Công văn tỉnh trình thủ tướng bao lâu trả lời năm 2024

Dưới góc độ pháp lý, theo Từ điển Luật học do Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp biên soạn, thì “thẩm định có nghĩa là việc xem xét, đánh giá và đưa ra kết luận mang tính pháp lý bằng văn bản về một vấn đề nào đó”.

Về thực tiễn, thẩm định là một thủ tục trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL (VBQPPL), do chủ thể có thẩm quyền thực hiện với mục đích nghiên cứu, xem xét, đánh giá một cách toàn diện về các vấn đề của dự thảo VBQPPL (nội dung, hình thức, kỹ thuật soạn thảo văn bản) nhằm bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của văn bản với hệ thống pháp luật và các yêu cầu khác về chất lượng của dự thảo VBQPPL theo quy định.

2. Vị trí, vai trò của thẩm định dự thảo văn bản QPPL

- Thẩm định là thủ tục bắt buộc và không thể thiếu trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL. Đây là khâu cuối cùng trước khi cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền chính thức xem xét, ban hành văn bản hoặc xem xét để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản.

- Thẩm định chỉ được thực hiện bởi một số cơ quan có thẩm quyền được quy định trong Luật ban hành VBQPPL. Theo đó, các cơ quan được Luật giao thực hiện thẩm định gồm: Bộ Tư pháp; tổ chức pháp chế bộ, cơ quan ngang bộ; Sở Tư pháp các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện.

- Thông qua kết quả thẩm định, cơ quan thẩm định sẽ cung cấp những thông tin, đưa ra những kiến nghị, đề nghị giúp cơ quan, người có thẩm quyền xem xét trước khi quyết định ban hành văn bản hoặc quyết định trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành.

- Đối với cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm định là một trong những cơ chế phản biện hiệu quả, khách quan, góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan này trong công tác soạn thảo văn bản.

- Hoạt động thẩm định giúp đánh giá toàn diện, đầy đủ các nội dung của dự thảo VBQPPL, góp phần bảo đảm tính khả thi của VBQPPL. Thông qua hoạt động thẩm định của cơ quan, người có thẩm quyền giúp đánh giá những mặt được, mặt chưa được của dự thảo, từ đó đề xuất những giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng của dự thảo văn bản.

- Hoạt động thẩm định giúp tăng cường sự phối hợp giữa chủ thể soạn thảo hoặc ban hành VBQPPL với cơ quan, tổ chức hữu quan; đồng thời, là cơ chế hữu hiệu nhằm kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động xây dựng, ban hành VBQPPL.

II. QUY ĐỊNH HIỆN HÀNH VỀ THẨM ĐỊNH DỰ THẢO VĂN BẢN QPPL

1. Trách nhiệm thẩm định dự thảo văn bản QPPL của chính quyền địa phương

  1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp: Theo quy định tại Điều 121 và Điều 130 của Luật năm 2015, Sở Tư pháp có trách nhiệm thẩm định đối với các dự thảo VBQPPL sau đây:

- Dự thảo nghị quyết của HĐND do UBND cấp tỉnh trình;

- Dự thảo quyết định của UBND cấp tỉnh.

  1. Trách nhiệm của Phòng Tư pháp: Theo quy định tại Điều 134, Điều 139 của Luật năm 2015, Phòng Tư pháp có trách nhiệm thẩm định đối với các dự thảo VBQPPL sau đây:

- Dự thảo nghị quyết của HĐND cấp huyện;

- Quyết định của UBND cấp huyện.

2. Trình tự, thủ tục thẩm định dự thảo văn bản QPPL

  1. Trình tự, thủ tục thẩm định dự thảo nghị quyết do UBND cấp tỉnh trình, quyết định của UBND cấp tỉnh

Bước 1: Gửi, tiếp nhận hồ sơ thẩm định

Chậm nhất là 20 ngày, trước ngày UBND họp, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết do UBND cấp tỉnh trình và dự thảo quyết định của UBND cấp tỉnh đến Sở Tư pháp để thẩm định.

Hồ sơ thẩm định gồm:

(1) Tờ trình UBND về dự thảo văn bản;

(2) Dự thảo văn bản;

(3) Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý;

(4) Tài liệu khác (nếu có).

Đối với Tờ trình UBND về dự thảo văn bản và Dự thảo văn bản, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm in và gửi bằng bản giấy; các tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử.

Sở Tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ dự thảo văn bản. Trường hợp hồ sơ dự thảo không đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 121 của Luật năm 2015 (như: thiếu Tờ trình, Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân…) thì Sở Tư pháp có trách nhiệm đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Thời điểm thẩm định được tính từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ thẩm định.

