho sự nỗ lực mà bé đã bỏ ra để có thể bước đi vững vàng trên con đường cuộc sống đầy gian nan. Chú bướm cũng vậy, nếu có thể tự mình vượt qua cái kén, nếu chú bé chỉ động viên, an ủi con bướm, nó sẽ có nghị lực càng lớn hơn và tương lai nó có thể bay lượn trên bầu trời, nó có thể đem niềm vui tới cho mọi người và sống thật có ích.

    Cuộc sống là vậy đó! Bạn không thể đòi hỏi thành quả mà không chấp nhận hi sinh, chấp nhận nỗ lực. Đừng bao giờ nghĩ rằng sẽ có người giúp bạn mở cánh cửa tới với chiến thắng, và cũng đừng bao giờ nhấc tấm đệm của người khác bạn nhé! Các cụ ngày xưa đã dạy “sai một li, đi một dặm” mà.

Trần Thị Mai Anh .

(Trường THCS Trưng Vương)

Bài làm 2

      Trong cuộc sống xồ bồ, ta đi tìm hạnh phúc qua chông gai, đi tìm thành công trong cố gắng, và tất nhiên thành công do chính chúng ta tạo dựng nên sẽ rất huy hoàng, chắc nó sẽ đẹp hơn khi con đường toả sáng của bạn không có vết chân người khác. Câu chuyện trên cũng cho ta thấy được bài học về lòng tốt không được dùng đứng lúc và hậu quả của nó.

       Thường thì những câu chuyện ngắn sẽ mang lại cho ta nhiều suy nghĩ có chiều sâu, bởi ta phải nghĩ kĩ mới có thể thấy được những cái hay của nó. Câu chuyện này cũng vậy, nó cho ta hiểu rằng: đôi khi, nếu cứ ỷ lại vào người khác mà chính bạn không cố gắng, bạn sẽ không tài nào có được những tháng ngày vinh quang. Hình ảnh con bướm chui ra từ cái kén nhưng thân thể “bị phồng rộp”, cánh “nó lại bé xíu” làm ta hình dung rất rõ điều đó. Đọc qua, có thể ta chỉ hiểu như vậy nhưng thực chất ý nghĩa của nó còn nhiều hơn thế!

       Khi cậu bé ngồi lặng lẽ quan sát con bướm trong vòng vài giờ, chứng tỏ cậu đang dõi theo sự nỗ lực của nó và chờ thành quả nó đạt được. Nhưng rồi, cậu đã không chờ được, cậu đã cắt cho khe hở ở kén bướm to hẳn ra. Cậu bé đã không tin con bướm và cậu đã không hề kiên trì trong việc chờ đợi “thành quả” của mình làm ra. Còn về phía chú bướm, chính chú tự hại mình, chính vì không cố gắng hết sức để thoát ra khỏi cái kén chật chội kia mà giờ chú bướm đáng lẽ là rất xinh đẹp kia đã không thể tận hưởng cuộc sống tươi đẹp. Cũng giống như chúng ta, trong bất kì hoàn cảnh nào cũng đều cần sự cố gắng, cố gắng từ việc nhỏ nhặt nhất cho đến những việc phức tạp nhất. Hãy thử cố làm những người xung quanh ta hài lòng, bằng nhiều cách,… Hãy thử cố làm tốt công việc mình được giao mà không nhờ vào sự giúp đỡ của người khác. Hay như lúc này đây tôi đang thử cố hoàn thành thật tốt những dòng cảm nhận này. Nó không phải nghĩa vụ, mà là điều bạn nên làm nếu muốn một cánh cửa thành công mở ra trước mặt bạn ở tương lai gần. Đọc đến chi tiết cậu bé giúp chú bướm thoát ra dễ dàng như vậy, tôi càng thấy câu chuyện này thật ý nghĩa. Ta thương cậu bé thiếu hiểu biết đã gây nên chuyện không đáng có. Ta thầm trách cái lòng tốt của cậu bé lại đặt không đúng chỗ. Ta thấy xót xa cho con bướm, dù chỉ lơ là trong quá trình thoát ra, để giờ đây cả đời phải bò trườn…

Như vậy đó, nếu chính bản thân ta không thể vận dụng hết khả năng của mình khi cần, sẽ có ngày ta không thể dùng nó nữa. Nếu như ta không tranh thủ trau dồi, sẽ có ngày ta không còn cơ hội. Nếu như ta không kiên trì, nhẫn nại, sẽ có ngày ta phải chịu hậu quả do ngày trước hấp tấp. Vậy thì, hãy suy ngẫm và rút ra bài học từ câu chuyện này, một bài học đáng giá!

Phạm Trọng Đạt

(Trường THCS Thanh Quan)

Bài làm 3

       Trong cuộc sống, ai cũng có những lần gặp phải khó khăn, gian khổ. Mỗi lần như vậy chúng ta đều cần đến sự giúp đỡ của những người xung quanh. Nhưng giúp đỡ thế nào cho đúng, để ta vẫn có thể đứng bằng đôi chân của chính mình mà không ỷ lại, lại là một vấn đề mà không phải ai cũng biết. Điều này xảy ra rất thường xuyên trong cuộc sống và được đề cập trong nhiều câu chuyện. Câu chuyện này cũng vậy, cũng chứa đựng bài học về sự giúp đỡ.

