Phả trong từ gia phả có nghĩa là gì năm 2024

Gia đình là hai tiếng quen thuộc, thông thường nhất đối với mỗi người Việt Nam. Gia đình có thể chỉ gồm 2 vợ chồng, cũng có thể gồm nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. Gia đình là tổ hợp những người cùng máu mủ ruột thịt cùng xum họp, nơi ấp ủ tình thương của cha mẹ, anh em, ông bà, nơi chứa đựng tình nghĩa vợ chồng cùng chung lưng đấu cật nuôi dạy con cái, xây dựng tổ ấm. Gia đình có 5 đời cùng ở chung là Ngũ đại đồng đường, 4 đời là Tứ đại đồng đường, 3 đời là Tam đại đồng đường.

Nếu từ bản thân ta tính ngược lên, thì trên ta là cha mẹ, gọi là Phụ Mẫu; trên cha mẹ là ông bà, gọi là Tổ phụ, Tổ mẫu; trên ông bà là cụ ông, cụ bà, gọi là Tằng tổ phụ, Tằng tổ mẫu; trên hai cụ là 2 kỵ, gọi là Cao tổ phụ, Cao tổ mẫu; trên nữa thì gọi chung là Cao cao tổ cho đến Thủy tổ.Từ ta tính xuống là con, chữ là Tử; dưới con là cháu, chữ là Tôn, dưới cháu là chắt, chữ là Tằng tôn, dưới chắt là chút, chữ là Huyền tôn, dưới nữa đều gọi là Viễn tôn.Tính từ Cao tổ đến Huyền tôn là 9 đời - Cửu tộc (khoảng 200 năm). Ngoài cửu tộc,tình máu mủ nhạt dần.

Đất nước ta, từ thuở khai thiên lập quốc, đã luôn phải trải qua thăng trầm ly loạn, việc ghi chép về những người trong gia đình, dòng họ là cực kỳ quan trọng, nó giúp cho những người do hoàn cảnh phải phân tán, thậm chí phải thay tên đổi họ biết tìm về danh tính, cội nguồn đích thực của mình.Việc ghi chép đó gọi chung là Gia phả, Tộc phả. Phả do từ Phổ(chữ Hán) mà ra, có nghĩa là cuốn sách biên chép có thứ tự. Tộc phả ghi chép về Dòng họ, khoảng 10 đời trở lên. Gia phả chép về chi nhánh Dòng họ, khoảng 5 đến 9 đời (trong phạm vi Cửu tộc).

Cuốn gia phả của Lý Thái Tổ(1026)có tên “ Hoàng Triều ngọc điệp” được coi là cuốn gia phả cổ nhất còn truyền lại được ở nước ta.Đời Trần có “Hoàng Tông ngọc điệp”, đời Lê có “ Hoàng Lê ngọc phả”. Không chỉ có các bậc vua chúa cho chép Phả, rất nhiều gia đình từ quan lại đến thứ dân cũng biên chép Tộc phả, Gia phả. Điều đó xuất phát từ quan niệm trọng tình, trọng nghĩa của người Việt, “ Máu mủ ruột già; Anh em như thể tay chân; Giọt máu đào hơn ao nước lã ”.Tộc phả, Gia phả trước hết là để giúp con cháu nhớ đến ngày giỗ của tiền nhân, bởi ông bà ta có câu: “ Sống tết, chết giỗ ”, sau nữa là để hậu thế biết rõ nguồn gốc tổ tiên từ đâu đến, họ hàng trên dưới xa gần, thân sơ ra sao, là chiếc cầu nối vô hình nhưng hữu hiệu kết nối hết thảy con cháu, nó nhắc nhở con cháu luôn nhớ đến tổ tiên, nhớ đến công lao tổ tiên đã gian nan xây dựng, bồi đắp nên dòng họ.

Lịch sử của mỗi quốc gia gắn với lịch sử hàng triệu triệu gia đình, do đó thông qua Tộc phả, Gia phả, có thể tìm hiểu, làm rõ thêm lịch sử của quốc gia qua từng thời kỳ lịch sử, mà bởi lý do nào đó, chính sử thất lạc hoặc không biên chép.

Vậy cách chép Gia phả, Tộc phả như thế nào?