Bước 2: Tổ chức thẩm định

Sau khi nhận đủ hồ sơ, Sở Tư pháp có trách nhiệm tổ chức thẩm định dự thảo văn bản bằng một trong hai hình thức sau đây:

- Tổ chức thẩm định dự thảo (thẩm định nội bộ) đối với dự thảo văn bản có nội dung đơn giản, rõ ràng, không phức tạp, không liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Để bảo đảm chất lượng của báo cáo thẩm định, căn cứ vào nội dung của dự thảo văn bản, đơn vị được phân công chủ trì thẩm định có thể tổ chức họp nhóm nghiên cứu trong nội bộ đơn vị hoặc đề nghị các đơn vị có liên quan thuộc Sở Tư pháp phối hợp thẩm định...

- Thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định đối với dự thảo văn bản liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc do Sở Tư pháp chủ trì soạn thảo. Giám đốc Sở Tư pháp quyết định thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định với các thành viên gồm: đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học. Tổng số thành viên của Hội đồng do Giám đốc Sở Tư pháp quyết định. Trường hợp dự thảo có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hoặc do Sở Tư pháp chủ trì soạn thảo thì đại diện Sở Tư pháp không quá 1/3 tổng số thành viên Hội đồng.

Chậm nhất là 03 ngày làm việc, trước ngày tổ chức cuộc họp của Hội đồng tư vấn thẩm định, Sở Tư pháp phải gửi tài liệu họp đến các thành viên Hội đồng.

Bước 3: Xây dựng báo cáo thẩm định

Trên cơ sở nghiên cứu và kết quả cuộc họp thẩm định hoặc biên bản cuộc họp Hội đồng tư vấn thẩm định về dự thảo văn bản, đơn vị chủ trì thẩm định có trách nhiệm chuẩn bị dự thảo báo cáo thẩm định trình Lãnh đạo Sở Tư pháp xem xét, ký báo cáo thẩm định.

Bước 4: Gửi báo cáo thẩm định

Báo cáo thẩm định phải được gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định.

  1. Trình tự, thủ tục thẩm định dự thảo nghị quyết của HĐND cấp huyện, quyết định của UBND cấp huyện

Bước 1: Gửi hồ sơ thẩm định

Chậm nhất là 10 ngày trước ngày UBND họp, cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi hồ sơ nghị quyết của HĐND cấp huyện, quyết định của UBND cấp huyện đến Phòng Tư pháp để thẩm định.

Hồ sơ gửi thẩm định được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 121 của Luật năm 2015 gồm:

(1) Tờ trình UBND về dự thảo văn bản;

(2) Dự thảo văn bản;

(3) Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý;

(4) Tài liệu khác (nếu có).

Riêng đối với hồ sơ thẩm định dự thảo quyết định của UBND cấp huyện, Luật năm 2015 không quy định “bản chụp ý kiến góp ý” là tài liệu bắt buộc trong hồ sơ gửi thẩm định.

Bước 2: Tổ chức thẩm định

Sau khi nhận đủ hồ sơ, Trưởng phòng Tư pháp có trách nhiệm tổ chức thẩm định dự thảo. Đối với dự thảo có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, để bảo đảm chất lượng của báo cáo thẩm định, trước khi tiến hành thẩm định, Phòng Tư pháp có thể đề nghị các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, các ban, ngành của huyện có ý kiến đối với dự thảo văn bản hoặc tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các cơ quan, ban, ngành…

Bước 3: Xây dựng báo cáo thẩm định

Trên cơ sở nghiên cứu và kết quả cuộc họp thẩm định, Phòng Tư pháp có trách nhiệm hoàn thành báo cáo thẩm định.

Bước 4: Gửi báo cáo thẩm định

Báo cáo thẩm định phải được gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo theo thời hạn sau:

- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Phòng Tư pháp nhận đủ hồ sơ đối với dự thảo nghị quyết của HĐND cấp huyện;

- Chậm nhất là 05 ngày trước ngày UBND họp đối với dự thảo quyết định của UBND cấp huyện.

  1. Trình tự, thủ tục thẩm định dự thảo văn bản trong trường hợp văn bản được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn

Theo quy định tại khoản 3 Điều 148 Luật năm 2015, việc thẩm định dự thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, quyết định của UBND cấp tỉnh trong trường hợp được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn (hồ sơ, thời hạn thẩm định, hình thức tổ chức thẩm định) được quy định như sau:

- Về hồ sơ gửi thẩm định gồm: Tờ trình và Dự thảo văn bản.

- Về thời hạn thẩm định: Sở Tư pháp có trách nhiệm thẩm định trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo văn bản.

- Về hình thức tổ chức thẩm định: cơ quan thẩm định lựa chọn hình thức tổ chức thẩm định tương ứng theo quy định của Luật năm 2015 (thẩm định nội bộ; tổ chức cuộc họp tư vấn thẩm định; thành lập Hội đồng thẩm định hoặc Hội đồng tư vấn thẩm định) để thẩm định dự thảo văn bản.