       Mỗi con bướm đều cần tự thoát ra khỏi kén để chất lưu trong cơ thể nó chuyển vào cánh, để nó có thể bay được. Đó là quy luật tự nhiên. Nhưng vì không biết đến điều kiện tự nhiên ấy, cậu bé đã vô tình làm hại con bướm bằng cách cắt khe hở ở cái kén cho to hẳn ra. Con bướm chui ra được ngay nhưng cả cuộc đời nó không thể bay được. Một con bướm mà lại không thể bay thì chắc nó cũng chẳng được gọi là bướm nữa. Tuy cậu bé không cố tình, trái lại, có thành ý muốn giúp đỡ con bướm nhưng sự giúp đỡ của cậu thành ra là hại con bướm.

      Từ câu chuyện trên, tác giả chắc hẳn muốn người đọc liên hệ đến thực tế. Cuộc sống xung quanh ta đầy rẫy những khó khăn, vất vả và mỗi người đều phải vượt qua. Mỗi lần tự vượt qua khó khăn là một lần ta trưởng thành hơn, là một lần làm ta thêm cứng cáp, hoàn thiện. Nói cách khác, khó khăn chính là điều kiện để con người tôi luyện, rèn giũa bản thân. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, phải tự mình đối mặt với gian nan mới có thể thành công được. Nếu không tự vượt qua, mỗi người sẽ tự hình thành cho mình thói quen ỷ lại, “há miệng chờ sung”, không biết làm gì ngoài chờ đợi, chờ có người đến làm thay mình. Một lần, hai lần khó khăn, có thể có người giải quyết cho ta nhưng họ có thể giúp mình, giải quyết khó khăn hộ ta mãi được không? Chỉ có chính bản thân ta mới có thể giúp đỡ ta mãi mãi.

       Tuy đúng là bản thân phải tự vượt qua khó khăn, gian khổ nhưng mỗi người vẫn cần đến sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, xã hội. Giúp là tốt. Nhưng giúp thế nào cho đúng lại là một điều vô cùng quan trọng. Trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều trường hợp như cậu bé trong câu chuyện xảy ra. Ví dụ gần gũi và quen thuộc nhất với học sinh chúng ta chính là khi không làm được bài, hầu như đều có bạn khác làm hộ hoặc cho chép bài. Học sinh luôn nghĩ đó là tốt ? Như vậy sẽ đủ bài tập? Nhưng có mấy ai hiểu được tại sao giáo viên luôn cấm hành vi cho bạn chép bài và chép bài bạn, thậm chí người cho bạn chép bài còn bị phạt nặng hơn. Đó là vì cho bạn chép bài không phải là giúp bạn, mà chính là hại bạn. Nếu ta cứ để bạn chép mà không cho bạn có cơ hội nào để suy nghĩ, kiến thức trong đầu bạn sẽ không được vận dụng, từ sau bạn sẽ ỷ lại và không làm được bài. Cứ cho rằng khi ở trên lớp sẽ có người cho chép bài, nhưng đến khi đi thi thì chép của ai, những lúc phải tự mình làm bài thì lấy đâu ra kiến thức để làm. Nhưng đó chỉ là một hiện tượng xảy ra trong học đường – một mảng của cuộc sống. Hằng ngày, liên tục có những trường hợp lòng tốt thể hiện không đúng chỗ như vậy, thậm chí còn dẫn đến hậu quả tai hại hơn. Mặc dù bắt nguồn từ lòng nhiệt thành muốn giúp đỡ những người xung quanh, nhưng do sự thiếu hiểu biết và thiếu ý thức, vô tình ta đã làm hại họ. Có người nói: “Cho người ta một chiếc cần câu hơn là cho một con cá”. Nếu ta cho một con cá, thì người nhận cũng chỉ nhận được duy nhất một con cá đó thôi, nhưng nếụ ta cho họ một chiếc cần cầu, thì bằng chính khả năng của họ, họ có thể câu thêm nhiều con cá khác. Giúp đỡ để cho người ta còn phần để tự cố gắng mới là đúng nghĩa và sự giúp đỡ khi ấy mới có hiệu quả cao.

      Từ câu chuyện nhỏ về cậu bé và “sự giúp đỡ sai lệch” đối với con bướm, mỗi người nên tự rút ra bài học cho mình về mối quan hộ giữa khó khăn và giúp đỡ. Khi gặp khó khăn, chớ vội đánh mất ý chí và chỉ biết trông chờ, mong đợi vào người khác, hãy hiểu rõ rằng khó khăn chính là lò luyện thành công và cố gắng vượt qua nó. Và đối với những tấm lòng chân thành muốn giúp đỡ những người xung quanh khi họ gặp khó khăn, hãy nhận thức đúng về sự giúp đỡ và đặt lòng tốt đúng lúc, đúng chỗ. Có vậy thì lòng tốt mới được gửi tới những người xung quanh một cách có ích.

Tống Hồng cẩm

(Trường PTDL Lương Thế Vinh)

>> Xem thêm Qua các văn bản” Chiếu dời đô” và ‘Hịch tướng sĩ”, hãy nêu suy nghĩ về vai trò của những người lãnh đạo anh minh như Lí Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn đối với vận mệnh đất nước tại đây.