Các cuốn gia phả các dòng họ ở nước ta được lưu truyền đến ngày nay hầu như không có khuôn mẫu thống nhất cả về hình thức và nội dung, có cuốn quá sơ lược, hầu như chỉ phản ánh thứ thế, chi, nhánh, có cuốn lại quá rườm rà, tản mạn như văn chương, làm người ta nghi ngờ tính xác thực lịch sử, có gia phả lại được viết dưới dạng Diễn ca…

Ngày nay, các nhà nghiên cứu đã tạm đưa ra một mô thức chung cho việc biên chép Gia phả, Tộc phả như sau:

Về hình thức: Nên viết dưới dạng văn xuôi bằng Quốc ngữ cho phổ thông, dễ đọc, dễ hiểu.

Về nội dung: Để bảo đảm tính kế thừa cách biên chép truyền thống, nên có 3 phần: Phả ký, phả hệ, phả đồ.

Phả ký: gồm Lời nói đầu( Lời tựa); quá trình phát sinh, phát triển dòng họ (Nguồn gốc dòng họ); mảnh đất xưa và nay dòng họ đã ở, những di ngôn, giáo huấn của tiền nhân, những tập quán truyền đời của dòng họ.

Phả hệ: Ghi chép các đời trong dòng họ theo thế thứ.

Phả đồ: Thể hiện phả hệ bằng sơ đồ.

Tuy nhiên, khi viết, không nên tách bạch 3 phần mà nên đan xen linh hoạt, có thể theo dàn ý sau:

1.Lời tựa: Nêu mục đích, ý nghĩa của việc biên chép, lưu truyền Tộc phả, Gia phả…( Lưu danh hậu thế, biết rõ cội nguồn tổ tông, giữ gìn gia đạo…)

2.Quá trình phát sinh, phát triển (Nguồn gốc): Ví dụ: “ Họ Nguyễn Xuân…ta xưa có gốc ở vùng Phong Châu, Bạch Hạc (nay thuộc Việt trì, Phú Thọ). Đến đời cụ Cao cao tổ Nguyễn Xuân Ất, khoảng năm 1450, do loạn lạc binh đao đã dời đến vùng Kinh Bắc.Từ đó dòng họ ta không ngừng phát triển, đã có các chi nhánh Nguyễn Xuân…ở khắp Bắc Bộ, từ Thủy Nguyên Hải Phòng, Kim Thành Hải Dương, Thuận Thành Bắc Ninh đến chi đi xa nhất di dân vào Nam theo chúa Nguyễn, hiện cư ngụ ở vùng Kim Long, Huế, do có công với Triều Nguyễn, đã được Vua cho cải họ theo danh xưng Tôn Thất….”

3.Mảnh đất dòng họ đã ở xưa và nay: Các đời quá xa, nếu không rõ, chỉ ghi sơ lược (Có thể ghi: Theo truyền thuyết, Theo lời kể của tiền nhân.v.v…), có thể nêu truyền thống nghề nghiệp gia truyền…

4.Phả hệ. Đây là phần quan trọng nhất.Ghi từ cao xuống thấp, tức từ Thủy tổ cho đến hiện tại. Nếu coi cụ Thủy tổ là Đời 1, cụ sinh được 3 người con A, B, C thì các ông bà A, B, C là đời thứ 2, các con ông bà A, B, C là đời thứ 3, cháu ông bà A, B, C là đời thứ 4…Đời thứ 4 ghi theo thứ tự từ lớn đến nhỏ, hết cháu ông A đến cháu ông B, cháu bà C. Về phần từng người, ghi rõ danh tính, ngày sinh, ngày mất, nơi đặt mồ mả, vợ con, chức tước phẩm hàm, công đức, di ngôn giáo huấn (nếu có). Đối với người bình thường chỉ cần ghi: Họ tên, ngày sinh, ngày mất, mồ mả, chức vụ, vợ con.

Ghi tên: Ngày xưa có tên Húy (tên tục, do cha mẹ đặt); tên Hiệu (là những người theo dòng văn thơ tự đặt cho mình với một ý nghĩa nào đó, thường ký dưới tác phẩm, thường gọi là Bút hiệu); tên Tự tức tên chữ do cha mẹ đặt cho hoặc tự mình đặt ra, có xuất xứ từ tên húy hay do bản tính, chí hướng để đặt ra; tên Thụy là tên tự đặt lúc lâm chung (nếu còn minh mẫn), hoặc do con cháu đặt cho, dùng để khấn khi cúng cơm.