3. Nội dung thẩm định dự thảo văn bản QPPL

3.1. Đối với dự thảo văn bản đã thực hiện quy trình lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL

Theo quy định của Luật năm 2015, dự thảo đã thực hiện quy trình lập đề nghị xây dựng văn bản là dự thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 27 của Luật.

Luật năm 2015 không có quy định về việc cơ quan thẩm định phát biểu về sự cần thiết ban hành văn bản và sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng vì những vấn đề này đã được Sở Tư pháp xem xét trong giai đoạn thẩm định đề nghị xây dựng văn bản. Theo đó, cơ quan thẩm định sẽ tập trung làm rõ 04 vấn đề sau:

Thứ nhất, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo văn bản;

Thứ hai, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của, dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật;

Thứ ba, sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với các chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết đã được thông qua;

Thứ tư, ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản.

3.2. Nội dung thẩm định đối với các dự thảo văn bản QPPL khác (nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật, dự thảo quyết định của UBND cấp tỉnh, dự thảo nghị quyết của HĐND cấp huyện và dự thảo quyết định của UBND cấp huyện).

Nội dung thẩm định các loại văn bản nêu trên tập trung vào 04 vấn đề sau:

Thứ nhất, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo văn bản;

Thứ hai, tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật;

Thứ ba, sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với các quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên đã giao HĐND, UBND quy định chi tiết;

Thứ tư, ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản.

III. KỸ NĂNG THẨM ĐỊNH DỰ THẢO VĂN BẢN QPPL

1. Thu thập, xử lý tài liệu phục vụ thẩm định

Để phục vụ cho công tác thẩm định dự thảo văn bản nhằm đưa ra lập luận, quan điểm chính xác về dự thảo, ngoài các tài liệu có trong hồ sơ dự thảo gửi thẩm định, cơ quan thẩm định cần phải thu thập các tài liệu có liên quan đến nội dung của dự thảo. Việc xác định tài liệu cần thu thập phải căn cứ vào nội dung của dự thảo văn bản được thẩm định. Các tài liệu này bao gồm:

- Các văn kiện của Đảng có liên quan đến dự thảo văn bản;

- Hiến pháp, các VBQPPL có hiệu lực pháp lý cao hơn, các văn bản điều chỉnh về cùng một vấn đề và các văn bản điều chỉnh các vấn đề có liên quan;

- Các điều ước quốc tế có liên quan mà CHXHCN Việt Nam là thành viên;

- Sách, báo, các công trình nghiên cứu khoa học, đề tài, đề án, chương trình, chiến lược, kế hoạch, nội quy, quy chế… có liên quan đến nội dung của dự thảo;

- Các thông tin, tài liệu khác có liên quan khác.

Sau khi đã thu thập tài liệu, cơ quan thẩm định phải tiến hành nghiên cứu, phân loại tài liệu. Đối với tài liệu là VBQPPL, cần sàng lọc, loại bỏ những văn bản hết hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó cần lưu ý nguyên tắc áp dụng văn bản trong trường hợp có xung đột về nội dung. Đối với các thông tin, tài liệu khác, cần lưu ý để lựa chọn từ những nguồn thông tin chính thức và có độ tin cậy cao.

2. Xây dựng đề cương văn bản thẩm định

Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ, tài liệu của dự thảo văn bản được thẩm định và yêu cầu của Luật năm 2015 về phạm vi thẩm định, người được phân công viết báo cáo thẩm định nên xây dựng đề cương báo cáo thẩm định trước khi bắt đầu xây dựng báo cáo thẩm định. Việc xây dựng đề cương sẽ góp phần bảo đảm tính toàn diện, đầy đủ, tránh bỏ sót nội dung thẩm định cũng như bảo đảm các vấn đề trình bày trong báo cáo thẩm định sẽ lôgic, mạch lạc, rõ ràng và có sức thuyết phục cao. Đề cương thẩm định cần thể hiện cụ thể những vấn đề sẽ phát biểu, những lập luận, chứng cứ để chứng minh cho vấn đề nêu tại báo cáo thẩm định.

Thông thường, một văn bản thẩm định phải thể hiện đầy đủ các nội dung thuộc phạm vi thẩm định theo yêu cầu của Luật. Trong một số trường hợp đặc biệt, văn bản thẩm định chỉ chứa đựng một vài nội dung đánh giá. Chẳng hạn như khi cơ quan thẩm định không tán thành về sự cần thiết ban hành văn bản thì sẽ không tiến hành đánh giá về các quy định cụ thể của dự thảo hoặc trên cơ sở đánh giá các quy định cụ thể của dự thảo văn bản để lập luận, đưa ra ý kiến phản bác sự cần thiết ban hành văn bản. Do vậy, việc xây dựng đề cương báo cáo thẩm định cần bám sát các vấn đề sẽ phát biểu tại báo cáo thẩm định để đưa ra những dự liệu chính xác.

3. Nghiên cứu hồ sơ, đặt câu hỏi nhằm phát hiện vấn đề trong dự thảo văn bản được thẩm định

3.1. Thẩm định sự cần thiết ban hành văn bản

  1. Lý do của việc ban hành văn bản

Cơ quan thẩm định cần làm rõ một số nội dung sau:

- Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước: để làm rõ lý do này, người thẩm định cần trả lời câu hỏi là việc ban hành văn bản có đáp ứng được yêu cầu thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước hay không?

- Thực thi các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên: để làm rõ lý do này, người thẩm định cần trả lời câu hỏi là việc ban hành dự thảo văn bản nhằm thực thi những cam kết cụ thể trong các Điều ước quốc tế nào mà Việt Nam là thành viên?

- Quy định chi tiết thi hành VBQPPL có hiệu lực pháp lý cao hơn hoặc để hướng dẫn, quy định cụ thể các biện pháp thi hành VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên. Trường hợp dự thảo quy định chi tiết VBQPPL có hiệu lực pháp lý cao hơn thì người thẩm định cần trả lời câu hỏi: việc ban hành văn bản có phải để thực hiện nhiệm vụ đã được được giao trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên hay không không? Nếu có, phải xác định rõ các điều, khoản, điểm được giao quy định chi tiết. Trường hợp hướng dẫn, quy định cụ thể các biện pháp thi hành văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên thì cần làm rõ sự phù hợp về thẩm quyền ban hành văn bản với nội dung hướng dẫn, quy định cụ thể trong dự thảo.

- Đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, giải quyết những tồn tại, hạn chế và các vấn đề đặt ra của xã hội: trên cơ sở tổng hợp, phân tích hồ sơ dự thảo và các thông tin thu thập được, người thẩm định cần xác định việc ban hành văn bản để điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh hoặc để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội có phải được xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn trong nước hoặc yêu cầu của hội nhập quốc tế không?

- Pháp luật hiện hành chưa quy định hoặc đã có nhưng biện pháp chưa đủ mạnh để giải quyết vấn đề hoặc quy định không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và thiếu tính khả thi: để phát biểu về vấn đề này, người thẩm định cần rà soát các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan đến dự thảo văn bản để trả lời một số câu hỏi sau:

(1) trường hợp pháp luật hiện hành chưa có quy định thì việc ban hành văn bản có phải là giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề thực tiễn phát sinh?

(2) trường hợp đã có văn bản quy định nhưng chưa đủ mạnh để giải quyết hoặc không còn phủ hợp với tình hình thực tiễn thì nên ban hành văn bản mới thay thế hay chỉ cần ban hành văn bản để sửa đổi, bổ sung văn bản hiện hành?

  1. Khả năng bảo đảm giải quyết những vướng mắc và điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Bên cạnh việc xem xét lý do ban hành văn bản, người thầm định cần bước đầu xem xét và đánh giá về tính dự báo của văn bản. Cụ thể là quy định của dự thảo có khả năng giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn, khả năng điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh và khả năng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương không? Trong trường hợp dự thảo văn bản đáp ứng đầy đủ các lý do ban hành nhưng qua xem xét thấy rằng quy định của dự thảo chưa phải là giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề vướng mắc trong thực tiễn hoặc có khả năng giải quyết được những vướng mắc đó nhưng lại gây khó khăn, cản trở hoặc tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh… thì cần phải cân nhắc thêm về sự cần thiết ban hành văn bản.

3.2. Thẩm định đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo văn bản

Với nội dung thẩm định về đối tượng, phạm vi điều chỉnh văn bản, người thẩm định cần phải phân tích, đánh giá về một số vấn đề sau đây:

- Sự phù hợp giữa đối tượng với phạm vi điều chỉnh của dự thảo;

- Sự phù hợp giữa đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo với các chính sách cơ bản của dự thảo;

- Sự phù hợp giữa đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo với các quy định cụ thể của dự thảo;

- Sự phù hợp giữa tên gọi của dự thảo văn bản với phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo.

3.3. Thẩm định sự phù hợp của nội dung dự thảo với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước

Người thẩm định phải phát biểu về một số vấn đề bằng cách trả lời một số câu hỏi sau đây:

- Nội dung của dự thảo văn bản có phù hợp với các văn kiện của Đảng làm cơ sở cho việc ban hành văn bản hay không?

- Nội dung của dự thảo đã bảo đảm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách được thể hiện trong văn kiện của Đảng hay chưa?

- Dự thảo có nội dung gì không phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước hay không?

Trong trường hợp phát hiện dự thảo có quy định chưa phù hợp với văn kiện của Đảng nhưng phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo đảm quyền, nghĩa vụ của công dân thì báo cáo thẩm định phải nêu rõ vấn đề này và đề xuất cơ quan có thẩm quyền xin ý kiến chỉ đạo.