Về vợ con, xưa ghi Chính thất, Á thất, nay nên ghi: Vợ cả, vợ hai, vợ kế (khi vợ cả, vợ 2 chết, người vợ thứ 3 gọi là vợ kế).Con vợ cả ghi trước, con vợ hai ghi sau, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ.

5.Phả đồ (thường gọi là Cây gia phả).Chú ý ghi thứ tự Thủy tổ ở phía trên, tỏa dần xuống các đời sau là chi, nhánh( ngày nay có Vi tính, rất tiện cho việc vẽ Phả đồ);

6.Truyền thống dòng họ ( Khoa bảng, võ quan, tiết nghĩa, nghề gia truyền.v.v…);

7.Di ngôn, di huấn( Lời dăn dạy lúc sinh thời hoặc lời dặn dò lúc lâm chung của tổ tiên có ý nghĩa như phương châm sống, gia đạo phải giữ gìn, có quan hệ trọng đại đến cả dòng họ, gia tộc).

Lưu ý: Trong biên chép, nên ghi chép kỹ hơn về những người đức cao vọng trọng, đỗ đạt, có biệt tài, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, dòng họ…để làm gương giáo dục con cháu noi theo. Đối với những trường hợp “nghịch tử” làm ô danh dòng họ, nếu có biên chép, chỉ nên ghi hết sức sơ lược, tế nhị để nhắc nhở chung, tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến hậu sinh người trong chi, nhánh đó.

Ngày xưa, việc biên chép Tộc phả, Gia phả do người Trưởng tộc, Trưởng chi đảm nhiệm, và nhiều khi được bảo quản hết sức bí mật, chỉ mang ra đọc một lần trong năm cho con cháu nghe vào ngày họp họ, dòng tộc. Ngày nay, việc biên chép có thể giao cho người có năng lực, am hiểu về gia đình, dòng tộc thực hiện, song bản sơ thảo nhất thiết phải thông qua Hội đồng gia tộc bàn bạc, sửa chữa, đồng thuận mới được coi là Tộc phả, Gia phả chính thức của dòng họ, chi, nhánh, sau đó giao cho Tộc trưởng hoặc người có uy tín, đức độ cất giữ. Gia phả, tộc phả được viết tiếp hàng năm để bảo đảm tính liên tục.

Với những ý nghĩa đó, việc biên chép Tộc phả, Gia phả ngày nay vẫn là việc làm hữu ích cho cả hôm nay và con cháu mai sau./.

Nghĩa của từ gia phả là gì?

Gia phả là bản ghi chép tên họ, tuổi tác, ngày giỗ, vai trò và công đức của cha mẹ, ông bà, tổ tiên và mộ phần của một gia đình lớn hay một dòng họ.

Tộc pha nghĩa là gì?

Tộc phả, hay gọi là Tộc phổ, Thế phổ là cuốn sách biên ghi nguồn gốc và sự lưu truyền của cả Tộc họ. Tộc phả được giữ gìn tại Tổ Đình hay Tổ miếu, nơi thờ phụng tổ tông, các bậc tiền nhân của một địa tộc danh vọng.

Lập gia phả để làm gì?

Gia phả là gia bảo của mỗi dòng họ với sứ mệnh giúp dòng họ, các chi, các cành lần tìm về gốc rễ, chắp nối cội nguồn. Lớn lao hơn, gia phả củng cố gia tộc, gia phong để giáo dục đạo đức cho con cháu, giúp con cháu biết được gốc gác của mình từ đâu, họ hàng của mình là ai, lịch sử tổ tiên của mình như thế nào.

Ngoài pha là gì?

Ngoại phả: ghi nhà thờ tổ, việc cúng bái, văn khấn, ghi khu mộ, ghi danh sách học vị các thành viên đỗ đạt, ghi tiểu sử một số thành viên nổi bật, ghi quan hệ hôn nhân cưới gả với dòng họ nào…. Phụ khảo: ghi địa chí xóm ấp, đình miếu, chợ búa, bến đò…. Nghiên cứu gia phả là khoa học, thực hành gia phả là thiêng liêng.