3.4. Thẩm định sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh, chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản đã được thông qua

Để phát biểu ý kiến về nội dung này, cơ quan thẩm định cần phải căn cứ vào ý kiến thông qua đề nghị xây dựng văn bản để so sánh, đối chiếu giữa quy định của dự thảo văn bản với các chính sách đã được thông qua. Trên cơ sở đó, người thẩm định cần đánh giá một số nội dung sau:

- Sự phù hợp giữa các quy định trong dự thảo văn bản với mục đích, yêu cầu ban hành văn bản;

- Sự phù hợp giữa các quy định trong dự thảo văn bản với phạm vi điều chỉnh của dự thảo văn bản;

- Mức độ chuyển hóa các chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản đã được thông qua vào dự thảo văn bản;

- Sự phù hợp giữa các quy định trong dự thảo văn bản với các chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản đã được thông qua.

3.5. Thẩm định tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật

  1. Về tính hợp hiến: Một trong những nội dung vô cùng quan trọng của việc thẩm định là nhằm bảo đảm cho các quy định của dự thảo bảo đảm tuân thủ các quy định của Hiến pháp và phù hợp với tinh thần của Hiến pháp. Do vậy, để phát biểu về tính hợp hiến của dự thảo văn bản, người thẩm định cần đưa ra ý kiến về một số vấn đề sau đây:

- Sự phù hợp với các quy định cụ thể của Hiến pháp hoặc phù hợp với tinh thần, nguyên tắc của Hiến pháp về bản chất nhà nước, nội dung cơ bản của chế độ kinh tế, nghĩa vụ cơ bản của công dân, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước.

Đối với những quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước cần trả lời câu hỏi: có phù hợp với các quy định, nguyên tắc Hiến định về tổ chức hoạt động của từng loại cơ quan/cá nhân có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước hay không?

Đối với những quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thì khi nghiên cứu dự thảo, người thẩm định cần đánh giá quy định của dự thảo có hạn chế quyền cơ bản nào không? Những phạm trù nào thuộc về quyền tự do được bảo vệ? Những phạm trù nào bị can thiệp? Chủ thể nào có thẩm quyền can thiệp? Có xâm phạm quyền bình đẳng không? (ví dụ bình đẳng giới; bình đẳng giữa công dân thuộc thành phần các dân tộc, tôn giáo khác nhau,...); Có bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân không?

Nếu phát hiện dự thảo có quy định chưa phù hợp với Hiến pháp thì cần phân tích và nêu rõ: Quy định nào chưa phù hợp với tinh thần, nguyên tắc hoặc điều, khoản cụ thể của Hiến pháp? Có quy định nào vượt khỏi phạm vi quy định, tinh thần của Hiến pháp không?

Trong trường hợp phát hiện nội dung của dự thảo chưa phù hợp với quy định cụ thể, nguyên tắc hoặc tinh thần của Hiến pháp, nhưng phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân thì báo cáo thẩm định phải nêu rõ vấn đề này và đề xuất việc xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.

  1. Về tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật:

Để thẩm định tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật, người thẩm định cần xem xét, đánh giá một số nội dung sau đây:

* Về tính hợp pháp:

- Sự phù hợp về hình thức và nội dung văn bản với thẩm quyền của chủ thể ban hành văn bản;

- Sự phù hợp của nội dung dự thảo với quy định của VBQPPL hiện hành có giá trị pháp lý cao hơn;

- Việc tuân thủ trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản theo quy định của Luật ban hành VBQPPL.

Người thẩm định cần căn cứ vào quy định của Luật năm 2015 và Nghị định số 34 để đối chiếu quy trình soạn thảo, ban hành mỗi loại văn bản, từ đó đánh giá về việc tuân thủ trình tự, thủ tục soạn thảo của cơ quan chủ trì soạn thảo. Nội dung đối chiếu bao gồm: tính đầy đủ của các bước trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản (soạn thảo, lấy ý kiến...); tính đầy đủ của hồ sơ dự thảo văn bản.

* Về tính thống nhất với hệ thống pháp luật:

- Sự thống nhất của các quy định trong các dự thảo với các quy định tại VBQPPL có hiệu lực pháp lý cao hơn;

- Sự thống nhất của các quy định trong dự thảo với các quy định của VBQPPL hiện hành khác do cơ quan cùng cấp có thẩm quyền ban hành về cùng một vấn đề, bảo đảm không có chồng chéo, mâu thuẫn giữa nội dung dự thảo với các quy định hiện hành.

Trong trường hợp phát hiện quy định của dự thảo không thống nhất với quy định của các văn bản hiện hành khác do cùng cấp có thẩm quyền ban hành về cùng một vấn đề thì báo cáo thẩm định phải phân tích lý do, ưu điểm, nhược điểm của quy định của dự thảo và đề xuất phương án xử lý.

3.6. Thẩm định tính tương thích của dự thảo văn bản với điều ước quốc tế liên quan mà CHXHCN Việt Nam là thành viên

Để đánh giá về tính tương thích với điều ước quốc tế thì người thẩm định cần xem xét trên một số khía cạnh sau đây:

- Mức độ chuyển hóa các quy định của Điều ước quốc tế vào các quy định của dự thảo;

- Sự phù hợp giữa quy định của dự thảo với các quy định của điều ước quốc tế có liên quan. Trường hợp phát hiện quy định của dự thảo trái hoặc không thống nhất với quy định của điều ước quốc tế thì báo cáo thẩm định phải nêu rõ lý do và đề xuất hướng xử lý;

- Những cản trở, khó khăn mà quy định của dự thảo có thể gây ra đối với việc thực hiện điều ước quốc tế và đề xuất hướng giải quyết.

Trước khi đánh giá, cần tiến hành rà soát, tập hợp các điều ước quốc tế song phương và đa phương mà CHXHCN Việt Nam là thành viên. Trên cơ sở đó, người thẩm định sẽ so sánh, đối chiếu nội dung của dự thảo văn bản với nội dung các điều ước quốc tế có liên quan để phát biểu về việc dự thảo có phù hợp với nội dung và tinh thần của điều ước quốc tế đó hay không? Có nội dung nào trái hoặc không phù hợp không? Cùng với đó, cần xem xét cách quy định của dự thảo văn bản có thể tạo ra những khó khăn, cản trở trong quá trình thực thi điều ước quốc tế không? Nếu có thì cần đưa ra phương án giải quyết (chỉnh lý cho phù hợp hoặc kiến nghị không nên quy định trong dự thảo).

3.7. Thẩm định sự cần thiết, tính hợp lý và chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản

  1. Sự cần thiết của một thủ tục hành chính được đánh giá theo các nội dung sau:

- Đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực nhất định;

- Bảo đảm quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức;

- Là biện pháp tối ưu để bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước và bảo đảm quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

  1. Tính hợp lý của một thủ tục hành chính được đánh giá theo các nội dung sau:

- Tính rõ ràng, cụ thể, ngắn gọn, chính xác và thống nhất của tên thủ tục hành chính; tính rõ ràng, cụ thể và phù hợp về thời gian, quy trình, cách thức thực hiện thủ tục hành chính;

- Sự cần thiết, tính rõ ràng, cụ thể về tên, quy cách, số lượng của từng thành phần hồ sơ, số lượng bộ hồ sơ;

- Tính rõ ràng, cụ thể của thời hạn giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm tiết kiệm thời gian cho cá nhân, tổ chức, phù hợp với khả năng của cơ quan thực hiện thủ tục hành chính tổ chức. Trường hợp một thủ tục hành chính do nhiều cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì quy định rõ ràng, đầy đủ thời hạn giải quyết của từng cơ quan và thời hạn chuyển giao hồ sơ giữa các cơ quan;

- Tính rõ ràng, cụ thể về đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; bảo đảm sự công bằng giữa các cá nhân, giữa các tổ chức, giữa cá nhân với tổ chức, giữa các ngành, lĩnh vực, giữa các vùng miền, giữa trong nước với ngoài nước;

- Sự phù hợp về thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính đối với cấp hành chính hoặc địa giới hành chính; thuận tiện cho cá nhân, tổ chức trong việc liên hệ với cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp một thủ tục hành chính do nhiều cơ quan, nhiều cấp tham gia giải quyết thì quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp; áp dụng tối đa cơ chế liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;

- Tính rõ ràng, cụ thể của chính sách về phí, lệ phí và các khoản chi trả khác (nếu có); sự phù hợp với chi phí mà cơ quan nhà nước bỏ ra để thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm chi phí thấp nhất đối với cá nhân, tổ chức; có tính đến đặc điểm từng vùng miền, từng đối tượng thực hiện, từng lĩnh vực và thông lệ quốc tế;

- Việc mẫu hóa đơn, tờ khai trong thủ tục hành chính; tính rõ ràng, ngắn gọn, cần thiết của nội dung mẫu đơn, tờ khai cho việc giải quyết thủ tục hành chính;

- Tính rõ ràng, cụ thể, cần thiết của các yêu cầu, điều kiện của thủ tục hành chính đối với yêu cầu quản lý nhà nước, phù hợp với khả năng đáp ứng của cá nhân, tổ chức;

- Tính rõ ràng, thuận tiện, phù hợp của hình thức, thời hạn có hiệu lực và điều kiện có hiệu lực (nếu có) của kết quả của thủ tục hành chính với yêu cầu quản lý nhà nước, với quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và tình hình thực tiễn.

  1. Sự phù hợp của chi phí tuân thủ thủ tục hành chính được đánh giá trên cơ sở xem xét tổng chi phí thấp nhất của thủ tục hành chính đó trong một năm, gồm một số vấn đề sau:

- Bảo đảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính là thấp nhất;

- Số lần cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện thủ tục hành chính trong một năm;

- Số lượng đối tượng tuân thủ được hưởng lợi nhiều nhất.

3.8. Thẩm định việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản

Để phát biểu ý kiến về nội dung này, người thẩm định cần xem xét một số khía cạnh sau đây:

- Việc xác định vấn đề giới và các biện pháp giải quyết vấn đề giới trong dự thảo văn bản;

- Việc bảo đảm các nguyên tắc về bình đẳng giới trong dự thảo văn bản (dự thảo có nội dung nào quy định trực tiếp hoặc gián tiếp về vấn đề bình đẳng giới không? Nếu có thì những quy định đó đã bảo đảm sự phù hợp với các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới hay chưa?...);

- Việc tuân thủ quy trình, thủ tục lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản nhằm loại bỏ giải pháp gây bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới;

- Tính khả thi những quy định về biện pháp giải quyết các vấn đề về bình đẳng giới trong dự thảo.

3.9. Thẩm định điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính đế bảo đảm thi hành văn bản QPPL

Để phát biểu ý kiến về nội dung này, người thẩm định cần xem xét một số khía cạnh sau đây:

- Điều kiện bảo đảm nguồn nhân lực: chi phí thay đổi, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy để thực hiện văn bản…

- Điều kiện bảo đảm nguồn tài chính: chi phí tuân thủ văn bản, chi phí xây dựng cơ sở, vật chất, trang thiết bị phục vụ tổ chức thực hiện văn bản, chi phí tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật…

3.10. Thẩm định ngôn ngữ, kỹ thuật và trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản

Trong nội dung thẩm định về ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo phải nêu rõ sự đánh giá về các vấn đề sau đây của dự thảo:

- Tính hợp lý, khoa học trong bố cục của dự thảo. Trường hợp bố cục dự thảo chưa hợp lý, trích dẫn căn cứ ban hành văn bản không chính xác thì báo cáo thẩm định cũng cần nêu rõ nội dung này;

- Việc sử dụng nhất quán các thuật ngữ chuyên môn trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành. Trường hợp trong dự thảo sử dụng thuật ngữ chuyên ngành, thuật ngữ giới hạn trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo thì các thuật ngữ này phải được giải thích rõ ràng;

- Ngôn ngữ sử dụng trong dự thảo phải đơn nghĩa, trong sáng, rõ ràng, dễ hiểu;

- Tuân thủ các quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày và trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản.

3.11. Về một số vấn đề khác có liên quan đến dự thảo

Ngoài việc phát biểu về các nội dung thẩm định theo quy định của Luật, báo cáo thẩm định cần phát biểu thêm về các nội dung cụ thể của dự thảo. Đối với VBQPPL của cấp tỉnh, trường hợp dự thảo văn bản có quy định thủ tục hành chính (do được giao trong Luật) thì cơ quan thẩm định cần xem xét, đánh giá việc tuân thủ trình tự, thủ tục quy định thủ tục hành chính; tính hợp lý và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính...

Trong trường hợp dự thảo còn những vấn đề có ý kiến khác nhau hoặc cần xin ý kiến thì báo cáo thẩm định cần thể hiện rõ quan điểm của cơ quan thẩm định về từng vấn đề (quan điểm nào là phù hợp? cơ quan thẩm định ủng hộ quan điểm nào và không ủng hộ quan điểm nào?) và có lập luận rõ ràng, cụ thể về việc ủng hộ hoặc không ủng hộ quan điểm đó.

4. Xây dựng báo cáo thẩm định

4.1. Một số yêu cầu khi xây dựng báo cáo thẩm định

Thứ nhất, đảm bảo tính trung thực, chính xác. Theo đó, báo cáo thẩm định phải phản ánh trung thực, chính xác ý kiến thẩm định đối với các nội dung của dự thảo văn bản.

Thứ hai, nội dung báo cáo phải cụ thể, rõ ràng thể hiện đầy đủ quan điểm của cơ quan thẩm định về các nội dung thẩm định theo quy định của Luật. Ngoài ra, báo cáo thẩm định phải nêu rõ ý kiến của cơ quan thẩm định về việc dự thảo đủ điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện trình. Trường hợp cơ quan thẩm định kết luận dự thảo chưa đủ điều kiện trình thì phải nêu rõ lý do trong báo cáo thẩm định.

Thứ ba, việc xây dựng báo cáo phải bảo đảm tính kịp thời, đúng thời hạn Luật định.

4.2. Phương pháp xây dựng báo cáo thẩm định

Để viết được một báo cáo thẩm định đầy đủ nội dung, có chất lượng, người thẩm định cần tiến hành các bước cơ bản sau đây:

  1. Công tác chuẩn bị: Người được phân công viết báo cáo phải xác định rõ được mục đích, yêu cầu của báo cáo, từ đó xây dựng đề cương khái quát, đề cương chi tiết của dự thảo báo cáo. Người viết báo cáo phải thu thập thông tin, tổng hợp các ý kiến từ các cuộc họp, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo, kết hợp với lập luận của cá nhân để đưa vào báo cáo.
  1. Xây dựng đề cương chi tiết: Trên cơ sở đề cương sơ bộ được xây dựng trước khi tiến hành thẩm định, người được phân công viết báo cáo thẩm định xây dựng đề cương chi tiết với những nội dung cụ thể hơn. Đề cương chi tiết cần bố cục rõ ràng, đưa ra các ý kiến thẩm định lớn cũng như lập luận cơ bản để đánh giá về dự thảo văn bản theo các nội dung thẩm định được quy định tại Luật năm 2015.
  1. Xây dựng dự thảo báo cáo thẩm định: Trên cơ sở đề cương chi tiết, người được phân công tiến hành xây dựng dự thảo báo cáo thẩm định. Báo cáo cần được thể hiện đầy đủ các nội dung thẩm định được quy định tại Luật năm 2015, trong đó phải nêu rõ quan điểm của cơ quan thẩm định và đưa ra lập luận lôgic, rõ ràng, có sức thuyết phục. Ngôn ngữ sử dụng trong báo cáo phải trong sáng, dễ hiểu; nhận định, đánh giá phải chính xác, khoa học; trình bày ngắn gọn, súc tích, hạn chế lối hành văn cầu kỳ. Đặc biệt, trong trường hợp không tán thành với quy định của dự thảo thì cơ quan thẩm định cần đưa ra phương án giải quyết cụ thể để cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu.

Thông thường, báo cáo thẩm định sẽ được kết cấu bao gồm các nội dung chính sau đây:

* Phần mở đầu: Phần này sẽ bao gồm những nội dung cơ bản sau:

- Quốc hiệu, Tiêu ngữ, tên cơ quan thẩm định (là tên cơ quan hoặc đơn vị có thẩm quyền thực hiện hoạt động thẩm định dự thảo văn bản theo quy định của Luật năm 2015), địa danh, ngày, tháng, năm báo cáo;

- Tên báo cáo (Báo cáo thẩm định dự thảo....), kính gửi;

- Căn cứ tiến hành thẩm định và dẫn đề sang phần nội dung thẩm định.

* Phần nội dung: Nội dung của báo cáo thẩm định sẽ bao gồm các phần nhỏ, thể hiện những nội dung thẩm định theo yêu cầu của Luật năm 2015. Thông thường, mỗi nội dung thẩm định theo yêu cầu của Luật sẽ được bố cục thành một phần riêng trong Báo cáo và được sắp xếp theo thứ tự tương ứng với thứ tự sắp xếp tại các điều, khoản của Luật năm 2015 quy định nội dung thẩm định dự thảo văn bản.

Trong mỗi phần, báo cáo thẩm định cần nêu rõ được ý kiến của cơ quan thẩm định và lập luận, lý lẽ chứng minh cho các ý kiến đó. Tuy nhiên, trong thực tiễn tổ chức thẩm định, để bảo đảm tính linh hoạt, cơ quan thẩm định có thể căn cứ vào nội dung của từng dự thảo để bố cục báo cáo thẩm định cho phù hợp, nhưng phải bảo đảm đầy đủ các nội dung thẩm định đối với dự thảo đó theo quy định của Luật năm 2015.

* Phần kết luận: Trong phần này, Báo cáo thẩm định phải thể hiện rõ ý kiến và đề xuất của cơ quan thẩm định về toàn bộ dự thảo văn bản. Trường hợp dự thảo văn bản chưa đáp ứng được các yêu cầu về nội dung cũng như hình thức thể hiện mà cơ quan thẩm định cho rằng dự thảo chưa đủ điều kiện trình thì phải nêu rõ lý do.

Đối với dự thảo văn bản phức tạp thì người thẩm định có thể đề xuất lãnh đạo tổ chức cuộc họp góp ý dự thảo báo cáo thẩm định.

  1. Trình lãnh đạo xem xét, ký báo cáo thẩm định

Đơn vị/người được giao chủ trì thẩm định tiến hành rà soát kỹ dự thảo Báo cáo trước khi trình Lãnh đạo cơ quan/đơn vị thẩm định xem xét, cho ý kiến chỉ đạo. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo cơ quan/đơn vị thẩm định, đơn vị/người chủ trì thẩm định chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Báo cáo và trình Lãnh đạo ký ban hành./.